1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Iraq chặn loạt thương vụ công ty Trung Quốc thâu tóm mỏ dầu lớn

Đức Hoàng

(Dân trí) - Iraq đã chặn nhiều thương vụ nhằm ngăn các công ty Trung Quốc giành được nhiều quyền kiểm soát hơn với các mỏ dầu của Badgdad.

Iraq chặn loạt thương vụ công ty Trung Quốc thâu tóm mỏ dầu lớn - 1

Mỏ dầu Majnoon ở gần Basra, Iraq (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, Bộ Dầu mỏ Iraq trong thời gian qua đã chặn khoảng 3 thương vụ tiềm năng mà nếu chúng trở thành hiện thực thì có thể sẽ trao cho công ty Trung Quốc nhiều quyền kiểm soát hơn với các mỏ dầu của Baghdad.

Từ năm ngoái, kế hoạch của các công ty Lukoil (Nga) và Exxon Mobil (Mỹ) nhằm bán cổ phần trong các mỏ dầu chính của Iraq cho các công ty được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ đã bị chính quyền Baghdad chặn lại.

Ngoài ra, công ty BP (Anh) cũng từng cân nhắc phương án bán cổ phần của họ cho một công ty nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, Iraq dường như đã thuyết phục BP từ bỏ lựa chọn này và ở lại Iraq.

Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu của Iraq và Baghdad là một trong những bên hưởng lợi lớn nhất vào năm ngoái từ sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" của Bắc Kinh, khi nhận được 10,5 tỷ USD tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm nhà máy điện và sân bay.

Mặc dù vậy, với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các mỏ dầu lớn, Iraq dường như đã vạch ra giới hạn khá rõ ràng.

Tính toán của Iraq

Chính phủ Iraq và các quan chức ở các công ty dầu khí quốc doanh lo ngại rằng, việc Trung Quốc tăng quyền kiểm soát các mỏ dầu lớn có thể dẫn tới viễn cảnh các công ty dầu khí phương Tây đồng loạt rời bỏ thị trường Iraq. Hai nguồn tin chính phủ nói với Reuters rằng, Iraq dường như nghĩ tới viễn cảnh rằng nếu Trung Quốc đạt được sự kiểm soát lớn với ngành dầu mỏ của Baghdad, các nhà đầu tư sẽ không còn xem quốc gia Trung Đông này là điểm đến hấp dẫn nữa.

Một quan chức Iraq nói với Reuters rằng: "Chúng tôi không muốn lĩnh vực năng lượng của Iraq bị dán nhãn là lĩnh vực do Trung Quốc dẫn đầu và quan điểm này đã được chính phủ và Bộ Dầu mỏ đồng ý".

Năm ngoái, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar đã thuyết phục Lukoil không bán cổ phần ở một trong những mỏ dầu lớn nhất Iraq, West Qurna 2, cho công ty nhà nước Trung Quốc Sinopec.

Các nguồn tin nói với Reuters rằng, Iraq cũng đã can thiệp để ngăn các công ty được nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc mua cổ phần của Exxon ở West Qurna 1 và thuyết phục BP (BP.L) ở lại Iraq thay vì chuyển nhượng quyền lợi của mình đối với mỏ dầu khổng lồ Rumaila cho một công ty Trung Quốc.

Tổng cộng, dầu từ các mỏ Rumaila và ở West Qurna chiếm tới một nửa số dầu thô Iraq sản xuất được. Iraq là quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn thứ 5 thế giới.

Trong thời gian qua, việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với Iran đã giúp vị thế của Bắc Kinh nâng cao ở Iraq vì tầm ảnh hưởng về chính trị và quân sự của Tehran với nước láng giềng tại Trung Đông. Tuy nhiên, Iraq đang thể hiện cách tiếp cận thận trọng với việc kiểm soát nguồn tài nguyên chủ chốt của họ.

Trong 4 năm qua, các công ty Trung Quốc giành được hầu hết các hợp đồng liên quan tới lĩnh vực năng lượng ở Iraq. Các quan chức dầu mỏ Iraq cho biết các công ty Trung Quốc đã chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp hơn hầu hết các đối thủ.

Tuy nhiên, việc ngăn các thương vụ Trung Quốc vào ngành dầu mỏ trong thời gian qua được xem là chiến lược rủi ro của Iraq vì không có gì bảo đảm các bên khác sẽ đầu tư vào Iraq, trong khi quốc gia Trung Đông đang cần nhiều ngân sách để tái thiết lại đất nước sau nhiều năm cơ sở hạ tầng bị tàn phá vì cuộc chiến chống khủng bố IS.

Trong 10 năm qua, doanh thu từ dầu mỏ chiếm 99% kim ngạch xuất khẩu của Iraq, 85% ngân sách của đất nước và 42% tổng sản phẩm quốc nội, theo Ngân hàng Thế giới.

Trung Quốc là một trong những khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Iraq và các công ty nhà nước Trung Quốc đã xây dựng vị thế quan trọng trong ngành dầu mỏ của nước này.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm