1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Iraq kết án tử hình Phó Tổng thống theo dòng Sunni

(Dân trí) - Iraq đang đứng trước nguy cơ tái bùng phát xung đột tôn giáo nghiêm trọng, khi bạo lực đã giết chết 58 người trong ngày hôm qua để phản đối việc tòa án hình sự nước này kết án tử hình vắng mặt đối với Phó Tổng thống Tareq al-Hashemi.

Phó Tổng thống Tareq al-Hashemi là người Hồi giáo dòng Sunni.

Phó Tổng thống Tareq al-Hashemi là người Hồi giáo dòng Sunni.

 

Quyết định thổi bùng căng thẳng

Tháng 12/2011, Phó Tổng thống Hashemi bất ngờ bị chính phủ Iraq – hiện do người Hồi giáo dòng Shi’ite kiểm soát - cáo buộc các tội danh khủng bố, điều hành và cấp kinh phí hoạt động cho các “biệt đội tử thần” có nhiệm vụ thủ tiêu các quan chức chính phủ, các đối thủ chính trị, nhân viên an ninh và người Hồi giáo dòng Shi’ite.

Cùng với việc đưa ra cáo buộc, chính phủ Iraq đã ban hành lệnh bắt giữ ông để phục vụ tiến trình điều tra các hoạt động liên quan tới khủng bố.

Tuy nhiên, ông Hashemi đã nhanh chân trốn tới khu tự trị của người Kurd, sau đó bí mật tới một số nước khác trước khi sang Thổ Nhĩ Kỳ và bây giờ đang ở Qatar.

Việc một Phó Tổng thống theo dòng Sunni đột nhiên dính vòng lao lý đã đẩy chính trường Iraq trở lại vòng xoáy xung đột tôn giáo nghiêm trọng giữa người Sunni chiếm đa số và Shi’ite chiếm thiểu số nhưng lại nắm trong tay quyền lãnh đạo đất nước.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi một tòa án hình sự Iraq ngày hôm qua đã kết án tử hình vắng mặt đối với ông Hashemi và Ahmed Qahtan, thư ký và là con rể của ông.

Trên thực tế, phiên tòa này đã được khởi động từ tháng 5 với việc xem xét cáo trạng đầu tiên trong số 150 cáo buộc nhằm vào ông Hashemi và các vệ sĩ. Chính phủ Iraq cho rằng ông Hashemi có dính dáng tới 150 vụ ám sát, đánh bom và tấn công.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, ông Hashemi đã phủ nhận toàn bộ các cáo buộc này, cho rằng đây là “một trò chơi chính trị bẩn thỉu” nhằm vào ông.

Ông Hashemi là một trong số ít các chính trị gia cao cấp dòng Sunni có chân trong chính phủ Iraq hiện do phái Shi’ite chiếm đa số. Để bảo vệ ông, các đảng phái dòng Sunni đe dọa sẽ rút khỏi chính phủ nếu ông Hashemi bị bắt.

Trước đó các đảng này đã rút khỏi quốc hội và cáo buộc Thủ tướng Iraq Nouri Maliki lộng quyền. Ông Hashemi cũng là người thường xuyên chỉ trích Thủ tướng Maliki.

Với sự đe dọa của khối Hồi giáo Sunni, Iraq đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi chính phủ đoàn kết dân tộc ra đời cách đây một năm.

Bạo loạn lan rộng cả nước

Ngay sau khi ông Hashemi phải nhận bản án tử hình, bạo loạn đã bùng phát trên khắp cả nước trong ngày 9/9 làm ít nhất 58 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.

Phó Tổng thống Tareq al-Hashemi là người Hồi giáo dòng Sunni.

 Nhân viên an ninh kiểm tra hiện trường sau vụ đánh bom xe tại Basra, cách thủ đô Baghdad 420 km về phía đông nam.


Giới chức cầm quyền cho biết vụ tấn công gây nhiều thương vong nhất xảy ra gần thành phố Amara ở miền Nam khi hai chiếc xe gài bom phát nổ đồng thời ngay bên ngoài một thánh đường của người Shi’ite và khu chợ làm ít nhất 16 người thiệt mạng. Thành phố Amara cách thủ đô Baghdad 300 km về phía nam.

Trước đó, một vụ đánh bom cũng xảy ra ở Balad, phía bắc Baghdad, giết chết 11 binh sĩ và gây thương tích cho nhiều người khác.

Xa hơn về hướng bắc, trung tâm tuyển mộ cảnh sát ở gần thành phố dầu lửa Kirkuk cũng bị đánh bom, cướp đi sinh mạng của ít nhất 7 người và làm bị thương 17 người khác.

Tại thành phố nổi tiếng yên bình Nasiriyah ở miền nam, một xe bom phát nổ bên ngoài Lãnh sự quán Pháp làm một cảnh sát bảo vệ thiệt mạng và 4 người bị thương.

Ngoài ra, các cuộc tấn công đẫm máu cũng xảy ra ở Dujail, Baquba, Samarra, Basra và Tuz Khurmato.

Việt Giang
Tổng hợp