1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hy Lạp trông chờ điều gì vào tân Thủ tướng trẻ tuổi?

Ông Alexis Tsipras trở thành vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong 150 năm qua và là Thủ tướng đầu tiên ở Hy Lạp tuyên thệ nhậm chức đi ngược lại với truyền thống.

Theo kết quả kiểm phiếu ngày 26/1 sau cuộc bầu cử Hy Lạp, Đảng cánh tả Syriza đã giành 36,37 % số phiếu, vượt xa số phiếu bầu của đảng Dân chủ kiểu mới theo đường lối bảo thủ của Thủ tướng đương nhiệm Antonis Samaras với 28%. Với tỷ lệ này, Đảng Syriza đã giành được 149 ghế trong tổng số 300 ghế ở Quốc hội.
 
Tuy nhiên, vì không giành được đa số 151 ghế cần thiết trong Quốc hội, Đảng Syriza phải “bắt tay” liên kết với đảng Hy Lạp Độc lập (ANEL) để thành lập được chính phủ liên minh theo đường lối dân tộc chủ nghĩa.
Tân Thủ tướng trẻ tuổi nhất của Hy Lạp trong 150 năm qua Alexis Tsipras (ảnh: AFP)
Tân Thủ tướng trẻ tuổi nhất của Hy Lạp trong 150 năm qua Alexis Tsipras (ảnh: AFP)

Cùng ngày, ông Alexis Tsipras (40 tuổi), thủ lĩnh Đảng Syriza, tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp. Như vậy, lãnh đạo Đảng Syriza cánh tả này đã chính thức trở thành vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong 150 năm qua tại xứ sở thần thoại.

Phát biểu tại lễ nhậm chức ở thủ đô Athen trước sự chứng kiến của Tổng thống Karolos Papoulias, ông Tsipras cam kết sẽ nỗ lực hết sức vì lợi ích của người dân và đất nước Hy Lạp.

Tuổi trẻ tài cao, Alexis Tsipras đã khiến nhiều người ngưỡng mộ trước chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hy Lạp lần này. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người đặt câu hỏi rằng Alexis Tsipras thực sự là ai? Người dân Hy Lạp có thể trông chờ điều gì vào tân Thủ tướng của mình?
 
Alexis Tsipras - chính trị gia có nhiều điểm khác biệt
 
Thích đi xe gắn máy hơn là xe hơi limousine, không thích đeo cà vạt, sống trong một căn hộ chung cư của khu vực đông dân cư nhất của Hy Lạp, Tân Thủ tướng Alexis Tsipras có lẽ là một chính trị gia có nhiều điểm khác biệt so với những người khác thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước nhiều tham nhũng này.
 
Tân Thủ tướng trẻ tuổi nhất của Hy Lạp trong 150 năm qua Alexis Tsipras (ảnh: AFP)
Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras có lẽ là một chính trị gia có nhiều điểm khác biệt  (ảnh: AFP)

Ông Alexis Tsipras cũng là Thủ tướng đầu tiên ở Hy Lạp tuyên thệ nhậm chức đi ngược lại với truyền thống. Buổi tuyên thệ của ông Tsipras không có một quyển sách Kinh Thánh nào, không có cành nguyệt quế và nước, cũng như không nhận lời chúc phúc từ các Tổng giám mục.

The Guardian nhận định, có lẽ chính những điều khác biệt này đã khiến cho ông Tsipras có nét hấp dẫn riêng. Tân thủ tướng Hy Lạp cũng đã từng đùa rằng: “Tôi sẽ không đeo cà vạt chỉ để gặp Giáo hoàng… Chắc tôi sẽ đeo nếu chúng ta có thể giảm được nợ”.

Cậu bé Alexis Tsipras được sinh ra vào ngày 28/671974, 4 ngày sau khi chế độ quân sự ở Hy Lạp bị sụp đổ. Trong bối cảnh đất nước Hy Lạp đang ngày càng tàn lụi do chế độ thân hữu, tham nhũng, và thiếu nhân tài, cậu bé Alexis Tsipras đã lớn lên với ước mơ là một kỹ sư trong tương lai.

Năm 1987, cậu bé Alexis Tsipras đã gặp Batziana (người sau này trở thành bạn đời của cậu) tại ngôi trường trung học ở Athens mà họ đã theo học và cuộc đời cậu bước vào bước ngoặt mới. Cô bé Batziana thuyết phục cậu tham gia vào đoàn Thanh niên Cộng sản Hy Lạp năm 1990.
 
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và phu nhân Batziana (ảnh: NDP)
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và phu nhân Batziana (ảnh: NDP)

Kể từ đó, Alexis Tsipras và Batziana luôn đồng hành cùng nhau và trải qua thời học sinh sôi nổi với nhiều hoạt động. Cặp đôi này cũng đã tham gia vào các cuộc biểu tình sinh viên ở Athen trong thời gian cuối thập niên 80 vì thất vọng về công cuộc cải cách giáo dục trong nước.

Sau này, Batziana trở thành người bạn đời của Alexis Tsipras. Bà Batziana cũng chính là hậu phương vững chắc trong các hoạt động chính trị của ông. Câu chuyện tình cảm kéo dài gần 30 năm qua của cặp đôi này khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Bà Batziana tốt nghiệp ngành kỹ sư điện tại Đại học Patras. Bà được báo chí phương Tây miêu tả là một người có ý chí mạnh mẽ và năng động.

Một “Che Guevara” của Hy Lạp

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và phu nhân Batziana (ảnh: NDP)
  Ông Alexis Tsipras bước ra ngoài trong sự chúc mừng của mọi người sau khi Đảng Syriza giành chiến thắng (ảnh: AP)

Theo báo chí phương Tây, người con trai út trong gia đình Tân Thủ tướng Tsipras được đặt tên là “Ernesto” (tên khai sinh của nhà cách mạng Che Guevara). Việc đặt tên cho cậu con trai út như vậy chính là sự vinh danh của ông Tsipras dành cho nhà cách mạng người Argentina: Che Guevara.

Có lẽ vì sự yêu mến Che Guevara, mà trong bản thân ông Tsipras cũng có chút hơi hướng của nhà cách mạng vĩ đại này.

Ở tuổi 34, ông Tsipras đảm nhận chức vụ lãnh đạo của Đảng Syriza vào năm 2008. Đây cũng chính là lúc cuộc khủng hoảng kinh tế của Hy Lạp bước vào giai đoạn căng thẳng nhất.
 
 Ông Tsipras ký vào sổ trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Phủ Tổng thống ở Athen
 Ông Tsipras ký vào sổ trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Phủ Tổng thống ở Athen

Cũng năm đó, vụ việc cảnh sát Hy Lạp đã bắn chết một thiếu niên ở nước này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình khắp đất nước. Ông Tsipras đã lên tiếng ủng hộ những người nổi dậy.

Tuy nhiên, sự lên tiếng này lại gây ra phản ứng ngược. Cuộc bầu cử Hy Lạp tiếp theo, Đảng Syriza chỉ nhận được 4,6% số phiếu bầu- một con số quá thấp, Telegraph cho biết.

Khi cuộc khủng hoảng kinh tế nhấn chìm Hy Lạp vào năm 2010, đất nước vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất, các cử tri bắt đầu nghiêng về phía Đảng Syriza, và lắng nghe Tsipras nhiều hơn.

Ông Tsipras đã cáo buộc chính phủ Hy Lạp lúc bấy giờ cố tình “phủ nhận thực tế”, tuân theo một chính sách “thắt lưng buộc bụng” khắc khổ khiến hơn 1 triệu người thất nghiệp (trong một đất nước chỉ có 11 triệu dân). Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ dưới 25 tuổi là 50%.

Telegraph cho biết thêm, những người phản đối Tsipras, những người thuộc chính phủ liên minh bảo thủ, lúc bấy giờ đã lập luận rằng một chính phủ do Đảng Syriza dẫn đầu sẽ phá vỡ nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” của Hy Lạp, đồng thời có nguy cơ mất đi nguồn tiền trợ cấp của nước này (Để nhận được gói cứu trợ trị giá 320 tỷ euro, cứu nền kinh tế khỏi vỡ nợ, các chủ nợ quốc tế đã cam kết cho Hy Lạp vay với điều kiện nước này phải thực hiện một kế hoạch thắt lưng buộc bụng rất nghiêm ngặt- PV).
 
 Ông Tsipras ký vào sổ trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Phủ Tổng thống ở Athen
 Chiến dịch tranh cử của ông Tsipras được lên kế hoạch khéo léo và rất am hiểu về truyền thông (ảnh: AP)

Nhưng Tsipras lại chỉ ra rằng những người bảo thủ cũng sẽ không thể thực hiện được lời hứa bảo vệ thu nhập của người dân Hy Lạp sau khi áp đặt một loạt các loại thuế trong mấy năm qua.

“Ông ấy (tức Tsipras) rất giỏi làm trệch hướng những lời chỉ trích đối với mình và thường sử dụng lời chỉ trích để tạo nên lợi thế. Chiến dịch tranh cử của ông ấy được lên kế hoạch khéo léo và rất am hiểu về truyền thông”, tiến sĩ Eleni Panagiotarea, một nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện chính sách Eliamep của Hy Lạp nói.

Có lẽ người dân Hy Lạp cũng đã bắt đầu chán ghét chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính quyền, nên sự ủng hộ dành cho Đảng Syriza ngày càng cao. Cuộc bầu cử năm 2015, Đảng Syriza giành chiến thắng với hơn 36% số phiếu bầu.

Nhiều hy vọng đối với tân Thủ tướng Alexis Tsipras

Ông Alexis Tsipras nhậm chức khi Hy Lạp vẫn còn có quá nhiều khó khăn. Các chính sách cắt giảm chi tiêu công, giảm bớt lao động khiến tỷ lệ thất nghiệp ở nước này lên tới mức cao kỷ lục 24,8%. Và hơn ai hết, người dân Hy Lạp đều hy vọng rằng cuộc bầu cử sẽ chọn được Đảng cầm quyền xứng đáng giúp cải thiện tình hình đang rất khó khăn hiện nay.
 
Báo chí đưa tin về chiến thắng của ông Alexis Tsipras (ảnh: AP)
Báo chí đưa tin về chiến thắng của ông Alexis Tsipras (ảnh: AP)

Hiện quốc gia này vẫn đang phải gánh khoản nợ công lên tới 175% GDP cùng với nhiều hệ lụy do cuộc suy thoái kinh tế trong 5 năm qua.

Với chủ trương rõ ràng phản đối chính sách kinh tế hà khắc dài suốt 5 qua tại Hy Lạp, ông Tsipras tuyên bố rằng, trong vài ngày nữa “các kế hoạch khắc khổ sẽ thuộc về quá khứ, một tương lai tốt đẹp có thể bắt đầu từ đây".

Đảng Syriza cũng cam kết sẽ  ngừng cắt giảm lương và chi tiêu công, đồng thời yêu cầu đàm phán lại với các nhà cứu trợ quốc tế là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về những điều kiện của gói cứu trợ tài chính trị giá hàng trăm tỷ Euro.

Một số người dân ở thủ đô Athen bày tỏ: “Tôi đã bỏ phiếu cho người mà tôi tin rằng sẽ giúp đất nước này vượt qua khó khăn và làm điều gì đó cho chúng tôi. Chúng tôi đã chịu quá nhiều khó khăn bởi những chính sách không hợp lòng dân thời gian qua”.
 
Người dân Hy Lạp vui mừng khi biết kết quả bầu cử (ảnh: AP)
Người dân Hy Lạp vui mừng khi biết kết quả bầu cử (ảnh: AP)

“Tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Dù ai được chọn làm Thủ tướng, người đó sẽ phải làm việc vì lợi ích dân tộc. Tôi đã khá mệt mỏi với những lời hứa của các chính trị gia, nhưng dù sao cũng phải chờ xem những gì sẽ xảy ra. Tôi tin vào sự thay đổi”, một người dân Athen khác cho hay.

Tuần trước, Phó Thủ tướng Hy Lạp đồng thời là nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa, Evangelos Venizelos, đã ví như Tân thủ tướng như Harry Potter- người có thể thực hiện những lời hứa mà chỉ có thể tồn tại trong thế giới của tưởng tượng, The Guardian cho hay.

The Guardian cũng viết thêm rằng, tân Thủ tướng Hy Lạp Tsipras chính là sự pha trộn giữa lòng gan dạ và uy tín. Từ một người tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư, không liên quan đến chính trị, giờ đây ông Tsipras đã trở thành đối thủ lớn của EU./.

Theo Phương Chi/VOV.VN