1. Dòng sự kiện:
  2. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày
  3. Mỹ thúc đẩy đàm phán về xung đột Ukraine
  4. Động đất mạnh tại Myanmar

Huyền thoại cờ vua Bobby Fischer qua đời

(Dân trí) - Thiên tài lập dị Bobby Fischer, nhà vô địch cờ vua duy nhất của Mỹ thắng nhà vô địch cờ vua của Liên Xô trong thời điểm đỉnh cao của cuộc Chiến tranh lạnh, đã qua đời hôm thứ năm vừa qua, ở tuổi 64.

Mặc dù từng được coi như vị “anh hùng” của Mỹ trong trận chiến cờ vua với Boris Spassky dưới thời chiến tranh lạnh năm 1972, nhưng ông lại sống những năm tháng cuối đời như một kẻ đào tẩu tại Iceland. Người phát ngôn của Fischer cho biết, huyền thoại cờ vua đã qua đời vì đau ốm vào giữa ngày thứ năm vừa qua tại Reykjavik, nơi đã diễn ra trận “quyết chiến” của ông với Boris Spassky 36 năm về trước.

 

Một thời từng được coi là anh hùng dân tộc và được một số người đánh giá là nhân tài cờ vua của mọi thời đại, chàng trai sinh ra ở Chicago này đã có những phản ứng rất khó hiểu với công chúng, bằng những cử chỉ giận dữ, sự hờn dỗi kéo dài hàng thập kỷ, và những ý kiến rất gay gắt.

 

Ba năm sau giành danh hiệu vô địch cờ vua thế giới, Fisher đã trao nó cho nhà vô địch cờ vua Liên Xô Anatoly Karpov, khi từ chối thi đấu bảo vệ danh hiệu của mình.

 

Sau nhiều năm sống trong khủng hoảng, Fischer đã bất chấp lệnh cấm của Mỹ, tiếp tục chơi cờ và đánh bại Spassky một lần nữa tại Yugoslavia trong thời gian diễn ra cuộc chiến Balkan. Đây là trận đấu đã khiến ông phải gặp nhiều khó khăn sau này, và đẩy ông trở thành một kẻ đào tẩu bị các nhà chức trách Mỹ truy nã.

 

Do có nguồn gốc Do Thái  nên Fischer đã tự nhận là nạn nhân của một âm mưu Do Thái.

 

Sau vụ tấn công 11/9/2001, Fisher cho biết muốn nhìn thấy nước Mỹ bị xóa sổ. Ông đã từng phải ngồi tù ở Nhật vài tháng, và trong những năm cuối đời khi Iceland cho phép ông đến đây tị nạn, ông đã sống một cuộc sống ẩn dật.

 

Huyền thoại cờ vua Bobby Fischer qua đời - 1

Fischer (phải) trong trận đấu với Spassky tại Yugoslavia

Chiến thắng của Fischer trước Spassky đã chấm dứt sự thống trị của hệ thống cờ vua dường như bất khả chiến bại của Liên Xô. Từ cuối những năm 1920 đến 1972, Liên Xô luôn nắm giữ danh hiệu vô địch thế giới, ngoại trừ hai năm.

 

Phong cách chơi cờ của Fischer thường rất hiếu chiến. Không giống như nhiều kiện tướng khác, ông luôn luôn cố gắng giành chiến thắng trong mỗi ván cờ, thay vì một ván hòa, thậm chí là ngay cả khi ông chơi với quân đen, không có lợi thế đi trước như quân trắng.

 

Fischer nổi tiếng với sự tính toán theo lôgic toán học, chứ không đơn thuần dựa vào trực giác.

 

Fischer trong mắt các đối thủ

 

 

Nhà vô địch cờ vua của Liên Xô Spassky từng bị Fisher đánh bại hiện đang sống ở Paris. Spassky có ít điều để nói về đối thủ một thời của mình. Khi được hỏi về cảm giác của ông trước tin Fischer qua đời, Spassky nói: “Thật không may cho ông ấy.”

 

Còn nhà cựu vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov ca ngợi Fischer là nhà tiên phong của môn cờ vua: “Chúng ta đã mất một con người lớn”, Kasparov phát biểu tại Mátxcơva. “Ông ấy luôn luôn có một mình… nhưng khi một mình ông ấy đã chứng tỏ rằng con người có khả năng đạt được những tầm cao mới”. Ngoài ra Karpov còn gọi Fischer là “một ông lớn trong làng cờ, với một nhân cách đặc biệt”. Tuy nhiên Karpov cho rằng Fischer đã tránh thi đấu với ông: “Tôi không muốn nói là ông ấy sợ, nhưng ông ấy chắc hẳn đã có cảm giác là ông ấy sẽ thua”.

 

Huyền thoại cờ vua Bobby Fischer qua đời - 2

Phản ứng của Fischer trong trận tái đấu với Spassky

Nhà vô địch cờ vua Viswanathan Anand gọi Fischer là một người lãng mạn: “Ông ấy đã đánh bại được cả một hệ thống”.

 

Kiện tướng cờ vua Nga Mark Taimanov, người đã từng thua Fischer năm 1971 cho biết: “Cả cuộc đời ông ấy bị bàn cờ, cờ vua chi phối, và đó có thể là lý do vì sao ông ấy giỏi đến vậy”. Và Taimanov còn phát hiện ra: “Ông ấy qua đời ở tuổi 64, một con số có tính biểu tượng lớn. Bởi 64 cũng là con số tượng trưng cho bàn cờ”.

 

Sự nghiệp của Fischer

 

Năm 13 tuổi Fischer đã trở thành nhà vô địch cờ vua Mỹ ở cấp thấp. Và năm 14 tuổi, Fischer bảo vệ thành công danh hiệu này. Năm 15 tuổi, Fischer trở thành kiện tướng quốc tế, trong cuộc thi đấu quốc tế đầu tiên của mình ở Yugoslavia. Fischer đã từng liên tục đánh bại 21 kiện tướng, điều mà chưa một người Mỹ nào làm được.

 

Khi đã trở nên nổi tiếng, Fischer cũng trở nên khó đoán hơn. Ông đã bỏ dở cuộc chơi chỉ vì lý do đèn không được sáng, hay điều hòa không được tốt.

 

Huyền thoại cờ vua Bobby Fischer qua đời - 3

Fischer khi rời Nhật đến tị nạn ở Iceland.

Giữa những năm 1960, ông không tham gia hai cuộc xếp loại vô địch thế giới, bởi cho rằng ban tổ chức thiên vị người Nga. Năm 1957, khi nhà tổ chức không đáp ứng yêu cầu về điều kiện điều hòa tốt hơn của anh, Fischer đã giận dữ bỏ dở cuộc thi, để dành thời gian “suy nghĩ”.

 

Rồi Fischer mang tất cả sách vở về cờ vua của mình tới California. Tại đây ông cho biết đã “lên kế hoạch trả thù nếu tôi có quay trở lại”. Và khi luật chơi thay đổi vào năm 1972, Fischer vẫn chứng tỏ được rằng ông luôn luôn chơi tốt.

 

Những sự kiện khiến nhà vô địch cờ vua người Mỹ dành những năm tháng cuối đời của mình ở thành phố mà ông đã có chiến thắng vào năm 1972 cũng rất kỳ lạ. Cho tới những năm 1990, được biết Fischer sống dưới những cái tên giả trong các khách sạn rẻ tiền ở Pasadena, ngoại ô của Los Angeles, dựa vào số tiền bán sách ít ỏi.

 

Sau khi giành chiến thắng trong trận đấu ở Yugoslavia, ông kiếm được 3 triệu USD. Ông đã đi khắp nơi trên thế giới, là nhân vật bị Mỹ truy nã. Sau vụ tấn công 11/9, ông đã “tái xuất” trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Philippine.

 

Năm 2004, ông bị giam ở Nhật vì dùng hộ chiếu đã bị thu hồi. Trong thời gian 8 tháng trong tù, Mỹ đã tìm mọi cách để dẫn độ ông về nước nhưng không thành. Tháng 3/2005, Iceland đã đồng ý cho ông tị nạn.

 

Một người bạn của Fischer cho biết tháng 10 năm ngoái ông đã được đưa tới bệnh viện. Nhưng vì không tin tưởng các bác sỹ, ông đã về nhà và được bạn bè chăm sóc cho đến khi qua đời.

 

Einar Einarsson, người đã đấu tranh để đưa Fischer từ Nhật về Iceland cho biết Fischer thích sống ở Iceland, nhưng đôi lúc, ông vẫn cảm thấy tù túng vì không thể đi đâu được.

 

Một nhà bình luận đã từng nói rằng có một hằng số xuyên suốt cuộc đời Fischer, đó là “cuộc chiến chạy trốn đối với cuộc đua của nhân loại”.

 

Phan Anh

Theo Reuters