Hủ tục đằng sau vụ vứt 21 xác trẻ sơ sinh trên sông
(Dân trí) - “Tục” bỏ rơi trẻ sơ sinh bị chết ở vùng nông thôn Trung Quốc, do chúng bị xem là điềm gở, có thể đóng vai trò lớn trong vụ 21 xác em nhỏ bị vứt bỏ trên sông gây xôn xao dư luận mới đây.
Các xác chết được nhét trong các túi ni lông màu vàng đề chữ “rác thải y tế” đã được tìm thấy trôi nổi trên sông và dạt vào bờ ở ngoại ô thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông cuối tuần qua.
Cảnh sát đã bắt giữ 2 nhân viên nhà xác của bệnh viện Đại học Y Tế Ninh. Những người này được gia đình các em bé trả tiền để “giải quyết” các xác chết.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao các bậc cha mẹ của những em bé đã chết này lại bỏ lại xác của các em.
Theo tờ Qilu Evening News, có trụ sở tại Sơn Đông, thông thường, các bệnh viện kêu gọi gia đình mang xác các em về. Tuy nhiên, cái chết của một đứa trẻ lại bị coi là điềm gở đối với một số gia đình tại vùng nông thôn và xác của các em thường bị bỏ rơi hoặc được chôn trong các nấm mồ vô danh.
“Theo tục ở một số nơi, những đứa trẻ sơ sinh bị chết không được coi là một thành viên của gia đình và sẽ không được chôn cất trong các nấm mộ của gia đình”, Cao Yongfu, giảng viên Viện đạo đức y tế của Đại học Sơn Đông, cho hay.
Tân Hoa xã dẫn lời ông Ma Guanghai, phó chủ nhiệm Trường phát triển triết học và xã hội của Đại học Sơn Đông, cho hay một số gia đình muốn bỏ xác chết tại bệnh viện hoặc trả tiền cho ai đó chôn cất.
Ngoài ra, còn có một số tập tục cực đoan hơn ở các địa phương. Khi một em bé bị chết, gia đình còn đốt cả quần áo, ảnh, đồ chơi của các em, bất kỳ thứ gì khiến họ nhớ đến đứa trẻ. Tập tục này bắt nguồn từ xa xưa, khi tỉ lệ trẻ tử vong cao.
Mặc dù vụ việc khiến công chúng bị sốc, nhưng ông Cao cho rằng vấn đề cấp bách hơn hiện nay là phải xây dựng những quy định rõ ràng về việc xử lý xác trẻ sơ sinh và bào nhi.
“Điều cần thiết cho Trung Quốc là phải đưa ra hướng dẫn về cách xử lý đối với xác trẻ sơ sinh và bào nhi, nếu không sẽ còn tồn tại lỗ hổng trong công tác quản lý ở bệnh viện”, ông cho hay.
Phan Anh
Theo AP