IS đổi chiến lược tại Đông Nam Á
Trước sự tấn công gắt gao của các nước Đông Nam Á, IS đã thay đổi chiến lược. Vừa lôi kéo các nhóm Hồi giáo cực đoan, vừa phát triển hình thức tấn công "sói đơn độc"...
... Đồng thời, tiếp tục gieo rắc tư tưởng cực đoan bằng các hình thức khác nhau tại nhiều khu vực ở Đông Nam Á, với mục tiêu cao nhất là xây dựng các vương quốc tại đây. Song các nước Đông Nam Á đang quyết liệt ra tay ngăn chặn.
Ráo riết hình thành vương quốc mới
Trong ấn phẩm Rumiyah của IS được phát hành trong tháng 5-2017, IS đã khuyến khích bất cứ hành động trộm cướp và khủng bố nào nhằm gây ra thiệt hại về kinh tế đối với những người không phải Hồi giáo và chính phủ của họ. Theo tư tưởng của trùm khủng bố Abu Bakar Ba'ashir thì đây là một phần của cái gọi là thánh chiến.
Cũng trong ấn phẩm này, IS khẳng định hình ảnh mạnh mẽ hơn về khả năng tiếp cận toàn cầu bằng việc tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ tấn công xảy ra trong phạm vi rộng lớn ở các nơi trên thế giới.
Điều này được phản ánh rõ, trong đó IS dùng toàn bộ nội dung miêu tả về các hoạt động khủng bố của các nhánh khủng bố có liên quan tới IS. Điều quan trọng ít được để ý chính là việc nội dung mà ấn phẩm Rumiah mang hàm ý các phần tử khủng bố đang trở thành một phần của "Nhà nước Hồi giáo tại Đông Á", thay vì mọi người chỉ tập trung xem nơi nào các hoạt động khủng bố diễn ra. Những thay đổi mang tính chiến lược này đã được thông báo tới cho các nhánh của IS và những người ủng hộ trong khu vực.
Trong những tuần vừa qua, những kẻ ủng hộ IS trên mạng đã bắt đầu phổ biến các thuật ngữ như Wilayah al-Filibin và Wilayah Asia Timur (hàm ý Đông Á là một tỉnh của Nhà nước Hồi giáo). Kết quả là nhiều nhóm mới đã hình thành với ý tưởng hàng ngũ của chúng sẽ bao gồm những chiến binh người nước ngoài.
Ngày 6-4-2017, nhóm khủng bố JMAF được hình thành với sự dẫn dắt của Esmail Abdlmalik, hoạt động tại Maguindano, Cotabato và Davao, Philippines, đã cam kết trung thành với trùm khủng bố IS Abu Bakar al-Baghdadi.
Phân tích về hướng đi chiến lược mới này của IS, Jasminder Singh và Muhammdad Haziq Jani - hai nhà phân tích cao cấp thuộc Trung tâm Quốc tế nghiên cứu về khủng bố và bạo lực chính trị (ICPVTR) tại RSIS, Đại học Công nghệ Nam Dương (Singapore), nhận định, một vương quốc mới đang dần được hình thành bởi các tiểu vương trong khu vực.
Cảnh báo IS "bành trướng" sang Đông Nam Á
Việc nhóm Abu Sayiaf tuyên bố gia nhập IS và một loạt các vụ khủng bố gần đây ở Đông Nam Á cho thấy khu vực này đang bước vào cuộc chiến cam go chống IS.
Trước đây, Abu Sayyaf và các tổ chức khủng bố khác ở Philippines đã từng tuyên bố riêng rẽ về việc ủng hộ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, nhưng khi đó IS đang còn rất mạnh và hướng tới mục tiêu khác nên chúng không chấp thuận các nhóm cực đoan địa phương Philippines.
Các nhà lãnh đạo của một số quốc gia Đông Nam Á có nhiều lý do để lo ngại đặc biệt trước tham vọng địa-chính trị của Nhà nước Hồi giáo.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein hy vọng sự hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á có thể được tăng cường vì có khả năng IS sẽ thiết lập một vương quốc Hồi giáo ở khu vực này.
Cũng cuối năm ngoái, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia, Tướng Gatot Nurmantyo, cảnh báo rằng IS đang xây dựng căn cứ của lực lượng này ở đảo Mindanao, cực Nam Philippines. Các quan chức an ninh tại Đông Nam Á đã chỉ ra rằng, nguy cơ lan truyền ảnh hưởng của IS ở Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… có thể giải thích rằng môi trường xã hội ở đây có những yếu tố khiến cho ý tưởng của IS được tiếp nhận.
Với gần 300 triệu tín đồ, chiếm 15% tổng số người theo đạo Hồi trên thế giới, Đông Nam Á là môi trường thuận lợi để IS dễ dàng truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo đi theo con đường khủng bố.
Mục đích của chúng là thành lập một quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á, bằng việc hợp nhất các tổ chức Hồi giáo ở Indonesia, Malaysia, miền Nam Philippines, Singapore và Brunei.
Không chỉ là "sói cô độc"
Một chuyên gia an ninh của Singapore nhận định, IS chuyển trọng tâm sang khu vực Đông Nam Á một phần để chứng minh rằng lực lượng này vẫn còn là một lực lượng mạnh, có khả năng phối hợp và phát động các cuộc tấn công khủng bố bất chấp IS đang bị các lực lượng quân sự phương Tây và những người trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tấn công dữ dội ở Trung Đông.
Đặc biệt, nhiều tay súng IS tại Đông Nam Á đã sẵn sàng cho các cuộc tấn công theo kiểu "sói cô độc" trong vòng 6 tháng tới tại nhiều quốc gia.
Các chuyên gia chống khủng bố cũng đã cảnh báo IS có khả năng thực hiện các vụ tấn công theo kiểu vụ Paris (các tay súng đồng thời tấn công một địa điểm rồi nhanh chóng di chuyển tới địa điểm tiếp theo để tối đa hóa thiệt hại và thương vong) nhằm vào khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới, trong đó các điểm tham quan đông người hoặc những cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay, nhà ga bị xem là mục tiêu tiềm năng.
Theo ông Alex Bomberg, Trưởng nhóm An ninh và Tình báo Quốc tế có trụ sở ở London (Anh), những diễn biến liên quan đến IS trên khắp châu Á gần đây cho thấy tổ chức này đã sẵn sàng tấn công Đông Nam Á. Hiện IS đang đẩy mạnh việc tuyển dụng người dân bản địa để sử dụng những người này thực hiện tấn công khủng bố tại đất nước của mình.
Bên cạnh đó, nhiều chiến binh IS gốc châu Á chiến đấu ở Syria và Iraq đang có xu hướng trở về nước trong bối cảnh IS đang bị phương Tây và lực lượng trung thành với Tổng thống Assad tấn công dữ dội ở Trung Đông.
Các chuyên gia chống khủng bố cũng cho rằng IS đang âm mưu thành lập Caliphate không chỉ ở Trung Đông mà cả ở khu vực Đông Nam Á, trên lãnh thổ Indonesia, Malaysia, Singapore, miền Nam Philippines và Thái Lan, nơi các mạng lưới khủng bố Jemaah Islamiah (JI) và Jemaah Anshar Khilafah, Abu Sayyaf và các nhóm khác đang hoạt động.
Trong bối cảnh IS ngày càng suy yếu ở Trung Đông và cần có một địa bàn mới để đứng chân, khả năng IS hướng tới thành lập một Caliphate ở Đông Nam Á là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Việc hình thành chi nhánh IS đầu tiên ở Đông Nam Á chính là sự khởi đầu cho ý tưởng này.
Kết nối sức mạnh toàn khu vực để ngăn chặn khủng bố
Jeremy Douglas, đại diện khu vực Đông Nam Á của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) và Joseph Gyte, chuyên gia phòng chống khủng bố khu vực Đông Nam Á của UNODC, cho biết, các đường biên giới "lỏng lẻo" giữa các quốc gia Đông Nam Á cũng dễ bị IS lợi dụng để đưa người và vũ khí vào.
Không chỉ có vậy, trang Asian Correspondent dẫn lời ông Douglas và Gyte cho rằng trước nguy cơ gia tăng, các nước ASEAN cần có thêm nhiều kế hoạch cụ thể phòng chống khủng bố. Hai ông nhận định: "Không có cơ chế pháp lý, ASEAN sẽ dễ bị thương tổn bởi khủng bố. Dù các nước thành viên đã cải thiện việc phối hợp chia sẻ thông tin tình báo nhưng vẫn thiếu ổn định".
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng từng cảnh báo: Hiểm họa khủng bố ở châu Á là vấn đề nghiêm trọng và khó khăn, nguy cơ IS vươn tới Đông Nam Á đang ngày một gần. Ông Lý Hiển Long nhận định đây là ý tưởng hão huyền, song vẫn cảnh báo rằng, các nhóm Hồi giáo cực đoan có thể lợi dụng một số vùng mà chính phủ không thể quản lý để thành lập căn cứ trước khi mở rộng hoạt động tuyển mộ và vạch kế hoạch tấn công ở nước sở tại. Viễn cảnh đó có thể dẫn tới hiểm họa nghiêm trọng đối với toàn bộ Đông Nam Á".
Nhận thức rõ các nguy cơ này, nhiều cuộc tập trận của lực lượng hải quân, đặc nhiệm các quốc gia Đông Nam Á và các nước đối tác đã diễn ra và thu được kết quả khả quan. Quân đội, lực lượng an ninh, người dân và giới chức lãnh đạo ở Đông Nam Á đã hiểu rõ hơn nguy cơ có thật về sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á nói riêng, ở cấp độ khu vực và toàn cầu nói chung.
Các chuyên gia Liên Hợp Quốc đưa ra cảnh báo IS trong những tháng gần đây tỏ ra rất quan tâm đến khu vực Đông Nam Á sau khi địa bàn hoạt động bị thu hẹp ở Trung Đông. Nếu các nước trong khu vực vẫn thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ thì khủng bố sẽ còn gia tăng hơn nữa trong năm 2017, nhất là khi các tay súng IS trở về nước để tiếp tục "thánh chiến".
Lực lượng an ninh ở Đông Nam Á cần nhanh chóng lấp các lỗ hổng trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác giữa các quốc gia trong cuộc chiến này. Các nước ASEAN cần tăng cường chia sẻ thông tin và kiểm soát khu vực biên giới để đối phó nguy cơ khủng bố gia tăng.
Theo Nguyễn Hòa
An ninh thế giới