1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hungary ra điều kiện, cảnh báo chặn lệnh trừng phạt EU áp lên Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hungary ra điều kiện với EU về việc áp lệnh trừng phạt lên Nga, cảnh báo sẽ chặn nỗ lực của liên minh nhằm gia tăng cấm vận Moscow.

Hungary ra điều kiện, cảnh báo chặn lệnh trừng phạt EU áp lên Nga - 1

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto (Ảnh: AFP).

Hungary có thể chặn các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga nếu các chính sách của liên minh gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của Budapest, Bộ trưởng Ngoại giao Peter Szijjarto cảnh báo.

Ông cho biết Budapest sẽ chỉ thông qua các lệnh trừng phạt nếu EU vẫn giữ nguyên các quyền miễn trừ hiện tại của Hungary đối với nguồn cung năng lượng từ Nga.

EU đã cấm vận chuyển dầu thô của Nga bằng đường biển vào tháng 12/2022 như một phần của chiến dịch trừng phạt quy mô lớn đối với Moscow vì chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc đã yêu cầu được miễn trừ biện pháp này do họ quá phụ thuộc vào Nga nên thiếu nguồn cung thay thế.

"Các lệnh trừng phạt thường được xem xét lại theo chu kỳ 6 tháng, và chừng nào các lệnh trừng phạt còn hiệu lực, các quyền miễn trừ này phải được duy trì, vì nếu không, chúng tôi sẽ phủ quyết các lệnh trừng phạt", ông Szijjarto cho biết.

Ông nhấn mạnh rằng, đối với Hungary, vấn đề nguồn cung năng lượng từ Nga không phải là vấn đề chính trị, mà là vấn đề an ninh năng lượng.

Ngoại trưởng Szijjarto nhắc lại rằng, ngoài việc nhắm mục tiêu vào dầu mỏ của Nga bằng các biện pháp trừng phạt, Brussels cũng đã đặt mục tiêu từ bỏ khí đốt của Nga vào năm 2028 như một phần của kế hoạch REPowerEU. Ông cho rằng kế hoạch này là một quyết định "hoàn toàn phi lý" và có động cơ chính trị.

"Cách tiếp cận này không thực tế, không tính đến khả năng cạnh tranh kinh tế và quá trình chuyển đổi xanh. Đây hoàn toàn là một cam kết chính trị, và việc đưa ra các cam kết chính trị trong lĩnh vực năng lượng đơn giản là không có ý nghĩa", ông nói, nhấn mạnh cách tiếp cận của EU về vấn đề này không khả thi với Hungary.

"Bạn thay thế một nguồn năng lượng trong 2 trường hợp - trường hợp thứ nhất là nếu bạn không hài lòng với sự hợp tác và trường hợp thứ hai là nếu bạn nhận được lời chào hàng tốt hơn. Vậy tại sao chúng ta lại thay đổi nguồn cung năng lượng dựa trên sự hợp tác đáng tin cậy (từ Nga) thành thứ gì đó không chắc chắn mà lại còn đắt đỏ hơn?", ông Szijjarto lập luận, ám chỉ đến những nỗ lực của EU nhằm tìm nguồn cung thay thế từ Mỹ và Trung Đông.

Theo RT