Iran dỡ nhiên liệu hạt nhân khỏi nhà máy Bushehr
(Dân trí) - Iran xác nhận nước này đang phải dỡ bỏ nhiên liệu hạt nhân khỏi lò phản ứng tại nhà máy điện Bushehr, động thái trì hoãn mới nhất làm ảnh hưởng đến dự án điện hạt nhân của nước này.
Trong khi đó, hôm thứ sáu vừa qua, cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho hay họ đã nhận được thông tin mới về “khả năng có những khía cạnh quân sự” trong các kế hoạch hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình.
Dự án điện hạt nhân Bushehr bắt đầu từ năm 1976.
Hãng thông tấn Iran Fars cho hay nhiên liệu đang được dỡ đi do “những lý do kỹ thuật”.
Nhiên liệu tại Bushr hiện đang được Nga cung cấp. Nga cũng là đơn vị xây dựng nhà máy Busher và các kỹ sư Nga đảm nhiệm việc tháo dỡ, dưới sự giám sát của cơ quan IAEA.
“Theo yêu cầu của Nga, phụ trách hoàn thành nhà máy điện hạt nhân Bushehr, nhiên liệu từ lõi của lò phản ứng sẽ được dỡ ra khoảng một thời gian để thực hiện các thử nghiệm và đo đạc kỹ thuật”, một quan chức Iran cho hay trên hãng thông tấn bán chính thức Isna.
Mặc dù vậy, có một vài thông tin cho rằng virut máy tính Stuxnet là nguyên nhân khiến Iran phải thực hiện hoạt động tháo dỡ trên. Stuxnet cũng đã gây ra trục trặc tại một nhà máy làm giàu urani khác của Iran vào năm ngoái.
Theo các nhà phân tích, Stuxnet được lập trình đặc biệt để phá motor thường được dùng trong các máy ly tâm làm giàu urani, khiến các máy này quay không thể kiểm soát được.
Một số chuyên gia cũng phỏng đoán vấn đề tại nhà máy Bushehr đặt ra câu hỏi về sự an toàn và tính hiệu của các các cơ sở hạt nhân của Iran nói chung.
Urani làm giàu có thể được dùng cho các mục đích dân sự song cũng có thể được dùng để phát triển bom nguyên tử.
Phan Anh
Theo BBC