1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hơn 10.000 người chết vì Covid-19 mỗi ngày

Thành Đạt

(Dân trí) - Hơn 1,5 triệu người đã tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới, trong khi một số quốc gia phát triển đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc xin trên quy mô lớn.

Hơn 10.000 người chết vì Covid-19 mỗi ngày - 1

Nhân viên y tế và nhà tang lễ chuyển thi thể một bệnh nhân tại thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: AP)

Theo Reuters, tính đến nay thế giới đã ghi nhận hơn 1,5 triệu người tử vong vì Covid-19, và tính theo trung bình hàng tuần, cứ 9 giây sẽ có một người chết.

Khoảng nửa triệu ca tử vong vì Covid-19 đã được ghi nhận chỉ trong 2 tháng qua. Con số này là dấu hiệu cho thấy đại dịch vẫn diễn biến rất phức tạp và thế giới vẫn chưa bước qua giai đoạn bùng phát dịch nghiêm trọng.

Gần 65 triệu người trên toàn thế giới đã nhiễm vi rút corona gây đại dịch Covid-19. Mỹ, nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vẫn đang chiến đấu với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3.

Chỉ tính riêng trong tuần trước, trung bình mỗi ngày có hơn 10.000 người trên thế giới chết vì Covid-19 và con số này đều tăng lên mỗi tuần.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải chiến đấu với làn sóng Covid-19 thứ 2 và thứ 3, thậm chí còn nghiêm trọng hơn làn sóng thứ nhất. Tình hình này buộc các nước phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Mỹ vẫn tiếp tục là nước dẫn đầu thế giới về số ca tử vong vì Covid-19, với hơn 273.000 người chết.

Khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latinh chiếm hơn 50% tổng số ca tử vong vì Covid-19 toàn cầu. Số người chết tại Mỹ Latinh, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới xét về số ca tử vong, gần đây đã vượt 450.000 người.

Robert Redfield, người đứng đầu Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), ngày 2/12 cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất cho nước Mỹ trong vài tháng tới, trước khi vắc xin được phổ biến rộng rãi.

CDC cảnh báo những tháng mùa đông sẽ gây áp lực dồn dập lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ do thời tiết lạnh có thể khiến dịch bệnh lây lan nhiều hơn.

Hy vọng vắc xin

Anh ngày 2/12 đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vắc xin ngừa Covid-19 do hãng dược do Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức) sản xuất. Anh trở thành nước đi đầu trong cuộc đua khởi động chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 hàng loạt.

Tuy nhiên do nguồn cung trong giai đoạn đầu còn hạn chế, nên mỗi nước đều phải đặt ra ưu tiên trong việc lựa chọn nhóm được tiêm chủng dựa trên các yếu tố về rủi ro nhiễm bệnh.

Các nhà chức trách y tế của Mỹ dự kiến sẽ phê chuẩn việc phân bổ và điều phối vắc xin Covid-19 vào giữa tháng 12.

Nhóm kiểm soát dịch bệnh của Liên minh châu Phi ngày 3/12 cho biết, châu lục này đặt mục tiêu tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho 60% dân số trong 2-3 năm tới. Theo thông kê của Reuters, châu lục với 1,3 tỷ dân này đã ghi nhận hơn 2,2 triệu ca mắc Covid-19.

Liên Hợp Quốc chỉ trích các nước coi thường Covid-19

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 3/12 chỉ trích các nước không tuân thủ chỉ dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc phòng chống dịch Covid-19.

"Ngay từ đầu, Tổ chức Y tế Thế giới đã cung cấp thông tin thực tế và chỉ dẫn khoa học mà lẽ ra nên được sử dụng làm nền tảng cho việc ứng phó phối hợp toàn cầu. Không may là nhiều khuyến cáo không được thực hiện. Trong một số trường hợp, một số nước đã bác bỏ sự thật và phớt lờ chỉ dẫn. Khi các nước tự đi theo con đường riêng, vi rút sẽ lây lan khắp nơi", ông Guterres nói trong cuộc họp của Liên Hợp Quốc.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi thúc đẩy phân phối vắc xin Covid-19 ở cả những nước giàu và nước nghèo, nhằm giúp các quốc gia đang phát triển chiến đấu và hồi phục sau đại dịch.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm