1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cử tri Iran đi bầu tổng thống với nỗi lo về kinh tế

(Dân trí) – Cử tri Iran hôm nay sẽ đi bầu cử để chọn tổng thống mới với những nỗi lo lắng lớn về kinh tế khi lạm phát đang phi mã tới hơn 30%, thất nghiệp tăng cao, kinh tế sa sút chưa lối thoát.

Kamran mới chỉ rời khỏi Iran 3 tháng nhưng ông cho biết sự khác biệt là vô cùng lớn. “Các siêu thị sẽ sớm giống như trong thời kỳ chiến tranh. Màu sắc trên các kệ hàng đang nhạt dần. Các sản phẩm nhập khẩu cũng biến mất”, doanh nhân 43 tuổi chia sẻ với kênh BBC từ Tehran.

Kinh tế đang là mối quan tâm chính của người Iran
Kinh tế đang là mối quan tâm chính của người Iran

Giá trị của đồng nội tệ Iran, đồng rial, đã giảm tới hơn một nửa trong vòng một năm qua, sau những đổ vỡ được cho là bắt nguồn từ sự quản lý yếu kém của chính phủ, cùng những lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu đối với lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của nước này.

Lạm phát phi mã

Đồng rial lao dốc đã khiến kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh và thổi bùng lạm phát của nước này lên mức cao nhất trong 18 năm qua.

Là một người thuộc tầng lớp trung lưu và thường đi qua đi lại giữa Tehran và Toronto, Canada, Kamran cảm thấy rõ sự khó khăn, dưới góc độ một người tiêu dùng cũng như một doanh nhân.

“Tại Tehran, giá cả một số nhu yếu phẩm như thịt bò giờ đã ngang với Toronto”, doanh nhân này cho biết. “Giờ thậm chí tôi cũng phải nhìn giá trước khi mua. Tôi không thể tưởng tượng tình hình sẽ ra sao đối với nhân viên quét dọn của mình”.

Theo con số chính thức được công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này là 32,3%. Nhưng các chuyên gia độc lập cho rằng thực tế còn cao hơn. Một khảo sát về chi phí sinh hoạt do Atieh Group, một nhóm tư vấn chiến lược doanh nghiệp tại Iran thực hiện cho thấy, lạm phát đã vượt 40%.

“Những người chịu thiệt hại chính là tầng lớp trung lưu và người nghèo. Ưu tiên hàng đầu của họ giờ đây là kiếm đủ sống”, Bijan Khajehpour, lãnh đạo của Atieh International, chi nhánh tại Vienna, Áo của nhóm nghiên cứu này khẳng định.

Sản xuất đình trệ

Kamran từng đại diện cho một doanh nghiệp chuyên cấp chứng chỉ chất lượng EU tại Iran. Nhưng giờ công ty đã quyết định từ bỏ thị trường này do doanh số giảm sút, bởi ngày càng ít doanh nghiệp địa phương xin chứng nhận chất lượng quốc tế.

Lẽ ra việc nhập khẩu sụt giảm phải là tin tốt cho các nhà sản xuất địa phương, nhưng trên thực tế lại không phải vậy. Chi phí sản xuất tăng chóng mặt sau chính sách cải cách trợ cấp của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã khiến hàng triệu USD trợ cấp nhiên liệu và lương thực bị bãi bỏ.

Trong khi người dân được chính phủ phát tiền để bù đắp chi phí sinh hoạt leo thang, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những hóa đơn nhiên liệu cao gấp 2-3 lần. Không ít doanh nghiệp đã quyết định đóng cửa hoặc giảm mạnh sản lượng.

Việc xuất khẩu dầu sụt giảm trong khi sản xuất trong nước lao dốc đã đẩy Iran vào suy thoái. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Iran trong năm nay đã sụt giảm 1,3%, khiến họ là nước duy nhất tại Trung Đông và Bắc phi tăng trưởng âm.

Cử tri Iran đi đăng ký tham gia bầu cử
Cử tri Iran đi đăng ký tham gia bầu cử

Bầu cho ai?

Một số cử tri cho rằng một chính phủ mới có thể khiến các chính sách thay đổi nhưng cả 6 ứng viên trong cuộc đua hiện tại đều chưa có đường lối gì rõ ràng ngoài những khẩu hiệu. Họ đều chỉ thể hiện mong muốn giám lạm phát, tạo việc làm.

Kamran thì không mấy tin tưởng và ông đang thương lượng với trụ sở tại châu Âu để mở văn phòng tại quốc gia láng giềng Azerbaijan. “Chìa khóa để giải cứu kinh tế là giải quyết vấn đề căng thẳng hạt nhân và thoát khỏi cấm vận”, Kamran nói. “Có thể phải mất nhiều năm, nhưng thời gian không đợi ai. Tôi sẽ rời doanh nghiệp của mình sang Baku”.

Trong số 6 ứng viên cho chức Tổng thống hiện nay, giáo sỹ theo đường lối ôn hòa Hassan Rowhani dường như đang có được sự ủng hộ cao trong giai đoạn nước rút. Dù vậy ông sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ nặng ký theo đường lối cứng rắn như: trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saeed Jalili và thị trưởng Tehran Mohammad Baqer Qalibaf.

Mohammad Reza Aref, ứng viên duy nhất theo đường lối cải cách đã tuyên bố từ bỏ cuộc đua hôm thứ Ba vừa qua, theo lời khuyên của cựu tổng thống Mohammad Khatami, một người cũng từng ủng hộ cải cách.

Hầu hết những ứng viên còn lại đều theo đường lối bảo thủ và là người thân cận của giáo chủ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad sẽ không được tranh cử do đã nắm quyền 2 nhiệm kỳ.

Thanh Tùng
Theo BBC