1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hy Lạp đang ngả theo Nga?

Quan hệ giữa Chính phủ Hy Lạp và Nga ngày càng gắn bó, giữa lúc giới chức Athens vẫn bất hòa với các chủ nợ quốc tế về những cải cách cần thực hiện để tránh phá sản.

Theo BBC, dù Hy Lạp có thể đang để mắt đến Moscow như một lá bài mặc cả, song một số người lo ngại nước này sẽ rời khỏi châu Âu, hướng tới một đồng minh "tốt bụng" hơn, một nhà đầu tư và một chủ nợ tiềm năng.

Hy Lạp cần nhiều khoản vay để tránh vỡ nợ khi hạn cứu trợ hết vào cuối tháng 6 tới (Ảnh: Getty)
Hy Lạp cần nhiều khoản vay để tránh vỡ nợ khi hạn cứu trợ hết vào cuối tháng 6 tới (Ảnh: Getty)

Một loạt các thành viên Nội các Hy Lạp sắp tới Moscow. Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ được Tổng thống Vladimir Putin tiếp đón trong tháng 5. Đi cùng ông có đối tác liên minh Panos Kammenos, Bộ trưởng Quốc phòng và là lãnh đạo Đảng Hy Lạp Độc lập cánh hữu.

Thời hạn cứu trợ Liên minh châu Âu (EU) dành cho Hy Lạp sẽ kết thúc vào cuối tháng 6, và Athens sẽ cần thêm các khoản vay mới để tiếp tục vận hành. Và một khoản vay từ Nga, hay từ Trung Quốc, dường như là một lựa chọn ưa thích hơn so với bất kỳ khoản cứu trợ nào của khu vực đồng Euro, vốn đi kèm nhiều biện pháp và yêu cầu cải cách khắt khe.

Hy Lạp có thể trông chờ ở giá khí đốt rẻ hơn dành cho các hộ gia đình, lượng đầu tư và du lịch từ Nga tăng cao để tạo ra một cú huých kinh tế cần thiết.

Đổi lại, Moscow sẽ được coi là một đồng minh thân thiết với một nước có quyền phủ quyết bên trong EU, giữa lúc căng thẳng giữa hai bên đang gia tăng quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraina.

Ý định của tân chính phủ Hy Lạp muốn củng cố quan hệ với Moscow đã hiện rõ ngay khi đảng Syriza cánh tả giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 25/1. Chỉ trong vòng 24 giờ, quan chức đầu tiên tới thăm thủ tướng vừa trúng cử của Hy Lạp là Đại sứ Nga, nhưng mãi hai ngày sau Thủ tướng Đức Angela Merkel mới gửi điện tín chúc mừng.

Ngay khi trở thành Ngoại trưởng, ông Nikos Kotzias đã đặt câu hỏi về cơ sở hợp lý và tính hiệu quả của các lệnh cấm vận mà EU áp lên Nga về vấn đề Ukraina. Và vị Bộ trưởng Quốc phòng cũng tán đồng chủ chương thắt chặt quan hệ với Moscow.

Giống như hầu hết các thành viên của Syriza, hai ông Tsipras và Mr Kotzias khởi nguồn chính trị từ Đảng Cộng sản Hy Lạp thân Nga. Còn ông Kammenos, cùng với nhiều chính trị gia khác có mối quan hệ từ lâu với Nga.

"Tôi cảm giác Chính phủ Hy Lạp đang dùng "lá bài Nga" để cải thiện vị thế mặc cả của mình trong các cuộc thương lượng hiện nay", BBC dẫn lời bình của Manos Karagiannis, chuyên gia về chính sách đối ngoại Nga thuộc Đại học King, London. "Nhưng sẽ rất khó cho Athens tự tách mình ra khỏi EU và NATO".
Ngoại trưởng Nikos Kotzias được chào đón nồng hậu ở Moscow hồi tháng 2 (Ảnh: EPA)
Ngoại trưởng Nikos Kotzias được chào đón nồng hậu ở Moscow hồi tháng 2 (Ảnh: EPA)

Hiện còn quá sớm để khẳng định liệu chính phủ mới ở Hy Lạp có đi ngược lại châm ngôn của chính khách Constantinos Karamanlis nổi tiếng, người từng tuyên bố năm 1976 rằng "Hy Lạp thuộc về phương Tây" hay không.

Tuy nhiên, trụ cột của chính sách đối ngoại Hy Lạp hiện nay đang lung lay do những rạn nứt sâu xa bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài đã 6 năm và ngốn của Hy Lạp 1/4 GDP, một triệu việc làm, và đối với nhiều người nước này là phẩm giá của cả một dân tộc đầy tự hào.

Một số người không xem đường hướng mới chỉ là sự hội tụ lợi ích thoáng qua cho Hy Lạp, đặc biệt khi mà một chính sách thân Nga đang làm hài lòng người dân nước này.

Một cuộc khảo sát toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Pew từ tháng 9/2013 cho thấy, 63% người Hy Lạp có cái nhìn thiện cảm với nước Nga. Còn vào mùa thu năm ngoái, chỉ 23% số người tham gia trả lời tỏ quan điểm tích cực với EU trong cuộc khảo sát của Eurobarometer.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hy Lạp Constantinos Koutras thẳng thắn nói rằng không có gì đáng báo động. "Theo đuổi một chính sách ngoại giao đa chiều không phải là điều cấm kỵ, cũng chẳng phải là một tội ác hay tội lỗi".

Nhưng người chỉ trích cho rằng sẽ không khôn ngoan nếu Hy Lạp đặt quá nhiều kỳ vọng vào Nga. Họ viện dẫn trường hợp của Đảo Síp, sau tất cả thì Nga cũng không ra tay cứu giúp khi nền kinh tế nhỏ bé của nước này bên bờ vực sụp đổ vào năm 2013.

Theo Thanh Hảo
Vietnamnet