Hong Kong sẽ thiệt hại lớn nếu bị Mỹ tước vị thế đặc biệt
(Dân trí) - Viễn cảnh Mỹ rút vị thế đặc biệt dành cho Hong Kong có thể chưa lập tức gây tác động lớn đến đặc khu này, nhưng hệ quả sẽ thể hiện trong thời gian dài.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông đã chỉ đạo chính quyền bắt đầu quá trình tước quy chế ưu đãi đặc biệt dành cho Hong Kong để đáp trả việc Trung Quốc theo đuổi dự luật an ninh mới cho đặc khu này.
Giới chuyên gia cho rằng, mất vị thế đặc biệt tuy chưa khiến doanh nghiệp phương Tây ồ ạt rút khỏi Hong Kong, song có thể làm suy yếu hơn nữa vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Hong Kong.
Trong tuần này, phát biểu trước quốc hội Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, chính phủ của Tổng thống Donald Trump coi Hong Kong không còn tự chủ với Trung Quốc. Đánh giá này tuy chưa thể làm thay đổi ngay lập tức quy chế ưu đãi kinh tế, thương mại đặc biệt mà Mỹ dành cho Hong Kong nhưng là tín hiệu cho thấy Washington có thể tước bỏ quy chế từ năm 1992 này.
Đó là quy chế từng mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Hong Kong. Ví dụ, trong giai đoạn thương chiến Mỹ - Trung, Hong Kong vẫn tránh được các biện pháp trừng phạt thuế quan mà Washington áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Không chỉ là vấn đề thương mại
"Hong Kong trở thành một trong những chiến trường mới cho cuộc chiến quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. Thương mại chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện", Ronald Wan giám đốc điều hành công ty dịch vụ tài chính Partners Capital International có trụ sở tại Hong Kong nhận định.
Mỹ nhập khẩu gần 17 tỷ USD hàng hóa, dịch vụ từ Hong Kong năm 2018, trong khi xuất khẩu 50 tỷ USD - một con số nhỏ so với gần 740 tỷ USD giao dịch hàng hóa, dịch vụ giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm đó. Áp thuế quan lên hàng hóa của Hong Kong như với hàng hóa của Trung Quốc đại lục sẽ ít tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Hong Kong bởi đây chỉ là thị trường xuất khẩu nhỏ với Mỹ, các chuyên gia của Eurasia Group nhận định. Họ cũng cho rằng, Mỹ sẽ không cắt hoàn toàn quan hệ với Hong Kong.
Các chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư vào Hong Kong, coi đó là cửa để tiếp cận khu vực. Mất vị thế đặc biệt sẽ tác động đến Hong Kong nhiều hơn là đến Bắc Kinh và sẽ gây sức ép hơn nữa lên nền kinh tế của đặc khu trong khi ít gây tác động dài hạn đến các kế hoạch của Bắc Kinh.
Theo Capital Economics, một rủi ro đáng lo ngại hơn là, nếu Hong Kong bị tước vị thế đặc biệt, Washington có thể hạn chế Hong Kong tiếp cận các công nghệ nhạy cảm của Mỹ và sẽ tước đi một trong những lợi thế đặc biệt từng khiến Hong Kong trở thành điểm đến hấp dẫn doanh nghiệp. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại lớn hơn: Nếu Mỹ bắt đầu đối xử với Hong Kong như với Trung Quốc về khía cạnh thương mại, cuối cùng Washington có thể sẽ xét lại toàn bộ mối quan hệ với Hong Kong.
“Những tác động trong ngắn hạn có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, nó (nguy cơ bị tước vị thế đặc biệt) sẽ làm suy yếu dần vị thế trung tâm kinh doanh toàn cầu của Hong Kong”, các chuyên gia phân tích của Capital Economics nhận định.
Biến động phía trước
Có một số dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về tình hình ở đặc khu hành chính Hong Kong do các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình dai dẳng nhiều tháng qua. Chỉ số Hang Seng trên thị trường chứng khoán Hong Kong tuần trước đã có phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 2015 sau thông tin về dự luật an ninh.
“Chúng tôi dự đoán sẽ có những biến động phía trước khi mối quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục xấu đi”, các chiến lược gia tại công ty tài chính Brown Brothers Harriman nhận định. Các chuyên gia cảnh báo, đô la Hong Kong có thể đối mặt với sức ép. Nếu đô la Hong Kong mất giá, lãi suất có thể tăng, và có thể khiến các nhà đầu tư chuyển hướng dòng vốn ra khỏi đặc khu.
“Biến động với đô la Hong Kong sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế”, giới chuyên gia nhận xét. Giới phân tích tại Citigroup cũng cho rằng, sự bất ổn đó có thể kéo theo việc các doanh nghiệp nước ngoài không còn coi Hong Kong là địa điểm thích hợp cho hoạt động kinh doanh của họ ở châu Á. “Các khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đã sẵn sàng giảm quy mô đầu tư vào Hong Kong”, theo Capital Economics.
Các chuyên gia phân tích của Eurasia Group cho rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ sẽ chưa vội vàng trừng phạt Hong Kong theo cách mà có thể ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính như gây trở ngại cho Hong Kong về các giao dịch bằng đô la Mỹ. “Các doanh nghiệp sẽ chuyển hướng đầu tư. Dòng vốn có thể tháo chạy (khỏi Hong Kong), nhưng có thể phải vài năm”, chuyên gia Ronald Wan nói.
Mặc dù các doanh nghiệp Mỹ vẫn “đang đánh giá tình hình” ở Hong Kong song điều đó không có nghĩa họ sẽ vội vã tháo chạy, Tara Joseph, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong, nhận xét. Theo các chuyên gia của Eurasia Group, Bắc Kinh dường như cũng đã đánh giá về tác động này khi đưa ra dự luật an ninh với Hong Kong. “Giới chức Trung Quốc dường như đã đánh giá rằng đa số các doanh nghiệp sẽ chưa rời Hong Kong và bất cứ rủi ro nào với các yếu tố chính của hệ thống tài chính Hong Kong đều có thể kiểm soát được”, các chuyên gia nhận định.
Minh Phương
Tổng hợp