1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

“Huy chương vàng” ngoại giao vô giá của Triều Tiên tại Thế vận hội

(Dân trí) - Mặc dù Thế vận hội mùa Đông mới bắt đầu khai mạc nhưng Triều Tiên đã đạt được thành tích quan trọng nhất tại sự kiện thể thao tầm cỡ này, đó là “huy chương vàng” về ngoại giao mà không khoản tiền nào có thể mua được.


Tổng thống Moon Jae-in và bà Kim Yo-jong bắt tay trong cuộc gặp tại phủ tổng thống Hàn Quốc ở Seoul (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Moon Jae-in và bà Kim Yo-jong bắt tay trong cuộc gặp tại phủ tổng thống Hàn Quốc ở Seoul (Ảnh: Reuters)

Huy chương vàng Olympic

Theo ông Kim Sung-han, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc từ năm 2012-2013 và hiện là giảng viên tại Đại học Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, Triều Tiên đã giành được một trong những huy chương quan trọng nhất tại Thế vận hội mùa Đông năm nay, đó là huy chương vàng ngoại giao.

“Triều Tiên rõ ràng đã giành huy chương vàng. Đoàn đại biểu và vận động viên của Triều Tiên đã thu hút mọi sự chú ý. Em gái ông Kim Jong-un đã nở nụ cười thanh lịch trước toàn bộ công chúng Hàn Quốc và thế giới”, ông Kim Sung-han nói với Reuters.

Chỉ trong vòng một tháng kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un khiến cả thế giới bất ngờ bằng tuyên bố sẵn sàng cử đoàn vận động viên Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông do Hàn Quốc đăng cai tổ chức, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đồng ý tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ, đón tiếp trọng thể bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un tại Thế vận hội, và để ngỏ khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương.

Chuyến thăm lịch sử của bà Kim Yo-jong, thành viên đầu tiên trong gia đình họ Kim tới Hàn Quốc từ sau chiến tranh liên Triều (1950-1953), đã thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông. Đi cùng với phái đoàn cấp cao Triều Tiên còn có đông đảo các nghệ sĩ của đoàn nghệ thuật và đội cổ vũ nổi tiếng của Triều Tiên. Các tin tức về em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên và các cô gái Triều Tiên xinh đẹp đã xuất hiện trên khắp các bản tin và trang nhất của nhiều tờ báo toàn cầu.

Theo Giáo sư về an ninh con người và ngoại giao quốc tế Joseph Siracusa tại Đại học RMIT ở Melbourne, Australia, Triều Tiên không có gì để mất với “canh bạc Olympic”. Nhiệm vụ duy nhất của Bình Nhưỡng là tỏ ra không có gì đặc biệt mặc dù nước này từ trước đến nay vẫn là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế.

“Nếu họ tham dự (Thế vận hội) như những người bình thường, nếu họ trông hoàn toàn bình thường và người Hàn Quốc cũng đối xử với họ như thông lệ, đó là chiến thắng ngoại giao lớn của họ”, ông Joseph nói với CNN.

Lịch sử không lặp lại

Khách sạn Ryugyong 105 tầng ở thủ đô Bình Nhưỡng được xây dựng trước thềm Festival Tuổi trẻ Thế giới tại Triều Tiên (Ảnh: Getty)
Khách sạn Ryugyong 105 tầng ở thủ đô Bình Nhưỡng được xây dựng trước thềm Festival Tuổi trẻ Thế giới tại Triều Tiên (Ảnh: Getty)

Trong lần gần nhất Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội cách đây 30 năm, Triều Tiên đã có những tính toán sai lầm khi cố tìm cách chuyển hướng sự tập trung của thế giới khỏi Seoul và cái giá Bình Nhưỡng phải trả là nền kinh tế bị thiệt hại.

Triều Tiên từng rót hàng tỷ USD để tổ chức Festival Tuổi trẻ Thế giới vào tháng 7/1989, một năm sau khi Hàn Quốc đăng cai Thế vận hội mùa Hè. Trước đó, Bình Nhưỡng đã từ chối tham dự Thế vận hội năm 1988 tại Hàn Quốc và kêu gọi quốc tế tẩy chay sự kiện thể thao này nhưng không thành công. Ngay cả các quốc gia bạn bè của Triều Tiên là Nga và Trung Quốc cũng không nghe theo lời kêu gọi của Bình Nhưỡng.

Xuất phát từ mục tiêu biến festival làm cơ hội để quảng bá tinh thần tự lực tự cường, Triều Tiên đã tiếp đón đoàn đại biểu từ hơn 170 quốc gia trong vòng một tuần. Triều Tiên cũng cho xây dựng khách sạn 105 tầng, các nhà ga tàu điện ngầm lát đá cẩm thạch, một công trình giống Khải Hoàn Môn của Pháp và một sân vận động với sức chứa 150.000 chỗ ngồi. Bình Nhưỡng còn nhập khẩu hơn 1.000 chiếc Mercedes Benze để đón tiếp các đoàn khách nước ngoài.

Rốt cuộc, Triều Tiên không nhận được kết quả như mong đợi. Nếu Thế vận hội mùa Hè diễn ra tốt đẹp và trở thành sự kiện đánh dấu kỷ nguyên thành công của Hàn Quốc, festival của Triều Tiên đã đẩy nước này vào tình thế khó khăn ngay trước khi Bức tường Berlin sụp đổ.

Việc Trung Quốc và Liên Xô rút lại các khoản viện trợ lương thực vào đầu những năm 1990, cùng với đó là hậu quả “thảm họa” từ các hợp tác xã tập thể và các trận lụt lớn, đã dẫn tới nạn đói khủng khiếp khiến 2-3 triệu người Triều Tiên thiệt mạng.

Tuy nhiên đó là câu chuyện của 3 thập niên trước đây, còn tại Thế vận hội mùa Đông năm nay, bối cảnh đã thay đổi. Triều Tiên đã thu hút được sự chú ý của dư luận mà không khoản tiền nào có thể mua được.

Ác mộng của Mỹ - Nhật

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ngoài cùng bên phải hàng dưới) ngồi cạnh Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, trong khi bà Kim Yo-jong (thứ hai từ phải qua hàng trên) ngồi ngay sau vợ chồng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (ngoài cùng bên trái hàng dưới) tại lễ khai mạc Thế vận hội. (Ảnh: AP)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ngoài cùng bên phải hàng dưới) ngồi cạnh Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, trong khi bà Kim Yo-jong (thứ hai từ phải qua hàng trên) ngồi ngay sau vợ chồng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (ngoài cùng bên trái hàng dưới) tại lễ khai mạc Thế vận hội. (Ảnh: AP)

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-han nhận định Triều Tiên đã sử dụng Thế vận hội như một cơ hội để chia rẽ khoảng cách giữa Hàn Quốc và đồng minh thân cận của nước này là Mỹ, đồng thời nới lỏng sức ép từ các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế vào Bình Nhưỡng.

Theo Reuters, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có lẽ là người cô đơn nhất trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông hôm 9/2. Ông vẫn ngồi nguyên vị trí khi đoàn vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc diễu hành chung dưới một lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc.

Ngược lại, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người ngồi kế bên ông, đã đứng dậy vỗ tay hưởng ứng cùng bà Kim Yo-jong. Em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam được bố trí ngồi ngay sau tổng thống nước chủ nhà.

Sự thân tình giữa Hàn Quốc và Triều Tiên không chỉ gây ra sự chia rẽ trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ, mà còn đối lập với thái độ lạnh nhạt của Seoul dành cho Nhật Bản - một đồng minh nằm trong nỗ lực của Mỹ nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cho là nhiều lần tỏ ra không thoải mái khi ngồi dự lễ khai mạc Thế vận hội bên cạnh các lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên. Ông Abe cũng thúc giục Tổng thống Moon Jae-in nhanh chóng nối lại các cuộc tập trận Mỹ - Hàn sau khi Thế vận hội kết thúc. Trước đó, để tạo điều kiện cho sự tham gia của phái đoàn Triều Tiên, Hàn Quốc đã nhất trí tạm dừng các cuộc tập trận thường niên với Mỹ trong thời gian diễn ra Thế vận hội.

“Đây không phải thời điểm để hoãn các cuộc tập trận Mỹ - Hàn. Điều quan trọng là cần thúc đẩy các cuộc tập trận này diễn ra theo đúng kế hoạch”, phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc dẫn lời Thủ tướng Abe nói.

Đội cổ vũ Triều Tiên tham dự sự kiện chào mừng tại Thế vận hội mùa Đông ở Hàn Quốc (Ảnh: Reuters)
Đội cổ vũ Triều Tiên tham dự sự kiện chào mừng tại Thế vận hội mùa Đông ở Hàn Quốc (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, sự vội vã của nhà lãnh đạo Nhật Bản đã “chọc giận” Hàn Quốc. Tổng thống Moon Jae-in, người mong muốn xây dựng mối quan hệ hòa hoãn với Triều Tiên, cho biết việc Thủ tướng Abe nêu lên vấn đề này là không phù hợp vì đây là công việc nội bộ của Hàn Quốc.

Nhật Bản không tham gia vào các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc, song nước này nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên và phụ thuộc chặt chẽ vào các lực lượng của Mỹ cũng như khả năng sẵn sàng tác chiến của Mỹ để đối phó với mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

“Diễn biến này là điều có thể đoán trước nhưng đối với Nhật Bản đó vẫn là cơn ác mộng. Triều Tiên đang khéo léo chia tách Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc”, Giáo sư chính trị quốc tế Takashi Kawakami tại Đại học Takushiku ở Tokyo nhận định.

Theo một quan chức quốc phòng Nhật Bản, chiêu “tấn công mềm mỏng” của Triều Tiên tại Thế vận hội có thể chỉ đơn giản là cách để Bình Nhưỡng “câu giờ” trước khi hoàn tất chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Về phần mình, Phó Tổng thống Pence vẫn khẳng định không có sự khác biệt về lập trường giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong việc cô lập Triều Tiên. Ông Pence cho rằng Bình Nhưỡng đang sử dụng Thế vận hội làm cái cớ để tuyên truyền hình ảnh. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ngày 11/2 cho biết hiện vẫn còn quá sớm để có thể nói rằng mối quan hệ hòa dịu giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tiếp tục kéo dài sau Thế vận hội.

Đêm nhạc “lấy nước mắt” của đoàn nghệ thuật Triều Tiên tại Hàn Quốc

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm