1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Iraq: Trước thách thức nguy hiểm

Cuộc chiến chống khủng bố của Chính phủ Iraq đang đứng trước thách thức lớn khi thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, rơi vào tay các phần tử thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng kể từ ngày 17-5.

Sự kiện Ramadi - cửa ngõ thủ đô Baghdad - rơi vào tay IS không chỉ gây chết chóc tang thương với 500 người bị sát hại, gần 8.000 người phải di tản, mà còn gieo hoang mang cho cả khu vực.
 
Người dân Ramadi lũ lượt rời bỏ nhà cửa sau khi IS chiếm thành phố
Người dân Ramadi lũ lượt rời bỏ nhà cửa sau khi IS chiếm thành phố
 
Là tỉnh lớn nhất của Iraq, cách thủ đô Baghdad khoảng 112km về phía tây, tỉnh Anbar giữ vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc chiến chống IS của Chính phủ Iraq.
 
Trải dài trên một khu vực rộng lớn từ phía tây thủ đô Baghdad đến biên giới của Syria, Anbar có nhiều con đường trọng yếu nối Iraq với Syria và Jordan. Anbar còn được biết đến là một trong những tỉnh có trữ lượng dầu lớn nhất của Iraq.
 
Vì thế, sự kiện Ramadi thất thủ trước IS đang làm dấy lên nghi ngại rằng, liệu chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, vốn chỉ hỗ trợ không kích cho các lực lượng Iraq, có đủ giúp đẩy lui tổ chức khủng bố IS?
 
Bên cạnh đó, giới chức Mỹ còn rất lo ngại là chiến sự leo thang tại Iraq có thể biến thành cuộc chiến giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni, cơ hội thuận lợi cho các nhóm khủng bố phát triển.
 
Theo một quan chức Mỹ, IS tiến càng gần Baghdad, tính chất giáo phái của giới chức Shiite càng thể hiện rõ. Điều này có thể dẫn tới sự phản kháng của người Sunni, không phải để chống IS mà nhằm vào chính phủ và các nhóm vũ trang Shiite. Giới tình báo Mỹ cũng lo ngại IS sẽ "thừa nước đục" để tuyên truyền và tuyển mộ thêm chiến binh.
 
Thời gian qua, với sự hỗ trợ từ các cuộc không kích của quân đội Mỹ, lực lượng Chính phủ Iraq đã giành lại quyền kiểm soát Tikrit, thành phố trọng điểm ở miền Bắc từ tay IS. Thế nhưng, cuộc tháo lui vô tổ chức của quân đội Iraq khỏi thành phố Ramadi trước các cuộc tấn công ồ ạt của IS được xem là thất bại lớn nhất của Baghdad, kể từ khi Mỹ và đồng minh mở chiến dịch quân sự tấn công IS kể từ tháng 8-2014.
 
Trong một phát biểu mới nhất, Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren cho biết, việc thủ phủ tỉnh Anbar rơi vào tay IS đã được giới chức quốc phòng Mỹ dự báo vì Ramadi đã bị vây hãm suốt gần một năm qua.
 
Dù Ramadi đã thất thủ song Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn lên tiếng trấn an dư luận với cam kết sẽ giúp Iraq sớm giành lại thành phố này từ tay IS.
 
Và như để cụ thể hóa cam kết, Tổng thống B.Obama đã có cuộc họp với 25 quan chức, cố vấn hàng đầu gồm Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Tướng Lloyd Austin của Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ về tình hình Iraq... Trong cuộc họp, Nhà Trắng đã cân nhắc việc tăng cường huấn luyện và trang bị cho các tay súng bộ tộc địa phương cũng như thảo luận chiến lược tấn công giành lại Ramadi.
 
Theo Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, chiến dịch không kích do Mỹ chỉ huy nhằm vào các mục tiêu của IS trong thành phố Ramadi đã được triển khai nhằm hỗ trợ các lực lượng đa giáo phái Iraq trong chiến dịch giành lại Ramadi. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, từ ngày 18-5 đến nay, Mỹ và liên quân đã có hàng loạt cuộc không kích gần Ramadi cũng như nhiều các khu vực khác để tiêu diệt các phần tử IS.
 
Cho dù giới chức Mỹ vẫn lạc quan rằng lực lượng trên bộ của Iraq cùng với sức mạnh trên không của Mỹ sẽ giúp Iraq sớm giành lại Ramadi, nhưng không ít quan chức Mỹ nhìn nhận nếu chỉ không kích sẽ không thể đạt được mục tiêu vì cuộc chiến xung quanh thành phố Ramadi có những đặc thù không thể giải quyết chỉ bằng sức mạnh bom đạn.
 
Một số quan chức Mỹ còn hoài nghi tinh thần chiến đấu của các lực lượng an ninh Iraq nhất là khi Thủ tướng Haider al-Abadi đã lệnh cho các lực lượng an ninh tại Ramadi không được rời bỏ vị trí nhằm ngăn IS mở rộng phạm vi chiếm giữ, nhưng các đơn vị của chính phủ vẫn lần lượt tháo chạy, bỏ lại nhiều vũ khí, khí tài cho IS.
 
Trong bối cảnh chiến sự ở Ramadi vẫn diễn biến khó lường, việc giành lại thành phố này càng thêm khó khăn khi các tay súng IS chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ từ bỏ mục tiêu mở rộng cuộc chiến và tiến vào thủ đô Baghdad.
Theo Đình Hiệp
Hà Nội mới