1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Iraq “dọn dẹp” uranium còn lại từ thời Saddam Hussein

(Dân trí) - Chính phủ Iraq đã “dọn dẹp” 550 tấn uranium tự nhiên có từ thời Saddam Hussein và bán số “bánh vàng” này cho một công ty của Canada, người phát ngôn Ali al-Dabbagh cho hay.

Số uranium trên, được gọi là bánh vàng, đã được cất giữ trong một khu liên hợp ở Tuwaitha, phía nam Baghdad. Đây từng được cho là cơ quan đầu não trong chương trình vũ khí hạt nhân của Saddam.

 

Người hát ngôn của Bộ ngoại giao Mỹ cũng khẳng định quân đội nước này đã giúp chuyển số uranium trên ra khỏi Iraq một cách an toàn.

 

“Chính phủ Iraq đã quyết định thoát khỏi số uranium trên (550 tấn), bởi nó có thể gây hại tới Iraq, khu vực, và gây ô nhiễm”, Dabbagh cho biết trên đài truyền hình quốc gia Iraqiya vào cuối ngày chủ nhật vừa qua.

 

Khu liên hợp Tuwaitha đã bị tháo dỡ sau cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991, tuy nhiên hàng tấn nguyên liệu hạt nhân vẫn còn nằm đó, với dấu niêm phong của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Khi Mỹ đem quân vào Iraq năm 2003, khu này bị bỏ, không có người canh gác, nên bị bị cướp phá rất nhiều.

 

Theo Dabbagh, số uranium còn lại chưa được làm giàu. Và cuộc “dọn dẹp” được thực hiện với sự hỗ trợ của IAEA.

 

Dabbagh không tiết lộ công ty mua lượng uranium trên. Nhưng theo tiết lộ của một số báo chí, thì đó là công ty Cameco.

 

“Bánh vang” là hỗn hợp tạp chất gồm các loại oxit uranium được lấy từ quá trình xử lý quặng uranium. Loại uranium này cần được làm giàu trước khi có thể được sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân hoặc để chế tạo bom.

 

“Xét về mối đe dọa phổ biến hạt nhân, uranium tự nhiên không được dùng để trực tiếp sản xuất vũ khí hạt nhân”, người phát ngôn của sứ quán Mỹ tại Baghdad Leslie Phillips cho biết.

 

Chính quyền tổng thống Bush đã cho rằng Saddam phát triển vũ khí hạt nhân và đây là nguyên nhân chính khiến họ đưa quân tới Iraq lật đổ chế độ Saddam. Nhưng hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy Saddam tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân sau năm 1991.

 

Phan Anh

Theo AP