1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Indonesia thất vọng vì ngày trở lại “chóng vánh” của Obama

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay có điểm dừng chân thứ 2 trong trong chuyến công du châu Á kéo dài 10 ngày với chuyến thăm quan trọng tới Indonesia - đất nước đông người Hồi nhất thế giới. Tuy nhiên, chuyến thăm có thể bị cắt ngắn vì tro bụi núi lửa.

 
Indonesia thất vọng vì ngày trở lại “chóng vánh” của Obama  - 1

Vợ chồng Tổng thống Mỹ Obama tới Jakarta chiều nay, 9/11.
 
Nhà lãnh đạo Mỹ và phu nhân chiều nay đã tới thủ đô Jakarta. Nhưng ngay sau khi tới nơi, phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs nói với các phóng viên đi cùng trên chiếc Không lực Một rằng chuyến thăm có thể bị cắt ngắn vì tro bụi núi lửa Merapi trên đảo Java, vốn phun trào từ hôm 28/10, cướp đi sinh mạng của 153 người.
 
Một số hãng hàng không trước đó đã buộc phải huỷ chuyến tới Jakarta do lo ngại tro bụi núi lửa.
 
Cũng giống điểm dừng chân đầu tiên - Ấn Độ, thương mại và bày tỏ sự ủng hộ đối với tiến trình dân chủ là sẽ là những vấn đề quan trọng trong chuyến thăm của ông Obama. Nhưng các nhà phân tích cho rằng đây sẽ là cơ hội lớn nhất của ông Obama để tái kết nối với thế giới Hồi giáo sau bài phát biểu quan trọng tại Cairo, Ai Cập hồi năm ngoái.

Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ ca ngợi sự phát triển kinh tế và tiến bộ dân chủ tại Indonesia trong cuộc gặp với Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.

Hai nhà lãnh đạo sẽ ký hiệp định “quan hệ đối tác toàn diện” mà họ đã nhất trí 1 năm trước, đề cập tới các lĩnh vực như thương mại, an ninh, giáo dục, đầu tư và thay đổi khí hậu.

Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cho hay: “Chúng tôi coi các cường quốc mới nổi và các nền dân chủ tại châu Á là trụ cột trong định hướng chiến lược của Mỹ trong thế kỷ 21. Ấn Độ phù hợp với chính sách đó và Indonesia cũng vậy”.

An ninh sẽ là một vấn đề quan trọng và ông Obama chắc chắn sẽ hối thúc chính phủ Indonesia tiếp tục duy trì chính sách cứng rắn nhằm chống lại các phiến quân Hồi giáo. Indonesia từng chứng kiến một trong những vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất - các vụ đánh bom trên đảo Bali tháng 10/2002, làm 202 người thiệt mạng.

"Mòn mỏi" chờ đợi

Sau 2 năm chờ đợi, người Indonesia cuối cùng cũng có cơ hội đón “người con nuôi” - mà giờ là Tổng thống Mỹ Barack Obama - về thăm lại chốn xưa, nơi ông từng sinh sống 4 năm thời thơ ấu.

Nhưng cơn sốt Obama từng tràn ngập Indonesia sau chiến thắng vang dội của ông trong cuộc bầu cử năm 2008 đã bị thay thế bằng thực tại.

Không nhiều người Indonesia giờ đây tin rằng ông Obama sẽ thay đổi các chính sách của Mỹ tại Trung Đông hoặc cải thiện mối quan hệ của Mỹ với thế giới Hồi giáo. Và hi vọng rằng Indonesia và Mỹ có thể cùng sánh bước trên trường quốc tế cũng đã mờ dần.

Trong khi người Indonesia vô cùng tự hào vì từng có thời gian nuôi dưỡng tổng thống Mỹ, các kế hoạch cho lần trở lại của ông đi kèm với nỗi buồn rằng ông không phải là "con ruột" của họ.
 
Trước đó, ông Obama đã 2 lần hoãn các chuyến thăm được lên kế hoạch tới Indonesia và lần này dự kiến cũng chỉ ở lại 24 giờ. Ông Obama sẽ gặp người đồng cấp nước chủ nhà, thăm nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Indonesia - Istiqlal, và có bài phát biểu tái khẳng định cam kết nhằm dẹp bỏ những chia rẽ giữa người Hồi giáo và phương Tây.

Lịch trình dày đặc đồng nghĩa với việc ông không có thời gian thăm lại du dân cư ở thủ đô đông đúc, nơi ông từng sống từ năm 1967-1971. Và ông cũng chỉ có ít phút gặp gỡ với gia đình và những người bạn cũ.

“Tôi đã chờ đợi chuyến thăm này lâu rồi”, Katarina Fermina Sinaga, 61 tuổi, người từng dạy ông Obama năm lớp 3, nói. “Tôi biết là nhà lãnh đạo thế giới, lịch trình của ông ấy rất bận rộn nhưng tôi vẫn mong gặp ông ấy. Tôi chỉ muốn ông ấy không quên chúng tôi”.

Khi ông Obama dự kiến đến Indonesia hồi tháng 3 và sau đó là tháng 6, Indonesia đã chuẩn bị rất sớm: Tung ra những cuốn sách và phim về thời thơ ấu, cùng các lễ kỷ niệm và các cuộc triển lãm.

Nhưng lần này, Indonesia dường như không còn hào hứng sau 2 thảm hoạ thiên nhiên - sóng thần và núi lửa - trong 2 tuần qua vốn cướp đi sinh mạng của tổng cộng 600 người. Đã xuất hiện các thông tin nói rằng ông Obama sẽ tiếp tục hoãn chuyến thăm, và người Indonesia cũng không còn muốn hi vọng. Thậm chí chính phủ cũng phải đợi đến phút chót để thông báo rằng chuyến thăm vẫn diễn ra.

Với hi vọng rằng nhà lãnh đạo Mỹ vẫn có thời gian thăm lại trường tiểu học cũ, hàng chục học sinh lớp 3 và 4 - trong bộ đồng phục xanh và trắng - đã dành cả buổi sáng nay để luyện tập một bài hát dành tặng ông.

Mặc dù các lãnh đạo tôn giáo vẫn tin tưởng vào ông Obama nhưng họ cũng không còn nhiệt tình như trước. Với việc các cuộc đàm phán hoà bình tại Trung Đông tiến triển chậm, nhiều người tin rằng ông cũng không khá hơn người tiền nhiệm George W. Bush.

Ông Obama chuyển tới Indonesia năm 7 tuổi cùng người mẹ Stanley Ann Dunham sau khi bà kết hôn với người chồng Indonesia. Khu dân cư nơi họ sống đầu tiên là Menteng Dalam - một khu nhà mái ngói đỏ ở trung tâm thủ đô Jakarta. Nhiều người vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm về một cậu bé Barry thuở nào.

Họ hi vọng rằng sự liên hệ giữa ông Obama với Indonesia sẽ biến nơi này trở thành một nơi đặc biệt, nhưng 2 năm qua rồi mọi việc vẫn không thay đổi. Giờ đây, hầu hết họ đều thừa nhận rằng chuyến thăm của ông sẽ không giúp họ cải thiện cảnh đói nghèo hay khiến khu dân cư được biết đến.

Và mặc dù có cảm giác họ hàng với Tổng thống Mỹ nhưng cuối cùng ông ấy sẽ đi và về nơi thực sự mới là nhà của ông.

An Bình
Tổng hợp