1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

IS mất đất - thêm nỗi lo

Số tay súng nước ngoài cố rời khỏi Syria và Iraq sẽ tăng lên khi IS tiếp tục mất đi những phần lãnh thổ mà chúng từng chiếm đóng

Phiến quân Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang thất thủ ở nhiều nơi trên khắp Syria và Iraq. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng mất quyền kiểm soát nhiều vùng đất chiếm được trước đây.

Thế nhưng, thất bại ở Trung Đông không phải là dấu chấm hết đối với IS bởi chúng đã và đang tạo ra nỗi lo mới trên toàn cầu.

Mỹ, Anh… quan ngại

Ông Nicholas Rasmussen, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ, lạc quan nhận xét cuộc chiến chống IS vẫn đang diễn ra hiệu quả trên chiến trường. Các chiến dịch quân sự tiếp tục giành lại nhiều lãnh thổ từ tay IS và phiến quân tân binh cũng giảm.

Theo chuyên gia chống khủng bố này, tin tốt đẹp là tỉ lệ tay súng nước ngoài đến khu vực xung đột sụt giảm đều đặn tính từ thời cao điểm năm 2014. Tuy nhiên, điều đáng lo là số tay súng nước ngoài cố rời khỏi Syria và Iraq sẽ tăng lên khi IS tiếp tục mất đi những phần lãnh thổ mà chúng từng chiếm đóng.

Theo đài NPR (Mỹ) ngày 4-5, giới chức an ninh Mỹ và nhiều quốc gia đã bắt đầu quan ngại trước viễn cảnh đất nước họ có thể tràn ngập chiến binh IS trở về.

Người ta ước tính khoảng 40.000 tay súng nước ngoài từ hơn 100 quốc gia đã đến Syria và Iraq chiến đấu trong hàng ngũ của IS, trong đó đa phần từ châu Âu và các quốc gia Trung Đông.

IS mất đất - thêm nỗi lo - 1

Giới chức an ninh Mỹ và nhiều quốc gia bắt đầu quan ngại trước viễn cảnh đất nước họ tràn ngập chiến binh IS trở về. Ảnh: GET WEST LONDON

Tuy nhiên, các nhà chuyên môn đánh giá nguy cơ lớn nhất ở đây là chỉ với một số nhỏ phiến quân, IS đã có thể thực hiện nhiều vụ tấn công tinh vi hoặc tuyển mộ những kẻ quá khích.

Ông Rasmussen tin rằng Mỹ hiện có tâm thế tốt hơn hầu hết các nước trong việc ngăn chặn chúng vì công dân Mỹ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số các tay súng IS nước ngoài. Giới chức Mỹ từng thừa nhận khoảng 250 người Mỹ đã gia nhập IS.

Trong khi đó, IS đang lên tiếng kêu gọi những kẻ ủng hộ chúng ở các nước phương Tây thực hiện các vụ tấn công trên đất nước mình ngay cả khi họ chưa từng rời khỏi quê nhà và không hề có mối liên hệ chính thức với tổ chức này. Một số vụ tấn công gần đây ở châu Âu dường như đã thực hiện theo kiểu đó.

Ông Rasmussen thừa nhận có nhiều mối đe dọa trong lòng nước Mỹ, đồng thời cho biết Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang tiến hành điều tra cả ngàn trường hợp quá khích tiềm tàng ngay trong nước.

Ở Anh, các cơ quan an ninh xác định 350 tay súng trở về từ Syria cũng gây ra mối đe dọa khủng bố đối với nước này. Trước đây, cơ quan tình báo MI5 cho biết khoảng 3.000 kẻ quá khích Hồi giáo đang hoạt động ở Anh.

"Những kẻ tình nghi" khá đông đảo cho thấy quy mô thách thức mà lực lượng chống khủng bố Anh phải đối mặt. Theo báo Daily Mail, các chuyên gia khẳng định phải cần đến 30 cảnh sát hoặc nhân viên tình báo chỉ để giám sát một kẻ tình nghi suốt 24 giờ mỗi ngày.

Mối đe dọa chồng chất

Trong số những kẻ trở về từ chiến trường Syria, nhiều người đã vỡ mộng với chủ nghĩa quá khích nhưng họ vẫn là những mối đe dọa. Nhiều kẻ đã được huấn luyện sử dụng súng, chất nổ để tham gia cuộc bắn giết đẫm máu của IS và còn thấm nhuần tư tưởng của tổ chức này.

Theo báo The Times, các tay súng trở về này còn tạo ra một vấn đề an ninh khác vì họ có thể cực đoan hóa giới trẻ - đối tượng dễ bị ảnh hưởng.

Mối đe dọa từ IS càng chồng chất khi tổ chức khủng bố này thúc giục đồng bọn mua vũ khí từ các cuộc triển lãm súng ở Mỹ.

Tạp chí Time cho biết những người ủng hộ kiểm soát súng lo ngại rằng có lỗ hổng trong luật pháp của Mỹ về mua bán vũ khí tại các cuộc trưng bày súng và trên internet. Theo đó, người ta có thể mua súng từ những nhà buôn không có giấy phép mà không cần xuất trình giấy tờ hoặc phải trải qua cuộc kiểm tra nhân thân.

"Ở hầu hết các bang nước Mỹ, ta có thể mua mọi loại súng tại những cuộc trưng bày hoặc qua dịch vụ trực tuyến mà không bị kiểm tra nhân thân cũng như không phải xuất trình giấy tờ cá nhân hay giấy phép sử dụng súng. Với khoảng 5.000 cuộc trưng bày súng hằng năm ở Mỹ, mua sắm vũ khí là chuyện rất dễ dàng" - báo Washington Post trích dẫn bài báo đăng trên tạp chí tuyên truyền Rumiyah của IS.

Một chú thích ảnh trên tạp chí này còn khôi hài: "Các quy ước về súng đưa ra những phương cách trang bị vũ khí dễ dàng hơn cho một vụ tấn công".

Trong khi đó, vài tuần qua, cảnh sát Malaysia đã bắt giữ 6 phiến quân được cho là liên quan đến đường dây buôn lậu vũ khí từ miền Nam Thái Lan cho IS. Theo báo The Star, cảnh sát cho biết chúng dự trữ vũ khí trong khoảng 1 năm để chuẩn bị cho cuộc tấn công ở nước này hoặc nước ngoài. Đây là lần đầu tiên các lực lượng an ninh Malaysia phát hiện vụ buôn lậu vũ khí bởi các phiến quân liên quan đến IS.

"Kịch bản ác mộng"

Giới chức quân sự Mỹ xác định Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Mỹ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp tục phát triển chương trình tên lửa hạt nhân. Ngoài ra, Mỹ còn đẩy mạnh chiến dịch loại IS hoàn toàn khỏi bản đồ thế giới sau khi đã đẩy lùi tổ chức khủng bố này trên nhiều mặt trận ở Iraq và Syria.

Theo báo Daily Star, các nhà chuyên môn đặt ra giả thuyết 2 kẻ thù nguy hiểm nhất của Mỹ lúc này - Triều Tiên và IS - có thể liên kết với nhau để chống lại Mỹ.

Chuyên gia Patricia Doyle nhận định: "IS có thể giúp Triều Tiên bằng cách thâm nhập Mỹ và mối quan hệ bằng hữu giữa IS với Triều Tiên có thể sẽ hữu ích cho cả hai. Câu cách ngôn "Kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta" diễn tả chính xác quan hệ này. Theo lý thuyết, họ có thể phối hợp nhau để tạo ra một thứ vũ khí hỗn hợp nhằm gây chiến với Mỹ. Như thế, căn cứ vào một "kịch bản đầy ác mộng", phiến quân IS có thể tấn công một thành phố trên đất Mỹ bằng "quả bom bẩn" giấu trong va li. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin Triều Tiên có thể chế tạo đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để giấu trong va li.

(Kỳ tới: Chuyển hướng Pakistan, Afghanistan).

Theo Ngô Sinh

Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm