1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Iraq triệu tập đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ vì đưa quân xâm nhập trái phép

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Iraq ngày 5/12 đã triệu tập Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ để yêu cầu Ankara phải rút về nước ngay lập tức hàng trăm binh sĩ được triển khai trong những ngày gần đây tới miền bắc Iraq, gần thành phố Mosul hiện bị nhóm phiến quân IS kiểm soát.


Các chiến binh người Kurd tại Iraq đang chiến đấu với phiến quân IS gần thành phố Mosul (Ảnh: AFP)

Các chiến binh người Kurd tại Iraq đang chiến đấu với phiến quân IS gần thành phố Mosul (Ảnh: AFP)

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Iraq cho biết các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập trái phép lãnh thổ Iraq mà chính phủ trung ương tại Baghdad không được biết, và rằng Iraq coi sự hiện diện như vậy là “một hành động khủng bố”.

Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận đợt này đã triển khai 150 binh sĩ tới thị trấn Bashiqa gần thành phố Mosul để huấn luyện cho lực lượng người Kurd của Iraq hiện đang chiến đấu với nhóm phiến quân IS.

Mosul đã rơi vào tay phiến quân IS kể từ năm ngoái.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu giải thích rằng việc triển khai trên là hoạt động luân chuyển binh sĩ bình thường. Ông nói các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập một trại gần Mosul một năm trước để phối hợp với Iraq.

“Trại này được thiết lập như một trại huấn luyện cho lực lượng của các tình nguyện viên địa phương chiến đấu với khủng bố”, ông Davutoglu thanh minh.


Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai khoảng 150 binh sĩ tới thị trấn Bashiqa gần thành phố Mosul (Đồ họa: BBC)

Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai khoảng 150 binh sĩ tới thị trấn Bashiqa gần thành phố Mosul (Đồ họa: BBC)

Trước đó, văn phòng của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã gọi động thái của Ankara là “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Iraq”.

Trong tuyên bố phát đi hôm qua, Iraq đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ “tôn trọng mối quan hệ láng giềng hữu hảo và rút quân ngay tức thì khỏi lãnh thổ Iraq”.

Các nhà phân tích cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ duy trì quan hệ thân thiết với các vùng tự trị người Kurd tại Iraq, mặc dù Ankara xem các nhóm người Kurd tại Syria là thù địch.

Sự sụp đổ của Mosul là một dấu mốc quan trọng trong sự lớn mạnh của IS và một chiến dịch của chính phủ Iraq nhằm giành lại thành phố này đã bị trì hoãn nhiều lần.

Tuần này, nỗ lực chống phiến quân IS đã có thêm động lực khi Anh tiến hành các cuộc không kích đầu tiên tại Syria, trong khi Đức phê chuẩn việc hỗ trợ quân sự cho liên minh chống IS tại nước này.

Theo các quan chức quốc phòng tại Washington, Mỹ biết về việc triển khai quân của Thổ Nhĩ Kỳ tới miền bắc Iraq, nhưng động thái này không nằm trong các hoạt động của liên quân do Mỹ đứng đầu.

An Bình

Theo BBC