1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Iran tranh thủ bắt tay với Nga-Trung trong trật tự “vắng bóng” Mỹ

Đảo ngược chính sách đối ngoại không liên minh với nước lớn, Iran đã cho thấy những tính toán sâu xa khi kêu gọi thành lập một “câu lạc bộ” chống Mỹ.

Iran thay đổi cách tiếp cận, “bắt tay” với Nga - Trung

Iran đang tìm cách gia hạn một thỏa thuận 20 năm với Nga giữa bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo này hiện đàm phán một thỏa thuận 25 năm với Trung Quốc như một phần trong nỗ lực thúc đẩy liên minh quốc tế nhằm chống lại sức ép kinh tế và chính trị từ phía Mỹ.

 
Iran tranh thủ bắt tay với Nga-Trung trong trật tự “vắng bóng” Mỹ - 1

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov (phải) trong cuộc gặp ở Moscow, Nga ngày 21/7. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javid Zarif đã đến Moscow hôm 21/7 để đàm phán về việc làm mới một thỏa thuận hợp tác song phương trong 2 thập kỷ. Nội dung chưa được công khai nhưng nó sẽ liên quan đến một thỏa thuận lịch sử về buôn bán dầu mỏ và vũ khí cũng như hợp tác hạt nhân giữa 2 quốc gia được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Mohammed Khatami ký kết ngày 12/3/2001.

Tổng thống Putin hôm 21/7/2020 đã trao đổi với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani về các vấn đề như đại dịch Covid-19, thỏa thuận hạt nhân Iran, cuộc chiến ở Syria và các chủ đề song phương như "việc thực hiện các dự án năng lượng lớn chung" giữa 2 nước.

Thỏa thuận giữa Nga và Iran mà theo Ngoại trưởng Iran cho biết là cả hai bên đều đã "nhất trí hoàn tất" có được chỉ khoảng 1 tuần sau khi một tài liệu 18 trang rò rỉ với nội dung được cho là bản phác thảo về một thỏa thuận toàn diện giữa Iran và Trung Quốc mà theo đó, Bắc Kinh sẽ đầu tư khoảng 400 triệu USD vào các cơ sở hạ tầng và ngành năng lượng của Tehran.

Các nhà quan sát cho rằng Iran, Nga và Trung Quốc có chung lợi ích khi các nước này đều đối phó với thách thức từ nỗ lực duy trì ưu thế trong trật tự toàn cầu của Mỹ.

"3 quốc gia này hợp tác với nhau vì cả những lý do chiến lược và lý do thực tế. Về mặt chiến lược, họ đều không muốn một trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Về mặt thực tế, việc 3 nước này hợp tác với nhau sẽ đem đến những lợi ích nhất định", Guy Burton - giáo sư tại Cao đẳng Vesalius ở Brussels nhận định với Newsweek.

Hamidreza Azizi - học giả tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế ở Đức thì cho rằng, chiến lược "gây sức ép tối đa" của Mỹ đã buộc Iran rơi vào vòng tay Nga và Trung Quốc. Chuyên gia này nhận định những thỏa thuận gần đây của Iran là "điều gì đó hoàn toàn chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Cộng hòa Hồi giáo này bởi hệ thống chính trị ở Iran đứng trên lập trường bác bỏ liên minh với các nước lớn".

"Trong khi đó, giữa bối cảnh xung đột chính trị và bất đồng giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, Iran dường như nhận thấy đã đến lúc phù hợp để thúc đẩy một tầm nhìn chính sách đối ngoại mới".

Tranh thủ khoảnh khắc “vắng bóng” Mỹ

Nga và Trung Quốc gần đây tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trên các lĩnh vực như năng lượng, kinh tế và quốc phòng. Mối quan hệ này có khả năng tái định hình sự cân bằng quyền lực quốc tế và làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc với Washington, vốn đang áp lệnh trừng phạt với cả 2 nước này ở các mức độ khác nhau trong nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của các đối thủ cạnh tranh chiến lược.

Tuy nhiên, giống như Iran, Nga và Trung Quốc đang ngày càng phản ứng công khai hơn với Mỹ. Moscow và Bắc Kinh tăng cường thúc đẩy các dự án đầy tham vọng ở nước ngoài, trong đó có việc củng cố sự hiện diện ở Trung Đông. Cuối năm ngoái, Iran đã tham gia cùng với Nga và Trung Quốc trong một loạt các cuộc tập trận hải quân chưa từng có tiền lệ ở Ấn Độ Dương bất chấp căng thẳng Vịnh Ba Tư leo thang.

Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc không có cùng tham vọng với Iran ở Trung Đông. Do đó, 2 nước này luôn cẩn trọng để tránh gây căng thẳng cho mối quan hệ về kinh tế và ngoại giao với các kẻ thù của Iran trong khu vực như Israel và Saudi Arabia.

Giới chức Iran cũng nhấn mạnh rằng, các thỏa thuận quốc tế của họ liên quan đến việc thúc đẩy lợi ích quốc gia nhiều hơn là gây tổn hại cho kẻ thù.

"Iran theo đuổi chính sách ngoại giao phù hợp với các lợi ích quốc gia. Cả Trung Quốc và Nga đều là những đối tác giá trị của chúng tôi trong lĩnh vực kinh tế. Bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào với 1 trong 2 nước này đều sẽ minh bạch và có lợi ích cho các bên cũng như khu vực. Sự hợp tác của chúng tôi với Nga và Trung Quốc không chống lại bất kỳ quốc gia nào trong và ngoài khu vực", người phát ngôn phái đoàn của Iran tại Liên Hợp Quốc Alireza Miryousefi nhận định với Newsweek.

Trong khi Mỹ đang bận rộn đối phó với cuộc khủng hoảng của Covid-19 và các cuộc biểu tình cũng như theo đuổi chính sách đối ngoại đơn phương và cứng rắn hơn, các quốc gia như Iran, Nga và Trung Quốc đã nhanh chóng tìm thấy tiếng nói chung.

"Chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump tại Trung Đông cũng như ngoài khu vực này đã "thành công" trong việc đưa các đối thủ của Mỹ xích lại gần nhau", Michael Kugelman, Phó Giám đốc Trung tâm châu Á và là học giả cấp cao về Nam Á tại Trung tâm Wilson cho hay.

Chuyên gia này cũng đánh giá: "Giữa bối cảnh Mỹ ngày càng vắng bóng trên trường quốc tế, các đối thủ của Washington đang nhìn thấy cơ hội để thúc đẩy quyền lực của mình trong khoảnh khắc trật tự thế giới thay đổi liên tục và chưa có người lèo lái".