1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Indonesia tăng cường kiểm soát quần đảo Natuna trước phán quyết Biển Đông

(Dân trí) - Indonesia đã có nhiều động thái nhằm tăng cường sự hiện diện về kinh tế và quân sự của nước này tại quần đảo Natuna, nơi Trung Quốc có nhiều hoạt động quấy nhiễu trong thời gian qua nhằm thực hiện tham vọng bành trướng trên Biển Đông.


Tổng thống Indonesia Joko Widodo trên tàu chiến thị sát quần đảo Natuna hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Indonesia Joko Widodo trên tàu chiến thị sát quần đảo Natuna hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)

Theo Thời báo Phố Wall, Chuẩn đô đốc Achmad Taufiqoerrochman, chỉ huy Hạm đội phía Tây của Hải quân Indonesia, cho biết kể từ tháng 3 năm nay, số lượng tàu cá Trung Quốc hoạt động xung quanh quần đảo Natuna ngày càng tăng và đánh bắt cá chỉ là cái cớ để Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền của nước này tại vùng biển quanh Natuna trước thềm phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ở La Hay, Hà Lan. Tòa dự kiến sẽ ra phán quyết vào ngày mai (12/7) và phán quyết được cho là sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc.

Do vậy, cũng như nhiều nước khác trong khu vực, Indonesia đang đẩy mạnh các hoạt động tăng cường sự hiện diện về kinh tế và quân sự trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái bành trướng và hung hăng trên Biển Đông để theo đuổi yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của nước này.

Theo đó, để bảo vệ nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và các vựa cá dồi dào quanh quần đảo Natuna, Indonesia đã đẩy mạnh phát triển khu vực này, bằng cách đưa nhiều ngư dân ra quần đảo, kết hợp xây thêm cảng và đường băng tại đây. Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Joko Widodo cũng tăng cường các hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt, từ đó giúp Indonesia khẳng định quyền kiểm soát ở vùng biển quanh Natuna. Ngoài ra, các hoạt động này cũng là cách để Indonesia đánh tiếng với bất kỳ quốc gia nào có ý định thách thức quyền kiểm soát của họ tại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý quanh quần đảo Natuna, khu vực mà Jakarta tuyên bố thuộc chủ quyền của nước này theo luật quốc tế.

“Hiện mới có 5 trong số 16 mỏ dầu và khí đốt được khai thác quanh Natuna, còn 7 mỏ đang được thăm dò và 4 mỏ đang trong giai đoạn hoàn thiện (để chuẩn bị đưa vào khai thác). Tôi muốn hỗ trợ tất cả các tiến trình này để các hoạt động khai tác có thể được thực hiện ngay lập tức”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu trước nội các hồi tháng trước.

Theo Thời báo Phố Wall, việc sở hữu các nguồn tài nguyên tại quần đảo Natuna cũng trao cho Indonesia quyền tăng cường tuần tra ở các vùng biển quanh quần đảo này bằng các tàu tuần duyên hoặc tàu quân sự, từ đó có thể ngăn chặn các tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép.

Indonesia gần đây cũng có nhiều động thái tăng cường khả năng phòng thủ ở vùng biển Natuna. Jakarta hiện duy trì khoảng 800 quân nhân tại vùng biển Natuna. Riêng trong năm nay, con số này đã tăng lên 2.000 người.

Tàu hải quân Indonesia và tàu hải quân Trung Quốc trong một lần va chạm ở vùng biển quanh quần đảo Natuna hồi tháng 6 (Ảnh: Retuers)
Tàu hải quân Indonesia và tàu hải quân Trung Quốc trong một lần va chạm ở vùng biển quanh quần đảo Natuna hồi tháng 6 (Ảnh: Retuers)

Trước đó, giữa Trung Quốc và Indonesia đã xảy ra nhiều vụ việc căng thẳng khi lực lượng hải quân Indonesia tiến hành bắt giữ nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển quanh Natuna và triển khai các hoạt động đánh bắt trái phép tại đây.

Indonesia cho biết nước này không có tranh chấp lãnh thổ trực tiếp với Trung Quốc trên Biển Đông nhưng Jakarta phản đối việc Trung Quốc đưa quần đảo Natuna vào bên trong “đường lưỡi bò” phi lý mà Bắc Kinh tự vẽ ra nhằm đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển này. Mặc dù Trung Quốc không thách thức quyền kiểm soát quần đảo Natuna của Indonesia nhưng ngang nhiên tuyên bố nước này có quyền đánh bắt cá tại vùng biển quanh quần đảo Natuna.

Thành Đạt

Theo Thời báo Phố Wall