Iran sắp có tổng thống theo đường lối ôn hòa?
(Dân trí) – Giáo sỹ Hassan Rouhani, một ứng viên theo đường lối ôn hòa và ủng hộ cải cách, đang dẫn trước với cách biệt khá lớn trong cuộc bầu cử tổng thống Iran, theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ.
Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào cuối ngày hôm nay theo giờ địa phương. Tuy nhiên đến nay trong tổng số hơn 12 triệu phiếu được kiểm, ông Rouhani đã dẫn trước khá xa khi giành hơn một nửa tổng số phiếu.
Theo luật bầu cử của Iran, một ứng viên sẽ chiến thắng ngay ở vòng một nếu hội đủ hơn 50% số phiếu bầu.
Thông tin từ cơ quan bầu cử Iran cho biết tỷ lệ người đi bầu cử đạt cao trong tổng số 50 triệu cử tri nước này.
Người chiến thắng sẽ kế nhiệm ông Mahmoud Ahmadinejad, người đã có 8 năm nắm quyền trong bối cảnh có những bất ổn lớn về kinh tế và lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân.
Sự ủng hộ tăng cao
Những số liệu sơ bộ về kết quả bầu cử được công bố sáng nay sau vài giờ bị trì hoãn. Các quan chức tại trụ sở cơ quan bầu cử cho biết 12 triệu phiếu đã được kiểm, với 11,7 triệu phiếu hợp lệ.
Trong đó ông Hassan Rouhani giành 6 triệu phiếu, ông Qalibaf đang xếp nhì với 1,84 triệu phiếu. Ở các vị trí tiếp theo là các ứng viên Mohsen Rezai và Saeed Jalili với lần lượt 1,5 triệu và 1,4 triệu phiếu bầu.
Các điểm bỏ phiếu đã được gia hạn thời gian mở cửa cho đến tận 23 giờ địa phương (tức 18 giờ 30 GMT) hôm qua để cho nhiều cử tri có thể bỏ phiếu. Theo kênh truyền hình Press TV của Iran, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 80%.
Theo các nhà phân tích, dù cả 6 ứng viên đều có tư tưởng bảo thủ, ông Rouhani, một giáo sỹ 63 tuổi được xem là “ôn hòa”. Ông từng giữ nhiều vị trí trong quốc hội và cũng có thời gian là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran. Trong những ngày vận động cuối ông đã tiếp cận những người theo đường lối cải cách.
Sự ủng hộ dành cho ông Rouhani gia tăng sau khi ứng viên Mohammad Reza Aref, người theo đường lối cải cách duy nhất trong cuộc đua, tuyên bố bỏ cuộc.
Nhờ vậy ông Rouhani đã bước vào ngày bầu cử với sự hậu thuẫn của hai cựu tổng thống Iran Khatami và Akbar Hashemi Rafsanjani.
“Đe dọa”
Sau cuộc bầu cử tổng thống gần nhất tháng 6/2009, hàng triệu người Iran đã xuống đường biểu tình đòi bỏ phiếu lại sau khi giáo chủ tối cao bác tuyên bố của 3 ứng viên thất cử rằng đã có gian lận trên diện rộng.
Hai trong số này, gồm cựu thủ tướng Mir Hussein Mousavi và giáo sỹ Mehdi Karroubi, đã trở thành lãnh đạo của một phong trào đối lập rộng khắp cả nước có tên Phong trào xanh.
Đến tháng 2/2011 họ đã bị quản thúc tại gia sau khi đệ đơn xin tổ chức một cuộc biểu tình, để ủng hộ cho các phong trào nổi dậy chống chính phủ đang tràn qua các nước Ả rập.
Trong cuộc bầu cử năm nay không có nhà quan sát nước ngoài nào tham dự, và cũng có mối lo ngại rằng việc đăng tải thông tin của ứng viên trong những ngày vận động cuối không công bằng. Nhiều tờ báo ủng hộ phong trào cải cách bị đóng cửa, truy cập internet và các đài phát nước ngoài bị hạn chế, nhiều phóng viên bị bắt.
Hôm thứ Năm vừa qua, BBC đã cáo cuộc giới chức Iran “đe dọa ở mức chưa từng có” gia đình của các nhân viên BBC.
Thanh Tùng
Theo BBC