1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hungary phản đối dùng tài sản bị đóng băng của Nga mua vũ khí cho Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Báo DW ngày 21/3 dẫn các nguồn tin cho biết, chính phủ Hungary phản đối việc Liên minh châu Âu (EU) tính lấy 90% lợi nhuận từ tài sản phong tỏa Nga mua vũ khí cho Ukraine.

Hungary phản đối dùng tài sản bị đóng băng của Nga mua vũ khí cho Ukraine - 1

Siêu du thuyền Amore Vero của một tỷ phú Nga bị Pháp tịch thu (Ảnh: Bloomberg).

Theo nguồn tin này, phía Hungary đã nhấn mạnh rằng, số tiền này có thể được sử dụng vào bất cứ mục đích gì, ngoại trừ mua vũ khí cho Ukraine.

Hôm 20/3, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đề xuất chuyển cho Ukraine khoản lợi nhuận từ 2,5 đến 3 tỷ euro (2,7-3,3 tỷ USD) mỗi năm được tạo ra từ tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng ở châu Âu sau khi chiến sự Moscow - Kiev bùng phát.

Khoảng 90% được đề xuất sẽ chuyển qua một quỹ để mua vũ khí cho Ukraine. Phần còn lại sẽ được sử dụng cho nỗ lực phục hồi và tái thiết.

Số tiền chính xác mà Kiev có được mỗi năm sẽ phụ thuộc vào lãi suất toàn cầu vì lợi nhuận là tiền lãi từ khoảng 210 tỷ euro tài sản của ngân hàng trung ương Nga được nắm giữ bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau ở 27 quốc gia EU.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với sự phản đối của Hungary, đề xuất này của EC khó có thể được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh EU, diễn ra từ ngày 21/3, giờ địa phương.

Tại hội nghị lần này của EU, còn có một "vấn đề gây tranh cãi" khác trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh chính là cuộc thảo luận về việc mở rộng EU.

Các nhà lãnh đạo EU ủng hộ việc bắt đầu đàm phán về việc Ukraine và Moldova gia nhập liên minh này vào tháng 12/2023. Để bắt đầu đàm phán, các quốc gia thành viên EU phải phê duyệt các khuôn khổ đàm phán do EC đệ trình, đóng vai trò là lộ trình cho quá trình gia nhập.

Họ cũng cần tổ chức một cuộc họp của hội nghị liên chính phủ, một cơ quan được thành lập đặc biệt sẽ trực tiếp tiến hành các cuộc đàm phán. Cả hai quyết định này đều cần có sự ủng hộ nhất trí của tất cả 27 thành viên.

Vì vậy có khả năng rất cao là hai quyết định này sẽ không được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh lần này. "Có những quốc gia thành viên phản đối việc bắt đầu đàm phán với Ukraine và Moldova dưới thời Chủ tịch EU của Bỉ", nguồn tin cho biết.

Chiếc ghế Chủ tịch EU của Bỉ sẽ kéo dài đến ngày 1/7 tới và sau đó Hungary sẽ đảm nhận vai trò này.

Theo Pravda

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm