1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

IS mắc sai lầm giống al-Qaeda

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã mắc một sai lầm chiến lược nghiêm trọng khi tấn công vào trái tim nền văn minh phương Tây là Paris, một sai lầm chắc chắn sẽ kích động sự phản ứng quân sự mạnh mẽ của phương Tây có thể khiến tổ chức này bị tiêu diệt.

IS mắc sai lầm giống al-Qaeda - 1

IS đang ngày càng trở nên tàn bạo

IS chịu sức ép gia tăng

Vụ tấn công của al-Qaeda vào Mỹ ngày 11-9-2001 đã gây nên một phản ứng dữ dội, đưa tới kết cục là cái chết của thủ lĩnh tổ chức này - Osama bin Laden và các thành viên còn lại phải tản mát lẩn trốn khắp nơi. Mặc dù al-Qaeda không hoàn toàn bị đánh bại song nó đã suy yếu.

IS hiện đang phải đối mặt với tình huống tương tự sẽ khiến nhóm này phải từ bỏ những vùng lãnh thổ hiện đang nắm giữ ở Iraq và Syria, và có thể còn mất cả thành trì ở những nước yếu như Libya và Nigeria tùy thuộc vào quyết tâm của phương Tây.

Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Ely Karmon ở Ban Chống Khủng bố thuộc Viện nghiên cứu Chính sách và Chiến lược trong Trung tâm Liên ngành Herzliya nói rằng dường như IS đã thay đổi chiến lược. Ông Karmon dẫn chứng việc IS đánh bom máy bay chở khách của Nga ở Ai Cập hồi tháng trước, khi đưa ra nhận định rằng tổ chức này đang phối hợp giữa các phần tử cực đoan địa phương và lực lượng ở căn cứ tại Iraq và Syria.

Chuyên gia về khủng bố người Israel này cho rằng vụ tấn công chống phương Tây là dấu hiệu cho thấy nhóm này đang chịu sức ép gia tăng ở căn cứ của chúng, không chỉ bởi liên quân phương Tây và trục Hồi giáo dòng Shiite, mà còn cả bởi Nga và thậm chí là Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã đóng cửa biên giới và tiến hành nhiều vụ bắt giữ.

Trong khi đó, ông Jean-Pierre Filiu, Giáo sư về Trung Đông thuộc Trường Các vấn đề Quốc tế ở Paris nhận định: “Chỉ huy thánh chiến ở Raqqa đang hy vọng cuộc tấn công của phương Tây ở Syria sẽ như cuộc xâm chiếm Iraq do Mỹ dẫn đầu năm 2003, một cuộc xâm chiếm đã nuôi dưỡng cái gọi là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” sau này.

Quan điểm trên cũng phù hợp với báo cáo công bố ngày 16-11 của Matthew Henman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khủng bố và Nổi loạn và Anna Boyd, kiêm Giám đốc Trung tâm Phân tích Trung Đông thuộc tập đoàn tin tức IHS Jane.

Báo cáo viết: “IS muốn kích động liên quân tăng cường các chiến dịch chống lại chúng nhằm tô vẽ cho câu chuyện đối đầu ngày tận thế, và thực hiện các vụ tấn công khủng bố bên ngoài Syria và Iraq để “đáp lại” các lệnh trừng phạt và cuộc tấn công của phương Tây làm suy yếu sức mạnh của tổ chức này trong việc duy trì sự kiểm soát ở vùng lãnh thổ được coi như một thánh địa Hồi giáo.”

Tuy nhiên, chiến lược dài hạn của IS đã dẫn tới một nỗ lực lớn muốn tiêu diệt nhóm này, có thể không xóa sổ hoàn toàn song sẽ làm tổ chức này tê liệt và không duy trì được sự kiểm soát và chỉ huy mạng lưới của mình trên khắp thế giới. Mặc dù IS cho rằng việc kích động phương Tây có thể giúp tăng cường hình ảnh của mình và khiến phương Tây sa lầy vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông, song đây sẽ là một nước cờ sai lầm của chúng.

IS muốn gì qua vụ tấn công Paris?

Về loạt vụ tấn công khủng bố làm 129 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương ở Paris hôm 13-11, ông Damien Kingsbury, Giáo sư về chính trị quốc tế tại trường Đại học Deakin ở Melbourne, cho rằng các vụ tấn công mặc dù thể hiện sự thay đổi căn bản về mặt chiến lược của IS nhưng mục đích của chúng không có gì mới. Các cuộc tấn công kinh hoàng tại Paris một lần nữa khiến giới truyền thông cũng như giới lãnh đạo chính trị ở các nước phương Tây hoảng sợ. Nếu Hồi giáo cực đoan có thể tấn công theo ý muốn ở trung tâm của Paris thì dường như không nơi nào còn an toàn.

Mục đích đầu tiên của chủ nghĩa khủng bố - và của các cuộc chiến - rất đơn giản. Tấn công kẻ thù để trừng phạt tội ác của họ. Khi một liên minh tấn công IS gây thiệt hại cho lực lượng này, IS đáp trả bằng cách tấn công vào các nước tham gia liên minh đó. Mục đích thứ hai của chủ nghĩa khủng bố là tấn công các mục tiêu cụ thể, thường là các cá nhân, những người được coi là đại diện hoặc là lãnh đạo của kẻ thù.

Mục đích thứ ba của chủ nghĩa khủng bố, và cũng là mục đích quan trọng nhất, là để tạo ra sự phản ứng dữ dội nhằm đổ lỗi cho bên kia. Cuộc xâm lược do Mỹ đứng đầu ở Iraq tạo ra một phản ứng cực đoan Hồi giáo ở nơi mà trước đó không hề có những phản ứng như vậy. Cuộc tấn công vào Paris lần này nhằm tạo ra một phản ứng dữ dội tương tự, để biến người châu Âu không theo đạo Hồi chống lại người Hồi giáo ở châu Âu và cả các nơi khác, hợp pháp hóa tuyên bố rằng có chiến tranh giữa phương Tây và Hồi giáo.

Cánh hữu bài ngoại của châu Âu sẽ gia tăng ảnh hưởng và nạn nhân lớn nhất sẽ là những người chạy trốn khủng bố ở Trung Đông. Một mục tiêu nữa của chủ nghĩa khủng bố là để chứng minh rằng khủng bố là một lực lượng cần được tính đến và phương Tây sẽ bị chia rẽ, suy yếu do chính những phản ứng lẫn lộn của mình.

Việc tìm kiếm một giải pháp chống khủng bố không hề đơn giản, đặc biệt là với lực lượng mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Đó là một cuộc đấu tranh rất có thể sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ. Chắc chắn sẽ cần một loạt biện pháp đối phó với nguy cơ này, có thể bao gồm cả hành động tấn công quân sự cụ thể. Trước mắt là những phản ứng chính xác, không được nhầm lẫn giữa các nạn nhân người Hồi giáo của bọn khủng bố và những đối tượng khủng bố.

Theo Hoàng Long

An ninh thủ đô

IS mắc sai lầm giống al-Qaeda - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm