1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Indonesia: Chặt 'vòi bạch tuộc' khủng bố

Cuộc chiến chống khủng bố, trong đó đặc biệt là các đối tượng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang diễn ra rất quyết liệt. Bên cạnh việc sử dụng vũ lực để đánh bại các đối tượng này, các quốc gia – trong đó có Indonesia - đang tập trung ngăn chặn nguồn tài chính mà các tổ chức khủng bố có được để phục vụ hoạt động của mình.


Thu giữ tang vật từ nhà một nghi can tấn công khủng bố ở Jakarta. Ảnh: Reuters

Thu giữ tang vật từ nhà một nghi can tấn công khủng bố ở Jakarta. Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố hôm 2/7 vừa qua, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Indonesia cho biết Indonesia sẽ sớm tham gia tổ chức liên chính phủ với tên gọi Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính Thế giới (FATF) nhằm chống lại nạn rửa tiền, tài trợ cho khủng bố và các mối đe dọa toàn cầu khác liên quan đến hệ thống tài chính toàn cầu.

Cắt “nguồn năng lượng” của khủng bố

Indonesia cùng với các quốc gia khác như Myanmar, Thái Lan và Sri Lanka bị FATF liệt vào danh sách đen năm 2012 do các quốc gia này không thực hiện đầy đủ các cam kết theo kế hoạch hành động chống khủng bố của tổ chức này. Trước đó, FATF cho biết Indonesia đã

không tích cực thực hiện nghĩa vụ để ngăn chặn việc gây quỹ khủng bố và rửa tiền trong hoặc thông qua nước này. Indonesia đã bị loại khỏi danh sách đen 3 năm sau (năm 2015) do FATF tuyên bố quốc gia này có những tiến bộ đáng kể trong việc hợp tác với các nước chống khủng bố.

Ông Nufransa Wira Sakti, Trưởng phòng Truyền thông của Bộ Tài chính Indonesia cho biết: “Yêu cầu gần đây của Indonesia (tham gia vào tổ chức quốc tế liên chính phủ) đã được 37 thành viên của FATF nhất trí ủng hộ”. Ông nói các thành viên của FATF thừa nhận những nỗ lực của Indonesia nhằm chống lại nạn rửa tiền và chống khủng bố. Đây được coi là điểm cộng đáng kể để các quốc gia thành viên của FATF có nhiều khả năng sẽ kết nạp Indonesia.

Trên trang web chính thức của mình, FATF đã truyền tải yêu cầu của phía Indonesia. FATF hiện có 35 quốc gia thành viên, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức… và 2 tổ chức khu vực đại diện cho các trung tâm tài chính lớn. Chủ tịch FATF, ông Juan Manuel Vega-Serrano đã trả lời chính thức Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati - người đã đệ trình yêu cầu của Indonesia mong muốn trở thành thành viên chính thức của FATF vào ngày 29/6 vừa qua.

FATF còn được biết đến như một cơ quan hoạch định chính sách quốc tế đã giúp các quốc gia thành viên tiến hành các cải cách về luật pháp và các quy định. Ông Vega-Serrano nói với ông Sri Mulyani theo trích dẫn trong bản tuyên bố của Bộ Tài chính Indonesia: “Tôi vui mừng thông báo với ngài rằng điều này đã nhận được sự nhất trí ủng hộ của toàn thể các quốc gia thành viên đối với nguyện vọng của Indonesia gia nhập tổ chức này”.

Ông Nufransa cho biết việc Indonesia gia nhập tổ chức này sẽ được chính thức thảo luận tại phiên họp toàn thể FATF tiếp theo tại Argentina vào tháng 10 tới. Trong khi đó, quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới này cần phải hoàn thành một quá trình đánh giá để chứng minh cam kết của mình đối với FATF.

Lo ngại trước nguy cơ

Indonesia đã có Luật số 8/2010 về phòng, chống rửa tiền và Luật số 9/2013 nhằm ngăn chặn tài trợ cho khủng bố. Indonesia cũng là thành viên tích cực của Tập đoàn The Egmont, một tập đoàn mang tầm cỡ toàn cầu nhằm trao đổi chuyên môn và thông tin tài chính để chống lại nạn rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Bên cạnh đó, Indonesia cũng tham gia vào Nhóm các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), một tổ chức quốc tế thúc đẩy các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Ông Sri Mulyani Indrawati cho biết hồi tháng 3/2017, Indonesia đã tích cực tiến hành các thủ tục để được gia nhập FATF nhằm có thể cùng với các quốc gia bàn bạc và tiến hành các biện pháp chống lại nạn rửa tiền và gây quỹ khủng bố.

Chính quyền Indonesia đang quan ngại về nguy cơ gia tăng hoạt động của các phần tử thánh chiến tại nước này, quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống nhất trên thế giới. Trong vài năm trở lại đây, những đối tượng ủng hộ IS đã tiến hành một số các cuộc tấn công nhỏ lẻ tại Indonesia. Bên cạnh đó là mối lo ngại đối với sự trở về của hàng trăm công dân nước này đã tới Syria để tham gia hỗ trợ IS.

Gần đây nhất, ngày 26/6, cảnh sát Indonesia đã tìm thấy hàng trăm cuốn sách có chứa nội dung tuyên truyền cho tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng nhắm vào đối tượng trẻ em tại nhà của một nghi phạm bị bắt giữ do có liên quan tới vụ tấn công bằng dao làm một sĩ quan cảnh sát thiệt mạng trước đó một ngày. Các cuốn sách được tìm thấy đều được viết bằng tiếng Indonesia, chứa các bức tranh và thông điệp cổ súy thánh chiến. Nghi phạm bị cảnh sát bắt giữ được cho là kẻ đã thiết kế và in những sản phẩm này.

Theo T.Chiến

Pháp luật Việt Nam