Hơn 700 người chết vì virus corona, Vũ Hán căng thẳng “như thời chiến”
(Dân trí) - Các nhà chức trách tại “tâm dịch” Vũ Hán vẫn đang siết chặt kiểm soát hoạt động của người dân và xem cuộc khủng hoảng dịch bệnh ngày càng trầm trọng tại Trung Quốc như bối cảnh “thời chiến”.
Các nhà chức trách tại thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, đã bắt đầu đi gõ cửa từng nhà, kiểm tra nhiệt độ của những người nghi nhiễm virus corona chủng mới để cách ly họ trong các sân vận động hay trung tâm triển lãm - nơi đang được sử dụng để làm chỗ lưu trú cho những người nhiễm bệnh.
Trong một chuyến thăm tới Vũ Hán, Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan, quan chức phụ trách chiến dịch quốc gia chống virus corona, cho biết thành phố Vũ Hán và đất nước Trung Quốc đang đối mặt với “các điều kiện thời chiến”.
"Chúng ta cần thiết lập một hệ thống làm việc 24 giờ. Dưới những điều kiện thời chiến như hiện nay, không ai được phép đào ngũ, nếu không họ sẽ mang nỗi nhục đến muôn đời sau", bà Tôn Xuân Lan cảnh báo.
Hơn 34.500 người đã bị nhiễm virus corona chủng mới trên toàn thế giới, trong đó phần lớn ở Trung Quốc và 2/3 trong số họ ở Vũ Hán và khu vực lân cận tỉnh Hồ Bắc. 722 người đã thiệt mạng vì virus này, trong đó chỉ có 2 người bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Phát hiện một chủng virus corona trong loài tê tê
Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết dựa trên phân tích về gen, họ đã phát hiện nguồn cơn khởi phát dịch corona là từ động vật. Tuy nhiên, họ vẫn chưa công bố kết quả nghiên cứu này.
Virus corona chủng mới được cho là bắt nguồn từ loài dơi, nhưng chuyển qua một vật chủ trung gian trước khi lây nhiễm cho con người. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một chủng virus corona trong loài tê tê, và chủng này giống 99% với virus đang gây ra dịch viêm phổi cấp hiện nay.
Tê tê với lớp vảy cứng được xem là động vật quý hiếm, tuy nhiên chúng vẫn bị săn bắt để sử dụng làm thực phẩm hay dùng trong y học Trung Quốc.
Tổ chức Y tế Thế giới ngày 7/2 đã tỏ ra lạc quan khi số ca nhiễm virus mới giảm trong ngày thứ hai liên tiếp. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy đã có sự tiến triển trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, chuyến đi bất ngờ của Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan tới Vũ Hán nhằm tăng cường những nỗ lực ứng phó dịch bệnh ngay tại nơi được xem là “ổ dịch”, cũng như những cam kết giúp đỡ bổ sung từ chính quyền Trung Quốc, cho thấy giới chức Trung Quốc vẫn lo sợ về việc chưa thể kiểm soát dịch bệnh.
Tại cuộc họp do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì, các quan chức hàng đầu đã nhất trí rằng, những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trên toàn tỉnh Hồ Bắc nên được tiếp tục đẩy mạnh, bao gồm nỗ lực gia tăng giường bệnh và nhân viên y tế.
Theo thống kê của New York Times, tỷ lệ tử vong do virus corona tại Vũ Hán là 4,1%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 2,8% tại tỉnh Hồ Bắc và khoảng 2% trên cả nước Trung Quốc.
Một số người dân Vũ Hán lo sợ rằng, họ đang phải “hy sinh” cho cả đất nước khi lệnh phong tỏa được áp đặt với thành phố này. Mới đây, cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên đưa ra cảnh báo về dịch corona nhưng bị cảnh sát Trung Quốc xử phạt vì tung tin thất thiệt, đã làm dấy lên làn sóng giận dữ trên cả nước.
Các hoạt động bị đình trệ
Sau hai tuần rơi vào khủng hoảng dịch bệnh, rõ ràng Trung Quốc không thể đóng cửa toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh tại nước này.
Khi quy mô bùng phát dịch corona được công bố lần đầu tiên hồi giữa tháng 1, Trung Quốc đang ở trong kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm - Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, sau khi hàng loạt lễ hội, vốn mang lại nguồn thu đáng kể cho ngành bán lẻ và dịch vụ, bị hủy bỏ do dịch corona, và kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài thêm một tuần, chi phí từ việc đóng cửa các cửa hàng, nhà máy, nhà hàng và doanh nghiệp tại Trung Quốc bắt đầu leo thang.
Các doanh nghiệp nhỏ đã lên tiếng cảnh báo về mọi vấn đề, từ việc nuôi gia súc, trả tiền thuê mặt bằng, hay trả lương cho nhân viên khi các cửa hàng không thể kinh doanh.
Tác động của việc phong tỏa do dịch corona cũng được cảm nhận ở bên ngoài biên giới Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã “ăn sâu” vào các thị trường toàn cầu.
Hãng ôtô Hyundai đã lên kế hoạch đình chỉ sản xuất tại Hàn Quốc vì nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc bị gián đoạn do sự bùng phát của dịch corona. Hàn Quốc là cơ sở sản xuất lớn nhất của Hyundai.
Các nhà chức trách Trung Quốc ban đầu có lẽ cũng chỉ lên kế hoạch cách ly trong khoảng thời gian ngắn, với hy vọng dịch corona cũng có thể nằm trong tầm kiểm soát như dịch Sars cách đây hơn 10 năm.
Tuy nhiên rõ ràng, Trung Quốc không thể ngăn phần lớn người dân nước này quay trở lại làm việc. Một cuộc họp gồm các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã kêu gọi các doanh nghiệp “nối lại hoạt động kinh doanh theo cách có trật tự”.
Giới chức Trung Quốc đề xuất các phương án phù hợp cho các doanh nghiệp để giảm nguy cơ lây nhiễm virus, bao gồm làm việc từ xa hay sắp xếp ca làm việc chéo nhau. Foxconn, công ty điện tử cung cấp linh kiện cho Apple, bắt đầu tự sản xuất khẩu trang y tế của hãng này, tạo điều kiện để các công nhân Trung Quốc làm việc liên tục.
Khi người dân bắt đầu ồ ạt quay trở về nhà, Trung Quốc đã đặt ra những quy định đặc biệt đối với việc di chuyển bằng tàu hỏa và máy bay để làm giảm nguy cơ lây nhiễm virus.
Số vé bán ra bị giới hạn chỉ bằng một nửa so với số lượng thông thường, nhằm cho phép hành khách có thể ngồi cách xa nhau để tránh nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, các điểm kiểm tra thân nhiệt và khu vực cách ly tại các nhà ga tàu hỏa cũng được tăng cường thêm.
Nỗ lực đưa người dân quay trở lại làm việc trở nên phức tạp hơn, do các vấn đề liên quan tới việc chăm sóc trẻ em khi các trường học vẫn chưa mở cửa trở lại. Giới chức Trung Quốc chỉ thông báo rằng, họ nên tạm hoãn việc bắt đầu kỳ học mới theo cách phù hợp.
Trong khi đó, các khu vực bên ngoài Trung Quốc cũng đang cho thấy những dấu hiệu lo ngại về dịch bệnh. Hong Kong thông báo xử phạt, thậm chí bỏ tù tới 6 tháng bất kỳ ai vi phạm quy định về cách ly. Singapore cũng nâng mức cảnh báo dịch corona, khiến người dân nước này đổ xô mua đồ tích trữ.
Thành Đạt
Theo Guardian