1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Iran và cuộc chơi tay bo với Mỹ (2)

(Dân trí) - Iran với tư cách là nước lớn Hồi giáo dòng Shiite tiến hành thành công cuộc cách mạng Hồi giáo, từ lâu nay vẫn duy trì mối quan hệ tương đối mật thiết với một số tổ chức, phong trào Hồi giáo ở khu vực Trung Đông như "Hội huynh đệ Hồi giáo", Hezbollah, Hamas và Jihad. Ngoài ra, đối với lực lượng chính trị dòng Shiite ở khu vực Trung Đông, Iran cũng có ảnh hưởng nhất định.

Sau khi Chính quyền Saddam bị lật đổ, dòng Shiite đã chiếm địa vị chủ đạo trong đời sống chính trị ở Iraq. Nhiều nhân vật tôn giáo, một số chính đảng chủ yếu dòng Shiite và Hội đồng tối cao cách mạng Hồi giáo Iraq ở Iraq đều có mối liên hệ chặt chẽ với Chính quyền Iran hiện nay. Lãnh tụ tối cao dòng Shiite ở Iraq hiện nay cũng chính là người Iran. Người Kurd ở Iraq phần lớn là đến từ Iran, liên minh chính đảng người Kurd luôn là đồng minh của Iran.

 

Xyri là đồng minh quan trọng của Iran ở Trung Đông. Vài năm gần đây, giống như Iran, Xyri cũng phải đối mặt trước sức ép của phương Tây, trong đó có Mỹ. Áp lực này cũng đã khiến cho hai nước "cùng chung cảnh ngộ" này hồi tháng 2/2005 đã ký "Hiệp ước cùng bảo vệ", để thể hiện quyết tâm đối phó với "thách thức và đe dọa" ở khu vực.

 

Lâu nay, Iran vẫn ủng hộ cuộc đấu tranh chống Israel của Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas. Kể từ khi Hamas giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lập pháp và thành lập Chính quyền tự trị mới ở Palestine đến nay, phương Tây liên tục gây sức ép đối với Chính quyền mới ở Palestine bằng biện pháp ngừng viện trợ kinh tế, Iran công khai tuyên bố sẽ viện trợ kinh tế đối với Hamas. Đáp lại thiện chí của Iran, nhà lãnh đạo của Hamas đã tuyên bố nếu Iran bị Israel tấn công, Hamas sẽ tiến hành các hành động "trả đũa" đối với Israel.

 

Iran cũng là một trong những nước trợ giúp quan trọng về tài chính cho lực lượng du kích Hezbolla của Libăng. Từ khi Xyri rút quân khỏi Libăng hồi năm 2005, Iran đã từng bước đưa quân vào Libăng để lấp chỗ trống này, do vậy  ảnh hưởng của Iran đối với Hezbolla ở nước này cũng từng bước tăng lên. Trong số các quốc gia ở vùng Vịnh, số người dòng Shiite cũng chiếm tỷ trọng tương đối lớn, trong đó ở Arập Xêút khoảng 15%, Côoét (30%), Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (16%) và Baranh (60%). Dòng Shiite ở một số quốc gia này và Iran có tình cảm rất gần nhau về tôn giáo, do vậy đây cũng là một lực lượng quan trọng mà Iran có thể tranh thủ.

 

Ngoài ra, Iran cũng có ảnh hưởng nhất định đối với tình hình ở Afghanistan. Iran từ trước đến nay luôn là nước ủng hộ tích cực đối với Afghanistan, mối liên hệ giữa nước này với các nhóm vũ trang ở Afghanistan cũng rất mật thiết. Thậm chí gần đây Iran còn đưa ra khoản viện trợ lên tới 400 triệu USD để giúp Afghanistan khôi phục kinh tế.

 

Mặc dù năng lực về kinh tế và quân sự của các nước được coi là đồng minh của Iran nói trên có hạn, nhưng năng lực phá hoại của các nước này lại không thể coi nhẹ. Các nước này không chỉ có thể trực tiếp phát động các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và Israel, mà còn có thể gây ra phiền phức và mất ổn định tại các quốc gia vùng Vịnh, từ đó làm cho tình hình khu vực này xuất hiện biến động, thậm chí vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

           

Lực lượng quân sự tiềm tàng

 

Dân số Iran khoảng 63,9 triệu người, gấp hơn 3 lần so với Iraq; diện tích lãnh thổ khoảng 1,64 triệu km2, gấp gần 4 lần Iraq. GDP hiện nay của Iran đạt 166 tỷ USD, là cường quốc kinh tế lớn thứ 8 ở châu Á. Về quân sự, Iran có đội quân thường trực khoảng 900.000 quân và các loại vũ khí mang tính sát thương lớn như vũ khí sinh học và hóa học. Sau nhiều năm "kinh doanh", Iran hiện đã có kho tên lửa lớn nhất ở khu vực Trung Đông, hàng loạt loại tên lửa hiện đại được trang bị cho quân đội có tầm bắn từ 200km - 1.300 km.

 

Cựu Tổng thống Iran Khatami từng tiết lộ Iran không những đã có tên lửa với tầm bắn tới 2.000 km, mà còn có khả năng chế tạo tên lửa tầm bắn xa hơn. Tầm bắn tên lửa của Iran có thể bao trùm bất cứ mục tiêu nào của quân đội Mỹ ở Israel và khu vực Trung Đông. Một số tên lửa này cũng chính là con bài của Iran trong việc chống lại Mỹ và đe dọa Israel.

 

“Lưỡng bại câu thương”

 

Con bài trong tay Iran mặc dù có uy lực rất lớn, nhưng cũng không thể đưa ra sử dụng một cách tuỳ tiện. Xét về thực lực tổng hợp, môi trường quốc tế và khu vực của Iran hiện nay, con bài này giống như con dao hai lưỡi, vừa có thể hại người khác, vừa có thể hại chính mình.

 

Cho dù chủ động sử dụng vũ khí dầu mỏ hay bị động chống lại lệnh trừng phạt, Iran cũng đều phải trả giá rất đắt. Hiện nay, thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ của Iran chiếm tới 90% tổng thu nhập từ xuất khẩu của nước này, chiếm 50% thu nhập tài chính của chính phủ. Chính sự phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu dầu mỏ đã làm cho nền kinh tế Iran rất bấp bênh, không gian ứng phó với sự thay đổi của bên ngoài rất hạn chế.

 

Trong vài năm gần đây, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát ở Iran liên tục tăng lên, nhu cầu thu hút đầu tư từ bên ngoài của nước này ngày càng lớn. Nếu xuất hiện cấm vận về kinh tế, tình hình kinh tế Iran sẽ xấu đi nhanh chóng, tình cảm bất mãn trong dân chúng chắc chắn cũng sẽ tăng lên. Do vậy, nếu một khi Iran chơi con bài dầu mỏ, mặc dù thị trường dầu mỏ trên thế giới trong thời gian ngắn sẽ bị chao đảo nghiêm trọng, nhưng về lâu dài, bên chịu thiệt hại nghiêm trọng lại chính là Iran.

 

Do đó, tại một hội nghị về dầu mỏ ngày 8/3/2006, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran nói rằng mặc dù giữa Iran và các nước phương Tây có phát sinh tranh cãi trong vấn đề hạt nhân, nhưng Iran không có ý giảm lượng dầu mỏ xuất khẩu của mình.

 

Đối mặt với vấn đề eo biển Hormuz, phương Tây cũng bắt đầu trù tính dự án mới. Theo đó, các nước phương Tây sẽ bỏ ra khoảng 2 tỷ USD để xây dựng mới một hệ thống đường ống dẫn dầu thông ra bán đảo Arập. Một khi kế hoạch này được triển khai, từ nay về sau dầu mỏ được xuất đi từ bán đảo Arập có thể không phải vận chuyển qua Eo Hormuz mà sẽ được chuyển thẳng qua hệ thống đường ống này đến các cảng ở vùng Vịnh, rồi sau đó vận chuyển đi các nơi trên thế giới.

 

Nếu Iran phong tỏa Eo biển Hormuz, sẽ càng làm tăng thêm tính khả thi của dự án này. Ngoài ra, bất luận là phong tỏa eo biển hay là kích động các đồng minh trong khu vực phát động các cuộc tập kích cũng đều có thể gây ra mối quan hệ căng thẳng giữa Iran với nhiều quốc gia trong khu vực, tình hình này càng làm cho Iran rơi vào thế bị cô lập trong cộng đồng quốc tế.

 

Về tổng thể, nếu khủng hoảng hạt nhân của Iran không được hóa giải, giữa Iran và các nước phương Tây sẽ xảy ra đối kháng trực tiếp mà bên chịu thiệt hại không chỉ là Iran và các nước phương Tây, mà còn ảnh hưởng tới toàn thế giới. Chính vì điểm này, cộng đồng quốc tế và các bên liên quan tới vấn đề hạt nhân của Iran vẫn nhấn mạnh thông qua đàm phán để giải quyết vấn đề, tạo ra nhiều không gian và thời gian để tiến hành hòa giải ngoại giao.

 

Nguyễn Phúc (tổng hợp)