1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Iraq có thể trở thành cuộc chiến tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ

Cuộc chiến tranh Iraq có thể sẽ trở thành cuộc chiến tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ 60 năm qua. Đó là kết luận trong báo cáo "Sa lầy ở Iraq" do Viện nghiên cứu tiêu điểm chính sách và chính sách đối ngoại, gồm nhiều tổ chức phi chính phủ và chống chiến tranh, công bố ngày 31/8.

Tính đến nay, Quốc hội Mỹ đã thông qua bốn luật chi tiêu cho cuộc chiến Iraq với tổng kinh phí lên tới 204,4 tỷ USD và dự kiến sẽ bổ sung thêm 45,3 tỷ USD.

 

Theo báo cáo trên, trung bình mỗi tháng, nước Mỹ đổ vào cuộc chiến Iraq 5,6 tỷ USD. Ước tính ngân sách dành cho cuộc chiến Iraq chiếm 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ và trung bình mỗi người dân Mỹ phải gánh 727 USD. Một số nhà phân tích dự đoán, với đà chi tiêu như hiện nay, tổng chi phí cho cuộc chiến Iraq thậm chí sẽ vượt qua mức 600 tỷ USD mà chính phủ Mỹ đã chi cho cuộc chiến ở Việt Nam.

 

Trước tình hình trên, nhiều nhà kinh tế cảnh báo, cuộc chiến Iraq có thể làm bội chi ngân sách và có thể khiến mức thâm hụt ngân sách của nước này tăng gấp đôi trong vòng 10 năm tới. Ngoài ra, cuộc chiến này còn buộc chính phủ Mỹ phải giảm ngân sách của các chương trình an sinh xã hội và tăng chi phí cho các hoạt động liên quan đến cuộc chiến như điều trị y tế cho lính Mỹ vừa trở về từ Iraq.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thiệt hại lớn về kinh tế, một sự thực không ai có thể phủ nhận là việc Mỹ tiến hành cuộc chiến Iraq đã gây ra thiệt hại lớn về người đối với cả Iraq và Mỹ. Ước tính, khoảng 27.000 dân thường Iraq, hơn 2.000 binh lính và nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh này. Đây chính là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người Mỹ đòi chính phủ rút quân về nước.

 

Trong khi đó, đài truyền hình Al Irakiya của Iraq ngày 30/8 cho biết nhà báo Iraq Rafed Mahmoud al-Rubai  đã bị bắn chết hôm 27/8 khi đang ghi hình cuộc biểu tình của những người ủng hộ tổng thống bị lật đổ Saddam Hussein. Hãng tin Reuters cũng đưa tin một kỹ thuật viên âm thanh truyền hình của họ bị bắn chết ngày 28/8 và theo nguồn của cảnh sát Iraq, thủ phạm vụ sát hại này là lực lượng Mỹ.

 

Ngày 30/8, Liên đoàn các nhà báo quốc tế đã gửi thư lên Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đề nghị tiến hành một cuộc điều tra về tất cả các trường hợp nhà báo bị sát hại ở Iraq. Theo Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của LHQ (UNESCO), hơn 80 nhà báo đã thiệt mạng tại Iraq kể từ khi cuộc chiến Iraq bùng nổ năm 2003.

 

Theo TTXVN