1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hy Lạp trong vòng xoáy rối ren chính trị

(Dân trí) - Hy Lạp đang lâm vào tình cảnh chính trị rối ren khi không thể thành lập được chính phủ liên minh để thực thi các điều kiện của gói cứu trợ tài chính thứ hai. Điều này có thể sẽ khiến Hy Lạp trở thành nước đầu tiên phải rời khỏi khu vực eurozone.

 
Những ngày qua, bầu không khí ngột ngạt đã đè nặng lên chính trường Hy Lạp khi cả ba chính đảng về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6/5 vừa qua đã không thể đi đến nhất trí về việc thành lập chính phủ liên minh dù thời hạn chót (ngày 17/5) sắp đến.

Điều này đang đặt Athen trước hai lựa chọn khó khăn: hoặc phải tiến hành một cuộc tổng tuyển cử mới, hoặc chính thức tuyên bố phá sản và rút ra khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Nỗ lực khó khăn

Trong nỗ lực vớt vát, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias đã triệu tập lãnh đạo của ba chính đảng, gồm Chủ tịch đảng Dân chủ Mới (ND) Samaras, Chủ tịch Liên minh các lực lượng cực tả (SYRIZA) Alexis Tsipras và Chủ tịch đảng Xã hội Hy Lạp (PASOK) Evangelos Venizelos, đến dinh tổng thống để cùng đàm phán thành lập chính phủ liên minh. 

Hy Lạp trong vòng xoáy rối ren chính trị
Tổng thống Hy Lạp Papoulias chủ trì nỗ lực thành lập chính phủ mới.

Tuy nhiên, nỗ lực phút chót này cũng không đem lại kết quả vì cả 3 chính đảng, lần lượt về nhất, nhì, ba trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, đều khăng khăng bám giữ những quan điểm khác biệt về các biện pháp tài chính khắc khổ mà chính phủ mới ở Hy Lạp sẽ phải thực hiện theo yêu cầu mà châu Âu đặt ra cho gói cứu trợ tài chính thứ hai.

Lãnh đạo đảng SYRIZA, ông Alexis Tsipras, khẳng định đảng của ông sẽ không tham gia bất kỳ chính phủ liên hiệp nào muốn thực thi các điều khoản của thỏa thuận cứu trợ vì cho rằng các điều khoản này quá nghiệt ngã.

“Các biện pháp khắc khổ của gói cứu trợ đã bị chính người dân Hy Lạp lên án qua lá phiếu của mình và không chính phủ nào có quyền tiếp tục thực hiện”,  ông Tsipras cảnh báo.

 "Người dân Hy Lạp đã phải thống khổ để trả lãi lũy kế và giúp làm giàu cho hệ thống ngân hàng tư nhân của Hy Lạp, cũng như của châu Âu", ông John Bournos, người phát ngôn đảng cánh tả SYRIZA, nói thêm.

Các nhà phân tích cho rằng đảng SYRIZA đang đặt hy vọng vào một cuộc tổng tuyển cử khác, sa khi kết quả một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy SYRIZA có thể sẽ nhảy hai bậc để vươn lên vị trí dẫn đầu tại Quốc hội, cho dù vẫn chưa đạt được đa số tuyệt đối.

Trước đó, Tổng thống Papoulias cũng đã lần lượt giao quyền thành lập chính phủ cho lãnh đạo của cả 3 đảng nhưng không đạt được kết quả.

Dự kiến, Tổng thống Papoulias cũng sẽ thảo luận với các đảng bên lề như đảng Bình minh Vàng, một đảng cực hữu chủ trương bài nhập cư để tìm kiếm thêm hy vọng cho cơ hội thành lập chính phủ mới.

 Khả năng tiến hành tổng tuyển cử mới

Nếu nỗ lực thành lập chính phủ liên minh bị sụp đổ hoàn toàn, Tổng thống Papoulias sẽ phải kêu gọi tiến hành một cuộc tổng tuyển cử mới vào tháng 6, nếu như Athen chưa muốn bị đẩy ngay ra khỏi eurozone.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, nếu một cuộc bầu cử được tiến hành, cán cân quyền lực có xu hướng nghiêng về những người theo đường lối phản đối thỏa thuận cứu trợ. Cụ thể, đảng cực tả SYRIZA sẽ có khả năng tập hợp được thêm nhiều lá phiếu để giành được thêm 50 ghế trong quốc hội gồm 300 ghế của nước này.

Hy Lạp trong vòng xoáy rối ren chính trị
 Chủ tịch SYRIZA, ông Alexis Tsipras, người đang kỳ vọng sẽ trở thành Thủ tướng Hy Lạp ở tuổi 38.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hai chính đảng đứng đầu trong Quốc hội là ND và PASOK sẽ bị mất thêm ghế so với mức hiện nay.

Vấn đề đặt ra là, ngay cả khi tổ chức tổng tuyển cử mới, nguy cơ Hy Lạp phải rút khỏi Eurozone cũng vẫn rất cao, vì như trên đã nói, lãnh đạo đảng SYRIZA đã khẳng định sẽ không thành lập hay tham gia bất kỳ chính phủ nào thực thi các biện pháp tài chính khắc khổ.

Đó là chưa kể tới những hệ lụy của việc bầu cử sẽ gây hỗn loạn trên các thị trường tài chính ở cả Hy Lạp và trên toàn châu Âu.

Khi các chính khách Hy Lạp thừa nhận không thể thành lập một chính phủ liên minh ngày 11/5, đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2012 và thị trường chứng khoán của Hy Lạp giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua.

Đâu là giải pháp cho Hy Lạp?

Có thể nói không quá rằng,  Hy Lạp đang trong tình cảnh rối ren chính trị nghiêm trọng do sự chia rẽ sâu sắc giữa các chính đảng trong việc thực thi gói thỏa thuận cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Rối ren nảy sinh kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6/5. Theo đó, do ba đảng ND, PASOK và SYRIZA đạt được số phiếu gần ngang nhau trong cuộc bầu cử nên đã tạo ra sự chia rẽ ở thế cân bằng trong Quốc hội, từ đó tạo ra sự ngáng trở lẫn nhau trong việc thành lập chính phủ liên hiệp.

Cụ thể trong cuộc bầu cử này, số phiếu dành cho PASOK và ND đã giảm xuống chỉ còn 32% so với mức 80% trước đây. Đây là hai đảng từng đóng vai trò chi phối chính trường Hy Lạp trong nhiều năm qua và đã cùng nhau thương lượng về thỏa thuận cứu trợ. Trong khi đó, các đảng nhỏ trước đây, trong đó có SYRIZA, nay lại được nhận thêm nhiều lá phiếu ủng hộ do có quan điểm phản đối thỏa thuận cứu trợ của châu Âu.  

Hy Lạp trong vòng xoáy rối ren chính trị
Cử tri SYRIZA ăn mừng sau khi về nhì trong bầu cử Quốc hội.

Theo thỏa thuận cứu trợ của EU và IMF dành cho Hy Lạp, Athen phải thực hiện các biện pháp giảm lương, tăng thuế, sa thải nhân viên nhà nước, bán bớt các tài sản nhà nước và cải cách luật lao động.

Các nhà lãnh đạo EU cho rằng đây là những biện pháp cần thiết nếu Athen muốn có khả năng thanh toán nợ. Trong khi đó, những người phản đối cho rằng "liều thuốc đắng" này là thất sách, khiến Hy Lạp không thể trỗi dậy từ cuộc suy thoái tồi tệ nhất của khu vực đồng euro.

Trước thực trạng bế tắc tại Hy Lạp hiện nay, giới chức ngân hàng châu Âu đã công khai bày tỏ nguy cơ Athen sẽ phải rời khỏi khu vực đồng euro hiện đang có 17 thành viên.

“Nếu Athen không giữ lời thì đó là sự lựa chọn của họ. Nhưng hậu quả là sẽ không còn cơ sở cho số tiền cứu trợ tiếp theo”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidmann nói.

Hy Lạp trong vòng xoáy rối ren chính trị
Người dân Hy Lạp quay lưng lại với các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Ireland cũng nhận định việc Hy Lạp rời khỏi eurozone có thể sẽ để lại một số hậu quả nặng nề song không đến mức đẩy đồng euro đến chỗ “khai tử”.  

“Viễn cảnh Hy Lạp rời eurozone không nhất thiết khai tử đồng euro, nhưng điều đó không hề hấp dẫn chút nào”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland Patrick Honohan khẳng định.

 Cũng theo ông Honohan, “đây sẽ là một cú sốc lòng tin đối với  toàn bộ khu vực đồng euro. Nó sẽ làm cho các hoạt động trong khối thêm phức tạp đến chừng nào mọi việc lắng xuống”.

Trước đó, hãng tin Bloomberg cũng dẫn lời ông Per Jansson, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, nói rằng các ngân hàng trung ương trên khắp châu Âu đã bắt đầu thảo luận về việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro và làm thế nào để ứng phó với hậu quả của nó.

“Tôi sẽ rất cẩn trọng nếu phỏng đoán rằng quá trình Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro sẽ diễn ra không đau đớn và không có diễn biến phức tạp nào”, ông Per Jansson trả lời một cách thận trọng.

Ở bên trong Hy Lạp, nhật báo Kathimerini có tư tưởng tự do cũng đã lên tiếng cảnh báo người dân về một thảm họa không xa đối với đất nước và  nền kinh tế một khi Athen buộc phải từ bỏ đồng euro để quay lại với đồng drachma trước đây.

Tuy nhiên, bức tranh mầu tối ở Hy Lạp vẫn nổi lên một vài gam sáng khi  Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ của châu Âu Olli Rehn cho rằng khả năng Athen ở lại eurozone chưa phải đã hết.

“Tôi vẫn tin rằng Hy Lạp có thể ở lại khu vực đồng euro và tìm cách đảm bảo rằng họ tôn trọng các cam kết", ông Olli Rehn cho biết, không quên nhấn mạnh thêm rằng nếu Hy Lạp ra khỏi eurozone thì chính họ sẽ bị tổn thương nhiều hơn châu Âu.

Đức Vũ