1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Indonesia lập căn cứ quân sự ở Biển Đông

(Dân trí) - Indonesia đã lập một căn cứ quân sự với hơn 1.000 binh sĩ trên quần đảo Natuna ở rìa phía nam Biển Đông, nơi Trung Quốc nói có các tuyên bố chồng lấn về các lợi ích và quyền hàng hải với Indonesia nhưng bị Jakarta mạnh mẽ bác bỏ.


Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo đứng trên một tàu hải quân Indonesia (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo đứng trên một tàu hải quân Indonesia (Ảnh: Reuters)

Căn cứ được mở hôm 18/12 tọa lạc tại Selat Lampa trên đảo Natuna Besar, thuộc quần đảo Natuna - một trong những khu vực ở xa nhất của Indonesia và cách đảo chính Borneo hơn 200km.

Tại lễ khai trương căn cứ, người đứng đầu các lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia Hadi Tjahjanto cho hay tiền đồn này được thiết kế để hoạt động như một cơ sở răn đe nhằm chống lại bất kỳ mối đe dọa an ninh tiềm tàng nào, đặc biệt tại các khu vực biên giới.

Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo ngày 19/12 nhấn mạnh rằng chính phủ Indonesia đã sẵn sàng để làm rõ rằng quần đảo Natuna, với dân số 169.000 người, là lãnh thổ chủ quyền của nước này.

“Nếu mọi người muốn chúng tôi chiến đấu thì cùng nhau chúng ta sẽ làm điều đó”, ông Widodo tuyên bố.

Quần đảo Natuna của Indonesia nằm ở rìa phía nam Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc công nhận chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna, nhưng lại khẳng định rằng hai nước có các tuyên bố chồng lấn về các lợi ích và quyền hàng hải trong khu vực cần được giải quyết - điều mà Indonesia mạnh mẽ bác bỏ.


Quần đảo Natuna nằm ở rìa phía nam Biển Đông (Ảnh: Google map)

Quần đảo Natuna nằm ở rìa phía nam Biển Đông (Ảnh: Google map)

Indonesia không phải là một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng Jakarta và Bắc Kinh đã có vài lần va chạm hàng hải trong khu vực, trong đó có một vụ việc vào năm 2016 khi một tàu tuần tra Indonesia bắt một tàu cá 300 tấn của Trung Quốc. Nhưng chỉ ít giờ sau, một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu cá để giới chức Indonesia phải thả nó.

Collin Koh Swee Lean, một nhà phân tích tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, cho rằng kế hoạch lập căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna đã được lên kế hoạch trong nhiều năm, và vụ va chạm năm 2016 với Trung Quốc đã bổ sung thêm động lực để Indonesia thực hiện kế hoạch này.

Giới chức Indonesia không tiết lộ số quân nhân chính xác tại khu vực Natuna, nhưng cho biết căn cứ mới có một tiểu đoàn lục quân, các nhóm thủy quân lục chiến và kỹ sư, và một đơn vị pháo. Trong quân đội Indonesia, một tiểu đoàn thường gồm từ 825-1.000 quân. Việc phát triển căn cứ quân sự kiểu này dự kiến cũng sẽ được thực hiện tại các đảo chiến lược khác, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia Hadi Tjahjanto cho biết.

Căn cứ mới cũng có một nhà chứa phục vụ một đội máy bay không người lái, theo ông Hadi, và sẽ được nâng cấp tùy theo mức độ đe dọa. Các binh sĩ tại đó luôn sẵn sàng để tham gia bất kỳ hoạt động quân sự nào.

An Bình

Theo SCMP