IAEA sẽ giúp Việt Nam xây dựng điện hạt nhân thành công
(Dân trí) -Theo Giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano, Việt Nam cần tham vấn kỹ lưỡng với IAEA về Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và IAEA sẽ bằng mọi cách giúp Việt Nam xây dựng nhà máy này thành công.
Sáng ngày 9/1, Giám đốc IAEA, Yukiya Amano, đã có buổi gặp gỡ báo chí để chia sẻ về chuyến thăm và làm việc của ông tại Việt Nam từ ngày 7-11.
Giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế Yukiya Amano (bên phải) tại buổi họp báo sáng 9/1 tại Hà Nội
Xin ông cho biết mục đích của chuyến thăm Việt Nam lần này?
Ông Yukiya Amano: Trước hết tôi muốn khẳng định rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng của IAEA, điển hình là sự kiện Đại sứ Nguyễn Thiệp được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA niên khóa 2013-2014, cơ quan hoạch định chính sách quan trọng nhất của IAEA.
Mục đích chuyến thăm của tôi lần này là nhằm trao đổi mối quan tâm chung về hợp tác năng lượng hạt nhân với các lãnh đạo của Việt Nam. Tôi cũng đến thăm Bệnh viện Bạch Mai vì Việt Nam đang rất tích cực sử dụng ứng dụng hạt nhân vào điều trị bệnh ung thư.
Tôi cũng tới thăm địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Trong chuyến đi này, tôi đã thảo luận về hợp tác song phương giữa Việt Nam và IAEA. Chúng tôi đã thảo luận và đã xem xét những bước tiến của hợp tác này.
Hiện nay, Việt Nam có nhiều mảng có thể hợp tác với IAEA như dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, hay ứng dụng nguyên tử để quản lý hệ thống tưới tiêu, trừ sâu bọ cho hoa quả, quản lý nước…
Tôi muốn nhấn mạnh rằng hợp tác giữa Việt Nam và IAEA đã và đang rất tốt đẹp. IAEA cam kết sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản năm 2011 diễn ra thế nào, thưa ông. Ông có thể cho biết về xu hướng phát triển điện hạt nhân trên thế giới trong thời gian tới?
Ông Yukiya Amano: Sau sự cố tại nhà máy Fukushima ở Nhật Bản, niềm tin của cộng đồng thế giới vào điện hạt nhân đã suy giảm nghiêm trọng. Chẳng hạn, Đức đã đẩy mạnh để chấm dứt sớm việc sử dụng điện hạt nhân. Rất nhiều người đã nghĩ rằng, điện hạt nhân sẽ không còn tương lai nữa, nhưng bây giờ nhìn lại thì bức tranh đã rất khác so với quan điểm đó. Nhiều nước vẫn đặt niềm tin vào điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng bởi vì điện hạt nhân có một số ưu điểm như không sản sinh ra khí gây hiệu ứng nhà kính. Giá thành cho nhiên liệu điện hạt nhân không thay đổi quá nhiều như giá thành nhiên liệu hóa thạch. Điện hạt nhân cũng cung cấp nguồn điện năng ổn định cho phát triển kinh tế.
Hàng năm, IAEA đều có đánh giá về sự phát triển của điện hạt nhân và theo IAEA dự đoán thì theo tổng công suất điện hạt nhân có thể tăng từ 17%-94% vào năm 2030. Điểm khác biệt trước và sau sự cố Fukushima đó là, đến nay tất cả các nước trên thế giới đều đã hiểu hơn tầm quan trọng của an toàn điện hạt nhân. Tôi đã đi thăm rất nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Nam Phi và tôi thấy rằng tại các nhà máy điện hạt nhân ở các quốc gia này, các chi tiết an toàn được chú trọng nhiều hơn.
Hiện nay, IAEA đang giúp đỡ các quốc gia trong vấn đề an toàn điện hạt nhân và tôi muốn nói rằng các nhà máy điện hạt nhân đã an toàn hơn so với trước sự cố Fukushima.
Trong tương lại, trung tâm phát triển điện hạt nhân sẽ nằm ở Châu Á.
Thưa ông, trong tương lai gần, IAEA sẽ làm gì để giúp đỡ Việt Nam phát triển điện hạt nhân?
Ông Yukiya Amano: Hiện nay trên thế giới có khoảng 30 quốc gia đang sử dụng điện hạt nhân. IAEA sẽ sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia trong việc phát triển điện hạt nhân. Không chỉ Việt Nam và nhiều quốc gia khác cũng chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân. IAEA đã đưa ra một bộ hướng dẫn về cột mốc, theo đó, việc phát triển điện hạt nhân được chia thành 19 hạng mục khác nhau. Bộ hướng dẫn này không mang tính bắt buộc nhưng rất hữu dụng cho các quốc gia mới tham gia phát triển điện hạt nhân. Họ có thể nghiên cứu tài liệu này và bắt đầu quá trình chuẩn bị của mình, ví dụ xây dựng luật về năng lượng nguyên tử, lựa chọn địa điểm, tham gia các công ước quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời các quốc gia này cũng học được nhiều bài học từ các quốc gia khác, hoặc tham vấn IAEA về việc này.
Tôi đã thấy sự cam kết vững chắc của lãnh đạo Việt Nam về phát triển năng lượng hạt nhân; bản thân IAEA khẳng định rằng, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp Việt Nam xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
IAEA có kế hoạch sẽ đưa các đoàn công tác đánh giá tới Việt Nam hàng năm để giúp Việt Nam trong việc phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Trong 2012-2013, ngân sách IAEA dành cho hợp tác kỹ thuật với Việt Nam là khoảng 1 triệu EUR, tập trung vào phát triển cơ sở hạt tầng an toàn cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Ngoài ra, IAEA cũng hỗ trợ Việt Nam thông qua dự án về các quản lý chất lượng thực phẩm cho xuất khẩu, như tăng cường chất lượng của trái Thanh Long cho xuất khẩu…
Ông Yukiya Amano: Đối với một quốc gia mới phát triển điện hạt nhân thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng vững mạnh rất quan trọng. Cơ sở hạ tầng gồm nhiều yếu tố khác nhau: tham gia công ước, điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân, đào tạo con người…Theo tôi, một trong những điểm quan trọng nhất là xây dựng một cơ quan pháp quy, cơ quan có trách nhiệm rà soát về an toàn. Tôi biết rằng hiện nay các bạn đang xem xét sửa đổi luật năng lượng nguyên tử, nhưng tôi muốn nhấn mạnh là các bạn cần xây dựng cơ quan pháp quy độc lập và vững mạnh.
Thứ hai, như chúng ta đã biết, dự án điện hạt nhân là phức tạp, lớn và lâu dài, vì vậy lên kế hoạch và phối hợp giữa các bên là vô cùng quan trọng. Vì vậy các bạn cần phải phối hợp tốt, đề ra cơ chế ưu tiên phù hợp, cái gì trước, cái gì sau. Không chỉ phối hợp với IAEA, Việt Nam cần phối hợp với các quốc gia cung cấp công nghệ điện hạt nhân cho Việt Nam..
Về chữa trị ung thư, gia đình tôi có một bệnh nhân ung thư nên tôi rất quan tâm đến vấn đề này. Theo tôi được biết ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứngthứ hai ở Việt Nam. Ứng dụng của năng lượng nguyên tử như y học hạt nhân hay xạ trị rất hữu hiệu trong chữa trị ung thư và trên thực tế Việt Nam rất quan tâm đến lĩnh vực này. Trong thời gian qua, IAEA đã giúp VN rất nhiều như mua sắm máy móc, đào tạo con người. Tuy nhiên, bệnh ung thư diễn biến và phát triển rất nhanh, do vậy, Việt Nam cần phải cải tiến hơn về công nghệ, đặc biệt là đào tạo nhân lực. Các bạn cần đào tạo được các bác sỹ chuyên khoa về y học hạt nhân.
Theo ông, thông thường một quốc gia chưa có kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân thì sẽ mất bao nhiêu năm để chuẩn bị tốt nhất cho việc khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên?
Ông Yukiya Amano: Bản thân Việt Nam phải tự đánh giá hiện trạng phát triển của mình và so sánh với tài liệu đánh giá của IAEA rồi tham vấn với IAEA để từ đó IAEA có thể đưa ra lời khuyên cho Việt Nam nhằm cải thiện hơn nữa cho việc phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Quá trình tham vấn và hợp tác này mang tính chất liên tục.
Không có một khoảng thời gian cố định nào cho quá trình chuẩn bị phát triển điện hạt nhân. Thông thường thì theo kinh nghiệm sẽ mất từ 10-15 năm kể từ giai đoạn lên kế hoạch. Tuy nhiên đối với một số nước, khoảng thời gian này có thể ngắn hơn so với các quốc gia khác.
Thời gian không phải là vấn đề chính mà làm thế nào phải chuẩn bị tốt nhất. Vì vậy, theo tôi Việt Nam cần tham vấn kỹ lưỡng với IAEA và không nên vội vàng, gấp gáp vì đây là dự án rất lớn so với một quốc gia mới phát triển điện hạt nhân như Việt Nam. Quan trọng hơn nữa là phải phát triển điện hạt nhân một cách bền vững vì Việt Nam sẽ sử dụng nhà máy này hàng thập kỷ.
Các quốc gia thành viên của IAEA được trông đợi là sẽ phải đảm bảo an toàn tối đa cho các nhà máy điện hạt nhân mà họ đang vận hành.
(Ghi)