Houthi tấn công các tàu ở Biển Đỏ, nguy cơ xung đột Trung Đông lan rộng
(Dân trí) - Nguy cơ xung đột ở Trung Đông liên quan chiến sự Israel -Hamas leo thang đáng lo ngại sau khi nhóm Houthi bất ngờ tấn công tàu thương mại ở Biển Đỏ, vụ việc mà Mỹ cáo buộc do Iran đứng đằng sau.
Nhóm Houthi tại Yemen hôm 3/12 tiến hành một loạt cuộc tấn công vào các tàu thuyền thương mại ở Biển Đỏ, cũng như phóng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa nhằm vào Israel.
Mặc dù không phải là vụ tấn công đầu tiên thuộc kiểu này, nhưng các cuộc tấn công mới nhất bằng tên lửa đạn đạo vào 3 tàu chở hàng rời ở Biển Đỏ của nhóm Houthi ở Yemen đánh dấu sự leo thang đáng kể về rủi ro đối với hoạt động vận tải thương mại trong khu vực.
Quân đội Mỹ cũng đã lên tiếng xác nhận, 3 tàu thương mại gồm Unity Explorer, Number 9 và Sophie II đã bị tấn công trong vùng biển quốc tế ở phía Nam Biển Đỏ. Thủy thủ đoàn của những chiếc tàu này đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.
May mắn thay, các cuộc tấn công được thực hiện vào các thời điểm khác nhau trong ngày đã không gây thương tích và thiệt hại tương đối nhỏ cho ba con tàu Unity Explorer, Number 9 và Sophie II. Theo các nguồn tin, tàu Unity Explorer bị trúng tên lửa đã báo cáo bị thiệt hại nhỏ do tên lửa gây ra. Hai tàu Number 9 và Sophie II, cũng bị trúng tên lửa, trong đó tàu Number 9 báo cáo có một số thiệt hại, nhưng không có thương vong, còn tàu Sophie II báo cáo không có thiệt hại đáng kể.
Theo Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Carney đã bắn hạ một UAV đang lao về phía nó, mặc dù không rõ liệu chiếc tàu chiến này có phải là mục tiêu hay không. Đáp lại cuộc gọi khẩn cấp của tàu thương mại Unity Explorer, tàu khu trục USS Carney cũng đã bắn hạ thêm một UAV khác đang lao về phía mình.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ ra tuyên bố cho biết đang xem xét "các phản ứng thích hợp" đối với các cuộc tấn công này, cũng như đe dọa thương mại quốc tế và an ninh hàng hải, đã gây nguy hiểm đến tính mạng của thủy thủ đoàn từ một số quốc gia.
Điểm đáng chú ý trong tuyên bố của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ là cuộc tấn công này do Houthi gây ra và nhóm đã nhận hoàn toàn trách nhiệm nhưng lại đề cập tới cả Iran.
Nguy cơ làn sóng tấn công có thể tiếp diễn
Cách diễn đạt cẩn thận như vậy phản ánh thực tế rằng mặc dù tên lửa có thể do Iran cung cấp và đứng sau hỗ trợ, nhóm Houthi có thể đã hành động theo ý mình. Động thái này phản ánh một thực tế rằng, chắc chắn là ngày càng sẽ có nhiều cuộc tấn công như vậy xảy ra.
Emile Hokayem, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) về cách Iran sử dụng lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, nói rằng các cuộc tấn công thể hiện cơ hội chiến lược cho Houthi theo một số cách.
Thứ nhất là bằng cách liên kết chúng với các cuộc tấn công của Israel vào Hamas ở Gaza, nhóm Houthi có thể cải thiện vị thế trong thế giới Ả Rập, nơi cán cân ủng hộ vẫn nghiêng về Palestine. Các cuộc tấn công cho phép Houthi chứng minh điều mà họ luôn tuyên bố: đứng về phía những người bị áp bức và hơn nữa là họ có thể tấn công các mục tiêu khác ngoài Ả Rập Xê Út.
Thứ hai là Houthi muốn gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng Biển Đỏ hiện nay, nói rộng ra, là một sân khấu hợp pháp cho cuộc đấu tranh chống lại Israel và rằng họ sẵn sàng truy đuổi các tàu chiến và tàu thương mại của Mỹ có thể có mối quan hệ nào đó với Israel, dù rất mong manh. Sự phức tạp của các cuộc tấn công cũng cho thấy nhóm Houthi còn lâu mới trở thành kiểu lực lượng gây rối như Mỹ và phương Tây thường cáo buộc.
Fabian Hinz, chuyên gia về tên lửa và UAV Trung Đông cũng thuộc IISS, nói rằng lực lượng Houthi đã nhận được một số lượng lớn tên lửa chống hạm và UAV từ Iran. Họ cũng đã tịch thu và cải tiến một số vũ khí thu giữ được từ quân đội Yemen.
Theo các nguồn tin quân sự, Houthi có ít nhất 10 tên lửa chống hạm khác nhau trong kho vũ khí bao gồm cả tên lửa loại Exocet bay lướt trên biển dựa trên thiết kế của Trung Quốc, chẳng hạn như al-Mandab 1 và 2, có khả năng thu tín hiệu radar và có tầm bắn khoảng 120km. Họ cũng có tên lửa hành trình Quds và Sayad, với tầm bắn lên tới 800km và các thiết bị tìm kiếm radar, hồng ngoại hoặc quang điện để xác định mục tiêu.
Ngoài ra, Houthi còn có một kho tên lửa đạn đạo chống hạm được sản xuất trong nước và cả các tên lửa tầm xa và nặng hơn nhiều như Asef và Tankil. Họ còn có tên lửa Raad-500, mang đầu đạn nặng 300kg và được thiết kế để bắn trúng tàu chiến ở khoảng cách tới 500km. Xét theo thiệt hại nhỏ được báo cáo từ các cuộc tấn công mới nhất, có vẻ như Houthi đã sử dụng các tên lửa nhỏ hơn trong các cuộc tấn công hôm 3/12.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, nhóm Houthi có năng lực quân sự, cũng như quy mô và tính đa dạng của kho tên lửa chống tàu rất tiềm năng đủ để thực hiện các cuộc tấn công ở eo biển Bab al-Mandab, chạy qua bờ biển Yemen và là điểm thắt cổ của Biển Đỏ.
Mặc dù Yemen không phải là địa điểm lý tưởng để tấn công Israel nhưng đây lại là nơi hoàn hảo để tấn công tàu bè ở Biển Đỏ. Tăng cường cho kho vũ khí này là nhiều loại UAV tấn công của Iran, bao gồm cả Shahed 136 mà Nga đang sử dụng để chống lại Ukraine.
Đối với những chiếc UAV đã bị tàu Mỹ bắn hạ, ông Hinz cho rằng, đây có thể là những chiếc máy bay do thám và tình báo mà Iran đã sao chép từ RQ-21 của Mỹ. Ngoài UAV, Houthi còn có UAV của hải quân và khả năng rải mìn.
Đã có những câu hỏi về việc liệu các tàu chiến Mỹ trong khu vực có gặp nhiều rủi ro trước tên lửa của Houthi hay không. Câu trả lời đơn giản là có vì khả năng phòng thủ của Washington rất tốt. Nhưng vấn đề khác là liệu những con tàu của Mỹ có đảm bảo an toàn cho vận chuyển thương mại hay không, nếu Houthi tăng tần suất và mức độ tấn công.
Trong những trường hợp đó, áp lực ngày càng tăng đối với Mỹ trong việc truy lùng các địa điểm phóng và kho cất giữ tên lửa ở Yemen, giả sử có thể dễ dàng tìm thấy chúng.