IPEF có gặp chung số phận của TPP nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng?
(Dân trí) - Thỏa thuận về chuỗi cung ứng trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) có hiệu lực từ ngày 24/2, nhưng khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng có nguy cơ làm tê liệt IPEF.
Các đối tác đàm phán của IPEF đã đạt thỏa thuận về chuỗi cung ứng - một trong 4 trụ cột của khuôn khổ này - vào tháng 5/2023, sau đó ký thỏa thuận cuối cùng vào tháng 11/2023.
Theo Reuters, đây là thỏa thuận đa phương đầu tiên liên quan đến chuỗi cung ứng, được thiết kế nhằm khuyến khích các đối tác tạo ra cơ sở hạ tầng để nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng bị gián đoạn khi xảy ra tình trạng khẩn cấp và hạn chế tác động kinh tế của những cú sốc đó.
Theo thỏa thuận, các đối tác đàm phán IPEF sẽ có 120 ngày để xác định đâu là những nguồn cung quan trọng đối với các quốc gia đối tác khác sau quá trình tham vấn với tập đoàn và chuyên gia.
Những nguồn cung quan trọng được hiểu là những nguồn cung mà nếu bị thiếu hụt có thể gây ra tác động tiêu cực lớn. Các mặt hàng chăm sóc sức khỏe, cùng với những loại chip có nguồn gốc chỉ từ một số ít quốc gia, phù hợp với khái niệm trên.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra sáng kiến IPEF với tham vọng thiết lập chỗ đứng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 14 đối tác đàm phán IPEF đại diện cho 40% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
IPEF không bao gồm các điều khoản nhằm giảm hoặc loại bỏ thuế quan, không giống các thỏa thuận thương mại thông thường. Nguyên nhân là Mỹ muốn giảm bớt tác động của khuôn khổ này đối với các ngành công nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, các đối tác đàm phán IPEF đang ngày càng lo ngại nguy cơ cả khuôn khổ này sẽ đóng băng nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11.
Ông Trump từng rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2017. Ông gần đây cũng gọi IPEF là "TPP thứ 2" và tuyên bố loại bỏ khuôn khổ này nếu quay trở lại Nhà Trắng.
Thỏa thuận về chuỗi cung ứng của IPEF có điều khoản ngăn cản thành viên rút lui trong vòng 3 năm sau khi có hiệu lực. Nhưng theo Toshiki Takahashi tại Viện Thương mại và Đầu tư Quốc tế có trụ sở tại Tokyo, chính quyền Mỹ dưới nhiệm kỳ 2 của ông Trump có thể tẩy chay các cuộc họp, qua đó rút khỏi IPEF trên thực tế.