1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phiến quân IS: Từ một nhánh của al-Qaeda tới tham vọng đế chế mới (kỳ 1)

(Dân trí) - Bắt đầu từ một nhánh của mạng lưới của al-Qaeda ở Iraq, IS sau đó đã phát triển thành một nhóm thánh chiến cực đoan, gây ra nhiều nỗi lo sợ trong khu vực và buộc cộng đồng quốc tế phải cân nhắc lại chiến lược tấn công, đặc biệt là sau các vụ khủng bố đẫm máu ở Paris (Pháp) hôm 13/11.

 


Abu Musab al-Zarqawi - kẻ sáng lập nhánh al-Qaeda ở Iraq (Ảnh: Inbaa)

Abu Musab al-Zarqawi - kẻ sáng lập nhánh al-Qaeda ở Iraq (Ảnh: Inbaa)

Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt đầu hình thành ở Iraq khi các lực lượng Mỹ lật đổ chính phủ của Tổng thống Saddam Hussein, giải tán quân đội Iraq và phá vỡ hệ thống quản lý nhà nước hồi năm 2003. Lúc đó, kết quả của cuộc tấn công Iraq do Mỹ phát động đã dẫn tới tình trạng vô chính phủ, an ninh lỏng lẻo và xã hội bất ổn.

Trong 9 năm quân đội Mỹ hiện diện ở Iraq, người Mỹ đã thất bại trong việc xây dựng một quân đội và lực lượng an ninh đủ sức lấp vào khoảng trống an ninh sau thời Tổng thống Saddam Hussein. Cũng trong thời gian này, người Mỹ ủng hộ quá trình thành lập chính phủ theo đường lối dân chủ của người Hồi giáo dòng Shi’ite mà đứng đầu là Thủ tướng Nouri al-Maliki. Tuy nhiên, chính phủ mới ở Iraq khi đó không nhận được sự ủng hộ của người Hồi giáo dòng Sunni. Dù chỉ chiếm 22% dân số Iraq, so với 60% người Shi’ite, nhưng người Hồi giáo dòng Sunni luôn có vị thế cao ở nước này.

Lịch sử hình thành của IS

Quá trình thành lập al-Qaeda và các nhóm Thánh chiến ở Iraq bắt đầu khi Abu Musab al-Zarqawi, một phần tử Thánh chiến cực đoan người Jordan, tới Iraq năm 2002. Trong thời điểm này, al-Zarqawi hoạt động tại khu vực của người Kurd ở miền Bắc Iraq. Sau đó, tên này đã đứng ra thành lập nhóm Thánh chiến Hồi giáo riêng mang tên Al-Tawhid wal-Jihad. Sau khi quân đội Mỹ tấn công Iraq hồi tháng 3/2003, al-Zarqawi tham gia các vụ tấn công nhằm vào những lợi ích của Mỹ và sớm trở thành một nhân vật được chú ý.

Tới tháng 10/2004, nhóm của al-Zarqawi gia nhập mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Đích thân al-Zarqawi đã thề trước trùm khủng bố Osama Bin Laden và được trao cho vị trí thủ lĩnh của nhánh khủng bố al-Qaeda ở Iraq. Đây là nhánh đầu tiên của tổ chức này bên ngoài biên giới Afghanistan và Pakistan. Ở vị trí mới, tên al-Zarqawi không chỉ còn là một thủ lĩnh của nhóm Thánh chiến Hồi giáo ở Iraq mà còn trở thành đại diện chính thức của al-Qaeda ở nước này.

Với tư cách thủ lĩnh của nhánh al-Qaeda ở Iraq, tên al-Zarqawi sử dụng các vụ đánh bom liều chết nhằm vào quân đội Mỹ và đồng minh, phá hủy cơ sở vật chất ở Iraq, gây hoang mang dư luận bằng cách tấn công các nhà thầu dân sự và người dân Iraq, cũng như xoáy sâu vào bất đồng sắc tộc khi tấn công người Hồi giáo dòng Shi’ite. Có thể nói làn sóng bạo lực mà nhóm của tên này sử dụng ở Iraq, thường là các vụ đánh bom liều chết và đánh bom xe, đã làm nhiều thường dân vô tội và đẩy Iraq vào sự hỗn loạn thời hậu chiến.

Tuy nhiên, chiến lược al-Zarqawi không nhận được sự đồng thuận của cả Osama bin Laden và cấp phó Ayman al-Zawahiri. Giới thủ lĩnh của al-Qaeda lo ngại rằng các vụ tấn công nhằm vào người Hồi giáo vô tội có thể ảnh hưởng tới sự ủng hộ cho mạng lưới khủng bố này trong khu vực. Tới tháng 7/2005, al-Qaeda đã lên tiếng chỉ trích công khai al-Zarqawi và yêu cầu tên này ngừng các cuộc tấn công vào những khu vực linh thiêng của người Shi’ite cũng như các di tích văn hóa. Tranh cãi này chính là mầm mống dẫn tới căng thẳng và đối đầu giữa nhánh al-Qaeda ở Iraq và giới thủ lĩnh ở Afghanistan.

Tháng 7/2006, tên al-Zarqawi đã bị tiêu diệt trong một vụ đột kích do quân đội Mỹ tiến hành ở thành phố Baqubah. Vị trí thủ lĩnh của tên này ngay sau đó được chuyển sang Abu Hamza al-Muhajir. Trong 4 năm tại vị, al-Muhajir vẫn duy trì liên lạc với giới thủ lĩnh của al-Qaeda để nhận sự ủng hộ cũng như hướng dẫn về các vụ tấn công. Tên này cũng có liên quan tới các hoạt động của al-Qaeda từ Syria và Iraq, cũng như là người chịu trách nhiệm gửi các xe cài thuốc nổ tới các nhánh của al-Qaeda ở ngoài biên giới Iraq.

Ngày 15/10/2006, bốn tháng sau cái chết của al-Zarqawi, một tổ chức khủng bố mới mang tên Nhà nước Hồi giáo ở Iraq (ISI) đã được thành lập để điều phối các hoạt động của những nhóm Thánh chiến theo dòng Sunni. Người đứng đầu ISI khi đó là Abu Omar al-Baghdadi, một phần tử Thánh chiến cực đoan người Iraq.

Hoạt động của ISI chủ yếu diễn ra ở phía Tây Iraq, khu vực bộ tộc của người Hồi giáo dòng Sunni. Tại đây, ISI tiến hành nhiều hoạt động khủng bố nhằm vào lực lượng Mỹ cùng với chính phủ Iraq do người Hồi giáo dòng Shi’ite kiểm soát. Trong giai đoạn 2008-2011, ISI đã không còn phát triển mạnh. Lý do chính là các chiến dịch quân sự mà Mỹ phát động hồi đầu năm 2007 đã thu được những kết quả tích cực. Theo đó, dưới sự hỗ trợ của các bộ tộc dòng Sunni, lực lượng Mỹ đã tấn công được vào những khu vực mà ISI kiểm soát.

Tuy nhiên, khi thời điểm quân Mỹ rút khỏi Iraq cận kề, các khoản tài chính hỗ trợ những bộ tộc dòng Sunni nêu trên bị cắt giảm, trong khi những chính sách của chính phủ Iraq khi đó bị cáo buộc ủng hộ người dòng Shi’ite. Các vấn đề này đã dẫn tới việc những người đứng đầu các bộ tộc dòng Sunni không còn nhận được sự ủng hộ và những người lên thay thế sẵn sàng chuẩn bị gia nhập một mạng lưới Thánh chiến, tức ISIS sau này, để lật đổ chế độ ở Iraq.

Xe của ISIS chờ sẵn các phạm nhân bên ngoài nhà tù Abu Ghraib (Ảnh Inbaa)
Xe của ISIS chờ sẵn các phạm nhân bên ngoài nhà tù Abu Ghraib (Ảnh Inbaa)

Sau khi quân Mỹ rút khỏi Iraq vào tháng 12/2011, một khoảng trống an ninh đã lộ ra và đây là thời điểm để ISI xây dựng lại lực lượng và tăng cường các hoạt động khủng bố nhằm vào người Shi’ite và chính phủ Iraq. Cũng trong năm đó, cuộc nội chiến ở Syria nổ ra và mang đến cơ hội để ISI mở rộng hoạt động sang Syria cũng như truyền bá tư tưởng và ảnh hưởng tới quốc gia Trung Đông này trong thời gian sau đó.

Theo số liệu thống kê của LHQ, tổng số thường dân thiệt mạng trong năm 2013 ở mức cao nhất kể từ năm 2008, cụ thể đã có 7.818 người thiệt mạng và 17.981 người bị thương. Bên cạnh những vụ đánh bom và tấn công ở Iraq, ISI còn được chú ý bằng vụ cướp ngục táo tợn ở nhà tù Abu Ghraib gần thủ đô Baghdad. Đây từng là nhà tù lớn nhất và được canh gác cẩn mật nhất dưới chế độ của nhà lãnh đạo Saddam Hussein trước đây.

Cắt đứt quan hệ với al-Qaeda


IS hiện đang kiểm soát các khu vực tại Iraq và Syria (các vùng màu vàng đậm)

IS hiện đang kiểm soát các khu vực tại Iraq và Syria (các vùng màu vàng đậm)

Trong khi đó, vào cuối năm 2011, ISI đã cử những phần tử Thánh chiến người Syria và Iraq tới tham chiến ở Syria nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Vào tháng 1/2012, các thành viên của ISI ở Syria đã thành lập Mặt trận al-Nusra. Đây được coi là một nhánh của ISI ngoài lãnh thổ Iraq và đứng đầu là Abu Muhammad al-Julani. Tuy nhiên, quá trình phát triển của Mặt trận al-Nusra đã kéo theo những rạn nứt trong quan hệ với ISI. Do vậy, để ngăn chặn quá trình này, thủ lĩnh của ISI là Abu Bakr al-Baghdadi đã tuyên bố thống nhất hai nhóm dưới quyền chỉ huy của hắn và đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant (ISIS). Tuy nhiên, al-Julani đã từ chối tuyên thệ trước al-Baghdadi và chuyển hướng sang thủ lĩnh của al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri.

Mâu thuẫn giữa các bên ngày càng nghiêm trọng và tới ngày 10/6/2014, al-Zawahiri thông báo đã cắt đứt mọi quan hệ với ISIS và nhóm này không còn là một nhánh của al-Qaeda ở Iraq. Tên Abu Muhammad al-Adnani, một nhân vật cấp cao của ISIS và là người phát ngôn của nhóm này, cho rằng giới thủ lĩnh của al-Qaeda đã “đi chệch con đường”, đồng thời tuyên bố al-Qaeda không còn là nhóm sáng lập phong trào Thánh chiến và hiện chỉ có ISIS là nhóm Thánh chiến duy nhất.

Sau sự kiện nêu trên, các nhóm Thánh chiến đã trở nên phân cực và lựa chọn lối đi riêng. ISIS có danh tiếng để xây dựng cơ sở tại Iraq và Syria, sử dụng vũ lực để thực thi luật Hồi giáo ở các khu vực mà nhóm này kiểm soát và sẵn sàng trừng phạt các nhóm đối thủ theo cách tàn bạo như những gì mà al-Zarqawi mong muốn. Trong khi đó, các chính sách Mặt trận al-Nusra hướng tới người dân để tranh thủ sự ủng hộ và nhóm này chủ động hợp tác với các nhóm phiến quân khác ở Syria.

Có thể nói sau khi tách ra khỏi mạng lưới khủng bố al-Qaeda, ISIS đã trở nên mạnh hơn ở Iraq và Syria, che mờ ảnh hưởng của Mặt trận al-Nusra. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, quá trình phát triển này được đóng góp bởi nhiều yếu tố, như lý tưởng thành lập một Đế chế Hồi giáo, các vụ tấn công và hành quyết tàn bạo giúp tăng cường khả năng răn đe với những nhóm đối lập, những thành tựu trong các cuộc chiến khi giành được các thành phố và thị trấn quan trọng ở Iraq và Syria, các nguồn lực tài chính, chủ yếu từ dầu mỏ. Cuối tháng 6/2014, ISIS tuyên bố tham vọng thành lập một Đế chế Hồi giáo và quyết định đổi tên của nhóm này Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ngọc Anh

Tổng hợp

 

Phiến quân IS: Từ một nhánh của al-Qaeda tới tham vọng đế chế mới (kỳ 1) - 4

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm