Mở rộng dấu chân ở Philippines, IS vươn vòi bạch tuộc khắp Đông Nam Á?
Giới phân tích cho rằng, những gì IS làm ở Philippines là lời cảnh báo rõ ràng đối với Đông Nam Á về khả năng thực sự của lực lượng cực đoan này.
Mối đe dọa hiện hữu
Khi cuộc chiến giữa quân đội Philippines và phiến quân Maute vẫn chưa có hồi kết ở Marawi, sự sợ hãi cùng với nỗi lo ngại trước việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể có được một thành trì vững chắc ở Đông Nam Á cũng tăng lên từng ngày.
Theo Trung tâm Nghiên cứu về Bạo lực và Khủng bố Quốc tế có trụ sở tại Singapore, Philippines đã trở thành tâm điểm của tham vọng mở rộng dấu chân của IS ở Đông Nam Á – khu vực có hơn 60 nhóm cam kết trung thành với IS.
Đặc biệt trong bối cảnh IS không ngừng bị thu hẹp địa bàn hoạt động ở Syria và Iraq, nhóm này cho thấy ý định rõ ràng khi chuyển hướng sang Đông Nam Á, lấy đây làm một trong những địa điểm hoạt động chính của chúng, thu hút chiến binh từ Philippines và các quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số là Indonesia và Malaysia.
Xét về mặt lịch sử, Al-Qaeda là tổ chức khủng bố quốc tế có quan hệ lâu đời nhất với các nhóm cực đoan ở Đông Nam Á, nhưng IS mới chính là tổ chức có liên quan nhiều hơn đến các vụ tấn công khủng bố ở khu vực này thời gian gần đây.
Có thể kể đến vụ đánh bom tự sát giết chết 3 cảnh sát tại một trạm xe buýt ở Jakarta, Indonesia hồi tháng 5/2016 hay như vụ đánh bom khủng bố ở thành phố Davao, Philippines hồi tháng 9 năm ngoái làm 14 người thiệt mạng.
Đối với một số nhà phân tích, cuộc vây hãm phiến quân Maute, có liên hệ với IS ở Marawi đã cho thấy những mặt hạn chế của quân đội Philippines khi phải đối mặt với những mối đe dọa. Điều này có thể làm suy yếu thế cân bằng an ninh trong khu vực.
Zachary Abusa, giáo sư về chiến lược an ninh quốc gia và là một chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Đại học Chiến tranh quốc gia ở Washington, DC nói: "Tôi nghĩ rằng Marawi đang cho thấy những giới hạn tuyệt đối của những gì các lực lượng vũ trang của Philippines có thể làm. Sau nhiều năm Philippines hỗ trợ Mỹ chống khủng bố, tôi nghĩ chúng ta nên đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này”.
Mỹ từng giúp Philippines thành lập Lực lượng tác chiến đặc biệt liên quân Philippines (JSOTF-P) với mục đích hỗ trợ các lực lượng chống khủng bố của Philippines từ năm 2002, nhưng chương trình này đã kết thúc vào năm 2015.
Hôm 10/6, Đại sứ quán Mỹ tại Manila thừa nhận các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang hỗ trợ quân đội Philippines trong cuộc chiến giành lại quyền kiểm soát các khu vực ở Marawi. Một phát ngôn viên của quân đội Philippines nói rằng, sự trợ giúp này chỉ giới hạn trong việc giám sát và hỗ trợ kỹ thuật.
Giới phân tích nhận định, Philippines hiện trở thành điểm đến cho các chiến binh trong khu vực. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt sau khi IS cho phát tán đoạn băng video khuyên những kẻ tuyển mộ chiến binh nên tới Mindanao – hòn đảo ở phía nam Philippines nếu chúng không thể tuyển quân ở Syria hay Iraq.
“Phiến quân người gốc bản địa thực sự kiểm soát lãnh thổ nhưng có ‘dòng chảy’ ổn định các chiến binh nước ngoài vào Mindanao vài năm trở lại đây”, giáo sư Abusa nói.
Thực tế cho thấy, trong số những phần tử khủng bố bị tiêu diệt ở Marawi có một số đối tượng là người Malaysia, Indonesia, Chechnya, Yemen và Saudi Arabia.
Không thể chủ quan
Tại diễn đàn an ninh khu vực, Đối thoại Shangri-La được tổ chức ở Singapore vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng của các quốc gia Đông Nam Á đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực, đồng thời đưa ra cam kết hợp tác chặt chẽ hơn, đặc biệt là tiến hành phối hợp tuần tra trên biển.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen gọi khủng bố là "mối quan tâm an ninh lớn nhất" của khu vực.
Ông Ng Eng Hen nói trong một cuộc thảo luận bàn tròn rằng Philippines đang trở thành “một thỏi nam châm” hút các phần tử cực đoan: "Tất cả chúng ta đều nhận ra rằng nếu không được giải quyết thỏa đáng, những kẻ cực đoan sẽ được trao cơ hội để phát động các cuộc tấn công từ đó”.
Đáng chú ý, tại diễn đàn này, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu tiết lộ con số khiến nhiều người phải giật mình, đó là có tới 1.200 tay súng IS ở Philippines, trong đó có 40 phần tử đến từ Indonesia.
“Mối đe dọa khủng bố trong khu vực này đã tiến triển lên mức độ khẩn cấp ngay nhãn tiền. Phạm vi hoạt động của khủng bố không ngừng được mở rộng”, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cảnh báo.
Trong trường hợp cụ thể với cuộc chiến giữa quân đội Philippines và phiến quân Maute ở thành phố Marawi trên đảo Mindanao, Tổng thống nước này, ông Rodrigo Duterte phải thừa nhận: “Chúng tôi đang trong tình trạng khẩn cấp. Tôi có một vấn đề nghiêm trọng ở Mindanao và dấu chân IS in hằn ở khắp mọi nơi”.
Rohan Gunaratna, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Bạo lực và Khủng bố chính trị Quốc tế tại Singapore cho rằng, sở dĩ Philippines đang gặp khó khăn trong cuộc chiến với phiến quân nổi dậy ở Marawi vì đã không đánh giá đúng mối nguy từ IS.
“Họ không hiểu điều gì IS muốn. IS không phải là một nhóm hoạt động phá hoại đơn thuần, chúng muốn xây dựng một nhà nước. IS muốn chiếm đoạt, kiểm soát và điều hành lãnh thổ”, ông Gunaratna nói.
Theo Gunaratna, những gì diễn ra cuối cùng cũng khiến IS trở thành tâm điểm của sự chú ý không chỉ ở Philippines mà còn đối với cả phần còn lại trong khu vực.
“Các bạn có thể nói rằng, sự kiện Marawi là sự kiện mang tính bước ngoặt đối với cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Đông Nam Á bởi vì nó đã khiến tất cả các nước trong khu vực này thấy những gì IS có thể làm.
Người ta cứ nghĩ rằng những gì đang diễn ra ở Marawi chỉ có thể xảy ra ở Trung Đông, họ không bao giờ nghĩ rằng nó có thể xảy ra ở châu Á”, ông Gunaratna nhấn mạnh./.
Theo