1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

IS bị khủng hoảng tài chính trầm trọng

Bị đánh tơi tả ở Syria và Iraq, đặc biệt bị đánh bật khỏi những nơi thu lợi nhuận khổng lồ, IS đang gặp khó khăn trầm trọng về tài chính.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ phiến quân Syria giải phóng thị trấn Jarablus (Syria) từ tay IS tuần trước
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ phiến quân Syria giải phóng thị trấn Jarablus (Syria) từ tay IS tuần trước

Trong tuần qua, phiến quân Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã đẩy bật quân IS ra khỏi Jarablus, cửa khẩu quan trọng trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. IS sử dụng thị trấn để di chuyển các chiến binh nước ngoài, vật tư, dầu thô ra vào Syria.

Hiện nay IS chỉ kiểm soát một đoạn biên giới dài 40km giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, làm hạn chế khả năng của chúng trong việc tiếp tục các hoạt động chợ đen xuyên biên giới.

Ngoài ra, các lực lượng vũ trang Iraq đã buộc quân IS phải rút khỏi thị trấn Qayyarah giàu dầu mỏ. Bewar Khansi, cố vấn kinh tế của Chính phủ Khu vực Kurdistan ở miền bắc Iraq, nói mất Qayyarah là một đòn mạnh đánh vào thu nhập của những kẻ cực đoan.

Theo ông Khansi, IS từng đã khai thác 10.000 thùng dầu mỗi ngày từ các giếng ở Qayyarah, mất đi thị trấn cũng làm các phần tử cực đoan mất đi hàng triệu USD.

Những thất bại trên chiến trường đang gây ra hậu quả kinh tế trên toàn vùng lãnh thổ của Nhà nước Hồi giáo.

Tại Raqqa, nơi được IS tự phong là thủ đô của chúng ở Syria, IS đang thiếu lao động trầm trọng. Một nhóm theo dõi về IS có tên là "Raqqa đang bị giết chết âm thầm" nói nhiều nhân viên chuyên môn bị buộc phải làm việc với IS đang tìm đường thoát khỏi lãnh thổ của IS. Nhóm theo dõi cho biết là điều đó dẫn đến "một cuộc khủng hoảng hành chính" đối với Nhà nước Hồi giáo.

Báo chí địa phương đưa tin rằng IS xoay sở với nguồn thu bị suy giảm một cách tuyệt vọng, gần đây chúng đã giảm 50% tiền lương công chức ở các khu vực chúng kiểm soát ở Syria. Còn lương của chiến binh cực đoan đã giảm 20%.

Tình hình còn xấu hơn vì thiệt hại từ các cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu đánh vào các bãi khai thác dầu mà IS vẫn kiểm soát, như ở tỉnh Deir Ezzor miền đông Syria. Ước tính các cuộc không kích của liên minh đã làm giảm tổng sản lượng gần 90%.

Khorshid Alika, một nhà nghiên cứu người Syria, nói: "Việc IS mất lãnh thổ dẫn đến suy yếu quyền lực chính trị. Hệ quả là suy giảm kinh tế nghiêm trọng". Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chừng nào IS vẫn kiểm soát các khu vực lớn như Mosul ở Iraq và Deir Ezzor ở Syria, rất khó dự đoán khi nào nền kinh tế IS sẽ sụp đổ.

Theo G.K/AP, AFP

PetroTimes