1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hội nghị G20: Cơ hội hóa giải bất đồng Đông-Tây

(Dân trí) - Những căng thẳng Đông-Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đang đe dọa phủ bóng Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra hai ngày cuối tuần ở thành phố Brisbane của Úc. Tuy nhiên, hội nghị cũng được coi là cơ hội để các bên thực sự hóa giải bất đồng.

Hội nghị G20: Cơ hội hóa giải bất đồng Đông-Tây
Hội nghị G20 ở Brisben có thể là nơi các nhà lãnh đạo phương Tây và Nga tìm được hướng nhìn chung trong vấn đề Ukraine.

Đây là hội nghị lớn thứ 3 liên tiếp chỉ trong một tuần trở lại đây, sau Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 ở Trung Quốc và Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 25 ở Myanmar.

Diễn ra trong bối cảnh đời sống chính trị và kinh tế thế giới tồn tại nhiều khó khăn, nên mục đích của G20 lần này là tập trung tìm kiếm các biện pháp “cải thiện tương lai kinh tế toàn cầu” với mục tiêu đưa kinh tế thế giới cất cánh trở lại sau nhiều nằm phục hồi ì ạch và thiếu bền vững do tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu năm 2008.

Tuy nhiên, do những tranh cãi ngày càng nóng liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine nên nhiều khả năng vấn đề quan hệ căng thẳng Đông - Tây mới là chủ đề gây được sự chú ý nhất tại hội nghị.

Những lời đồn đoán này được đưa ra sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định tình hình Ukraine sẽ là một trong những vấn đề quan trọng nhất được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Nhà lãnh đạo Đức cũng cho biết bà sẽ tìm kiếm các cuộc gặp “thực chất” với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama để thảo luận giải pháp chấm dứt khủng hoảng tại Ukraine, một quốc gia đang bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu Đông-Tây.

Những tuyên bố của bà Merkel đã gây chú ý lớn ở cả “hai đầu chiến tuyến” khi bà được đánh giá là nhà lãnh đạo duy nhất có cơ hội và khả năng trở thành "chuyên gia hòa giải" trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, bà Merkel là nguyên thủ châu Âu duy nhất có thể thường xuyên liên hệ với cả Nhà Trắng lẫn điện Kremlin.

Nhận định về cơ hội hòa giải của bà Merkel tại G20, giới phân tích nhìn chung đều có cái nhìn khá lạc quan sau khi sâu chuỗi những nỗ lực và quan điểm tiếp cận dung hòa của nhà lãnh đạo Đức.

Là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu, nhưng bà Merkel luôn cố gắng tiếp cận vấn đề một cách cân bằng nhất để tránh làm phức tạp thêm tình hình. Theo bà, “việc đánh giá tình hình một cách thận trọng, hay thận trọng khi đưa ra những cáo buộc nóirằng vũ khí vẫn được tuồn vào Ukraine qua biên giới với Nga là hết sức quan trọng”. Nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại với Nga và cần gia tăng tối đa các nỗ lực để hạn chế những kênh đối thoại làm rối rắm tình hình, ám chỉ những nỗ lực vận động gần đây của Thủ tướng Anh David Cameron trong việc thắt chặt các lệnh trừng phạt Nga và nâng cao quan điểm chống Mátxcơva.

Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, chưa bao giờ mối quan hệ Đông - Tây lại căng thẳng như hiện nay. Cuộc khủng hoảng ủy nhiệm ở Ukraine - một quốc gia nằm trên “đường biên giới tự nhiên” giữa Nga và phương Tây - đang tạo cơ hội hồi sinh bóng ma Chiến tranh Lạnh đúng như dự báo của các cựu lãnh đạo nổi tiếng thế giới như Mikhail Gorbachev (Liên Xô), Hans-Dietrich Genscher (Đức), Helmut Kohl (Đức), Henry Kissinger (Mỹ), Helmut Schmidt (Đức) và nhiều chính trị gia nổi tiếng khác.

Đáng lo ngại là bóng ma này đang ngày càng được các bên, vô tình hay hữu ý, thổi lớn với những cáo buộc nhằm vào nhau khiến cho cuộc đối đầu ngày càng thêm căng thẳng, thậm chí có thể đẩy Ukraine rơi vào một cuộc chiến tranh toàn diện do những cáo buộc điều quân ở biên giới chung Nga/Ukraine và các động thái gia tăng hiện diện quân sự của NATO gần biên giới Nga thời gian qua.

Trong bối cảnh đó, hội nghị thượng đỉnh G20, nơi quy tụ những quốc gia mạnh nhất trên thế giới, sẽ là “cơ hội vàng” để các bên tìm kiếm lập trường chung chấm dứt đối đầu và từng bước xích lại gần nhau vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong tương lai.

Đức Vũ