Iran cảnh báo Israel sẽ gặp "phản kháng" nếu tiếp tục oanh tạc Gaza
(Dân trí) - Lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, cảnh báo rằng "không ai có thể ngăn chặn" các lực lượng phản kháng Israel nếu quốc gia này tiếp tục oanh tạc Dải Gaza.
Nhà lãnh đạo tối cao Iran khẳng định rằng, "đừng ai nên mong đợi" một số bên như Iran có thể "ngăn cản lực lượng phản kháng" hành động.
"Liên quan đến tình hình ở Gaza, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm phải phản ứng, chúng ta phải phản ứng", ông Khamenei nói nhưng không nêu chi tiết cách phản ứng ấy có thể là gì.
Quan chức Iran thường sử dụng thuật ngữ "trục phản kháng" để chỉ nước này và các lực lượng đồng minh trên khắp Trung Đông, bao gồm Hezbollah tại Li Băng và các lực lượng người Hồi giáo theo dòng Shiite khác ở Iraq và Syria.
Iran đã duy trì liên lạc chặt chẽ với các đồng minh trong khu vực kể từ khi lực lượng Hamas nã rocket và tràn qua biên giới Dải Gaza với Israel, khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, hầu hết là dân thường.
Israel đã đáp trả bằng những cuộc oanh tạc của không quân và pháo binh vào Dải Gaza do Hamas kiểm soát, khiến ít nhất 2.750 người Palestine thiệt mạng, cũng chủ yếu là dân thường. Ngoài ra, Israel đã triển khai hàng chục nghìn binh sĩ gần Gaza để chuẩn bị cho cuộc tấn công trên bộ.
Quân đội Israel đã yêu cầu khoảng 1,1 triệu người Gaza - gần một nửa dân số 2,4 triệu người tại đây - rời khỏi phía bắc để tránh vùng dự kiến xảy ra chiến dịch.
Iran đã nhiều lần cảnh báo rằng nếu Israel tấn công toàn diện trên bộ vào Gaza, họ sẽ gặp phải phản ứng từ các mặt trận khác. Lời cảnh báo làm dấy lên lo ngại rằng xung đột sẽ lan rộng hơn và cuốn theo các nước khác.
Ngoại trưởng nước này, Hossein Amir-Abdollahian, hôm 16/10 đã nói về khả năng "hành động phủ đầu" nhắm vào Israel của "mặt trận phản kháng".
Tehran, quốc gia được cho là có hỗ trợ tài chính và quân sự cho các chiến binh Hamas, đã ca ngợi cuộc tấn công của Hamas nhưng khẳng định họ không liên quan.
Kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran đã coi việc ủng hộ lý tưởng của người Palestine là một trong những trụ cột trong chính sách đối ngoại của mình.