1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều: Kỳ vọng và trở ngại

(Dân trí) - Bảy năm sau khi hai miền Triều Tiên tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên, cả thế giới một lần nữa lại dõi mắt về khu vực này, hồi hộp và hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh lần hai sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ liên Triều, góp phần giải tỏa căng thẳng tại một trong những điểm được coi là nóng nhất thế giới này.

Tuy nhiên, giới phân tích lại có một cái nhìn lạc quan thận trọng về cuộc gặp, cho rằng, ngoài vấn đề kinh tế, hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày này (2-4/10), sẽ không giúp gì nhiều trong việc giải tỏa các vấn đề chính còn tồn đọng giữa hai miền.

 

Lãnh đạo hai miền trông đợi vào điều gì?

 

Giới phân tích cho rằng nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, ông Kim Jong-il, tiếp Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun vào thời điểm này vì ba mục đích sau:

 

Thứ nhất, ông Kim Jong-il muốn thông qua cuộc gặp cấp cao này để tác động tới cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra tại Hàn Quốc. Các kết quả thăm dò dư luận cho thấy, Đảng Đại Dân tộc (GNP) đối lập, đảng luôn có đường lối cứng rắn với CHDCND Triều Tiên, có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 12 tới.

 

CHDCND Triều Tiên rất không thích GNP và từng nhiều lần đe dọa sẽ tấn công Seoul nếu đảng này lên nắm quyền. Hiện Bình Nhưỡng có vẻ như muốn tìm cách tạo ấn tượng rằng GNP đang âm mưu chống lại giải pháp hòa bình nhằm giải quyết những bất đồng giữa hai nước. Trong khi cả chính quyền Hàn Quốc lẫn CHDCND Triều Tiên đều trông đợi kết quả của cuộc gặp này sẽ ảnh hưởng tích cực tới ứng cử viên theo đuổi chính sách dung hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào tháng 12 tới.

 

Thứ hai, ông Kim Kim Jong-il cũng hy vọng thông qua cuộc gặp này để hướng sự chú ý của thế giới từ vấn đề phi hạt nhân hóa của CHDCND Triều Tiên sang các vấn đề khác, giảm nhẹ sức ép đối với CHDCND Triều Tiên; thông qua việc hai miền thừa nhận lẫn nhau để duy trì hiện trạng chia cắt bán đảo Triều Tiên.

 

Thứ ba, ông muốn thông qua chuyến thăm của Roh Moo-hyun để tranh thủ giành được các lợi ích kinh tế, như muốn Hàn Quốc viện trợ và đầu tư nhiều hơn nữa, giúp CHDCND Triều Tiên cải tạo các xí nghiệp, cung cấp nguyên liệu và kỹ thuật nhằm tạo ra một số thay đổi về cơ cấu xã hội.

 

Trong khi đó, Tổng thống Roh Moo-hyun hy vọng cuộc gặp sẽ khẳng định tính đúng đắn trong chính sách "hòa bình và thịnh vượng" của ông đối với CHDCND Triều Tiên, đồng thời khôi phục sự ủng hộ đang bị giảm sút của công chúng trước khi ông rời nhiệm sở sau vài tháng nữa. Và để tránh những căng thẳng không cần thiết, ông Roh Moo-hyun thậm chí dự định không nêu vấn đề chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên tại cuộc gặp.

 

Tổng thống Roh Moo-hyun cũng muốn trao đổi với CHDCND Triều Tiên việc xây dựng cơ chế hoà bình liên Triều, chấm dứt tình trạng chiến tranh tồn tại từ năm 1953.

 

 Những trở ngại chưa dễ vượt qua 

 

Theo giới quan sát, trong những vấn đề mà ông Roh Moo-hyun nêu trên, có nhiều điểm mà hai bên chưa thể dễ dàng vượt qua.

 

Thứ nhất, một trong những vấn đề mà Roh Moo-hyun coi trọng và muốn bàn thảo với CHDCND Triều Tiên là xây dựng cơ chế hòa bình với CHDCND Triều Tiên. Để được như vậy, trước hết hai bên phải ký hiệp định đình chiến mà muốn chấm dứt hiệp định này cũng phải được sự tán đồng của những nước cùng tham gia ký hiệp định đình chiến tạm thời năm 1953, là Trung Quốc và Mỹ, mới có giá trị. Vì vậy đây không phải là vấn đề mà hai bên có thể tự giải quyết.

 

Thứ hai, phía Hàn Quốc luôn muốn "hòa bình và hợp tác kinh tế phải cùng song hành", thường lồng mục đích thống nhất đất nước vào hoạt động đầu tư cho CHDCND Triều Tiên. Nhưng liệu CHDCND Triều Tiên có thực hiện cơ chế mở cửa và đồng ý cho các thương gia Hàn Quốc vào đầu tư hay không vẫn còn là ẩn số.

 

Thứ ba, những nỗ lực nhằm xây dựng lòng tin về quân sự giữa hai bên chưa có bước tiến triển. Chính phủ CHDCND Triều Tiên đã nhiều lần đề nghị thực hiện một biên giới biển mới phi quân sự hóa, thay cho giới tuyến phương Bắc hiện nay. Trong khi đó, mục tiêu của Hàn Quốc là soạn thảo một thỏa thuận nhằm nới lỏng những căng thẳng quân sự giữa hai nước.

 

Thứ tư, ông Roh Moo-hyun chỉ còn nắm quyền một thời gian ngắn nữa, do đó, không rõ các kết quả trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này, "nếu có", có được chính phủ sau tiếp nối hay không.

 

Một số nhà phân tích cho rằng với những trở ngại khó vượt kể trên, cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ khó có thể đem lại bước đột phá nào đáng kể, kể cả trong vấn đề xây dựng cơ chế hoà bình trên bán đảo Triều Tiên.

 

Theo các nhà phân tích này, cuộc hội đàm lần này sẽ chỉ dừng lại ở mức "nhất trí sẽ tiến hành đàm phán" và "xác nhận cần thiết tiến hành đàm phán".

 

Kiến Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm