1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Hy Lạp cáo buộc Nga can thiệp nội bộ, trục xuất 2 nhà ngoại giao

(Dân trí) - Hy Lạp đã cáo buộc Nga can thiệp vào vấn đề nội bộ nước này, ban hành lệnh trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga và cấm nhập cảnh 2 nhà ngoại giao khác.

(Ảnh minh họa: DW)
(Ảnh minh họa: DW)

Truyền thông Hy Lạp ngày 10/7 đưa tin, Athens đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh 2 nhà ngoại giao Nga đồng thời trục xuất 2 nhà ngoại giao khác.

Hy Lạp cáo buộc các nhà ngoại giao trên dường như có hành động thu thập, phát tán những thông tin nhạy cảm, nhằm ngăn cản thỏa thuận về việc đổi tên của Macedonia mà Hy Lạp và Macedonia vừa ký tháng trước.

Theo đó, phía Hy Lạp đã đưa yêu cầu này tới phía Nga từ ngày 6/7, cho rằng các nhà ngoại giao Nga đã có hành động can thiệp vào tình hình nội bộ của Hy Lạp và phải bị trục xuất về nước.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bỉ hôm qua, Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev cũng cho rằng Nga dường như đứng sau cuộc biểu tình trước tòa nhà cuộc hội nước này.

Theo Guardian, Nga tuyên bố họ sẽ đáp trả lại tương tự với các nhà ngoại giao Hy Lạp đang ở thủ đô Moscow.

Macedonia và Hy Lạp ký thỏa thuận lịch sử vào ngày 17/6, thống nhất đổi tên Macedonia trở thành “Cộng hòa Bắc Macedonia”, nhằm nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài 27 năm qua giữa hai nước này. Từ khi Macedonia tách ra khỏi Nam Tư cũ vào năm 1991, Hy Lạp phản đối cái tên này do trùng với tên một tỉnh ở phía bắc của Athens. Hiện thời, 2 nước đang lên kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào mùa thu năm nay. Nếu đồng thuận, việc đổi tên sẽ chính thức có hiệu lực.

Việc giải quyết cuộc tranh cãi về tên gọi được xem là động thái mở đường để Macedonia có thể gia nhập EU và khối NATO. Từ năm 2008, NATO đã đồng ý rằng họ sẽ mời Macedonia vào khối khi tranh chấp được giải quyết xong.

Thỏa thuận ngày 17/6 đã vấp phải sự phản đối từ phe đối lập ở cả Macedonia và Hy Lạp. Phe đối lập ở Macedonia đang cố gắng ngăn chặn nước này thành lập ủy ban bầu cử cho cuộc trưng cầu dân ý và cáo buộc các chính trị gia có liên quan tới thỏa thuận phạm tội phản quốc. Trong khi đó, đảng đối lập ở Hy Lạp cũng đang tích cực vận động chống lại thỏa thuận trên.

Đây là lần hiếm hoi căng thẳng xảy ra giữa Nga và Hy Lạp do 2 quốc gia vốn có quan hệ nồng ấm từ trước tới nay.

Đức Hoàng

Theo SCMP