1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Indonesia huy động ngư dân cùng hải quân đối phó tàu Trung Quốc

(Dân trí) - Indonesia tuyên bố sẽ huy động ngư dân gần khu vực Biển Đông để tham gia cùng các tàu hải quân đối phó với các tàu của Trung Quốc, trong bối cảnh Jakarta và Bắc Kinh đang căng thẳng về vấn đề chủ quyền.

Indonesia huy động ngư dân cùng hải quân đối phó tàu Trung Quốc - 1

Tàu tuần duyên Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

SCMP đưa tin, trong một thông điệp mạnh mẽ khác thường, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 6/1 tuyên bố: “Sẽ không thương lượng với những điều liên quan tới chủ quyền của chúng ta”.

Bộ trưởng An ninh Indonesia Mahfud MD hôm qua cho biết với giới truyền thông rằng khoảng 120 ngư dân từ đảo Java sẽ được huy động tới quần đảo Natuna.

“Chúng tôi muốn huy động các ngư dân từ khu vực bờ biển phía bắc và có thể từ các khu vực khác tới đây đánh bắt cá và thực hiện một số hoạt động khác”, Bộ trưởng Indonesia cho hay.

Căng thẳng giữa 2 nước leo thang từ tháng trước khi tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống các tàu cá đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia gần quần đảo Natuna ở phía bắc quốc gia Đông Nam Á. Indonesia ngày 30/12/2019 cáo buộc đây là hành động “vi phạm chủ quyền” của tàu Trung Quốc và đã gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh.

Phát biểu tại Bắc Kinh ngày 31/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang nhiên nói rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận. Ông Cảnh thậm chí tuyên bố cả Trung Quốc và Indonesia đều có hoạt động đánh bắt cá “bình thường” tại đây.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, hồi tuần trước tuyên bố rằng sẽ điều thêm tàu chiến tới khu vực Natuna. 6 tàu hải quân Indonesia hiện đang hiện diện tại đây và 4 chiếc nữa đang trên đường tới, Reuters dẫn lời ông Imam Hidayat, người đứng đầu cơ quan phụ trách hoạt động hàng hải của Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia, cho hay.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, tuyến giao thông quan trọng và giàu tài nguyên, dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn”, nhưng yêu sách này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Bộ Ngoại giao Indonesia tuần trước khẳng định lại lập trường rằng, nước này không phải là một bên tranh chấp trên Biển Đông và cũng không có quyền tài phán chồng lấn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Indonesia và Trung Quốc vẫn có xung đột trước đó về quyền đánh cá xung quanh quần đảo Natuna. 

Theo cơ quan ngoại giao Indonesia, việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia dựa trên cơ sở rằng các tàu Trung Quốc từ lâu vẫn đánh cá tại khu vực này là không có “cơ sở pháp lý” và “chưa bao giờ được công nhận trong UNCLOS 1982”

Mặc dù vậy, từ trước tới nay, các vụ đụng độ của tàu Indonesia thường chỉ là với tàu của ngư dân Trung Quốc. Nhưng sự hiện diện của tàu tuần duyên Bắc Kinh tháng trước đã đánh dấu một sự leo thang mới, khiến Jakarta phải triệu tập nhà ngoại giao Trung Quốc để bày tỏ sự phản đối.

Lần gần đây nhất 2 quốc gia xảy ra đụng độ tại Biển Đông là năm 2016 khi một tàu tuần duyên Trung Quốc cố tìm cách giải thoát tàu cá của Bắc Kinh sau khi chính quyền Indonesia can thiệp hành vi đánh bắt bất hợp pháp của phương tiện đó.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm