1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Iran và Nhóm P5+1 nhất trí nối lại đàm phán tại Mátxcơva

(Dân trí) - Iran và nhóm P5+1 nhất trí sẽ nhóm họp tại thủ đô Mátxcơva của Nga trong hai ngày 18 và 19/6 tới để tiếp tục tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm qua liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Teheran.

Iran và Nhóm P5+1 nhất trí nối lại đàm phán tại Mátxcơva

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherin Ashton, phát biểu sau cuộc đàm phán vòng II.

Quyết định trên được đưa ra sau khi các quan chức Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) kết thúc vòng hai cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày ở thủ đô Baghdad của Iraq mà không đạt được bất kỳ đột phá nào.

Phát biểu kết thúc cuộc họp, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherin Ashton, cho biết hai bên đều muốn đạt được tiến triển và đã có một số điểm tương đồng. Tuy nhiên, hiện giữa hai bên vẫn còn một số điểm khúc mắc cần có thêm thời gian đàm phán và giải quyết, mà một trong số đó là việc Tehran phải hóa giải những quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này.

“Chúng tôi hi vọng Iran sẽ thực hiện các bước cụ thể và thiết thực nhằm khẩn trương làm sáng tỏ những  lo ngại của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận thẳng thắn và chi tiết với những người đồng cấp Iran trong các cuộc thảo luận hai ngày qua. Chúng tôi sẽ vẫn tích cực duy trì liên lạc với nhau để chuẩn bị cho cuộc đàm phán tiếp theo tại Mátxcơva", bà Ashton khẳng định.

Trong bài phát biểu của mình, bà Ashton cũng bày tỏ quan tâm tới tuyên bố trước đó của Iran nói rằng nước này sẽ không làm giàu urani vượt quá mức 20% và rằng hoạt động làm giàu urani của Iran chỉ nhằm mục đích nghiên cứu y học và và phục vụ nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước.

Vòng đàm phán hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 tại Iraq diễn ra trong hai ngày 23-24/5. Tại cuộc đàm phán, hai bên đã trao đổi gói đề xuất cho nhau. Trong đó, gói đề xuất của Iran gồm 5 điểm, dựa trên các nguyên tắc từng bước và có đi có lại. Iran mong muốn các bên sẽ tiếp tục tiến hành các vòng đám phán tiếp theo trong thời gian phù hợp.

Thiên Cầm
Theo Reuters, Xinhua, AFP

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm