Hội nghị G7 kết thúc bằng 1 trang giấy, ai là người chiến thắng?
Báo chí đánh giá hội nghị G7 tại Pháp lần này là thành công của nước chủ nhà, đặc biệt đối với cá nhân Tổng thống Pháp Macron.
Pháp hôm qua (26/8) đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn về nhiều vấn đề sau 3 ngày họp căng thẳng tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Biarritz, thành phố biển miền nam nước Pháp.
Báo chí quốc tế cũng có những bài viết về kết quả hội nghị năm nay, với nhận định G7 tại Pháp lần này là thành công của nước chủ nhà, đặc biệt đối với cá nhân Tổng thống Pháp Macron, song cũng có ý kiến cho rằng Tuyên bố dài 1 trang được đưa ra sau hội nghị không đưa ra được giải pháp cụ thể cho những vấn đề quốc tế nóng hiện nay, đồng thời thể hiện sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên trong khối.
“Một hội nghị G7 tuyệt vời” đây là nhận định của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi thông báo về một thỏa thuận thương mại lớn với Nhật Bản. Thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm tại Hội nghị G7 hôm 26/8 đó là nhà lãnh đạo Mỹ và Iran đều bày tỏ sẵn sàng cho một cuộc gặp. Đây là Hội nghị Thượng đỉnh G7 thứ 3 có sự tham dự của Tổng thống Trump và theo một số ý kiến cho rằng đây là hội nghị suôn sẻ nhất.
Vào năm 2018, Tổng thống Trump rời G7 tại Canada, khiến các nước không thể đưa ra Thông cáo chung. Trước hội nghị tại Pháp, báo chí quốc tế đã từng dự báo về sự bùng nổ, chia rẽ hay những chỉ trích giữa các nước.
Tuy nhiên tuyên bố sau khi chuẩn bị rời Biaritz, Tổng thống Trump khẳng định, “phần lớn, họ là những người bạn của tôi”, đồng thời dành những lời có cánh dành cho Tổng thống Pháp Macron:“Tôi xin cảm ơn vì những nỗ lực và công việc tuyệt vời mà Tổng thống Pháp đã làm. Đây thực sự là một G7 thành công. Có sự đoàn kết lớn. Có một số thông tin giả mạo về hội nghị, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đối thoại và không ai muốn rời cuộc họp. Tôi xin cảm ơn nỗ lực tuyệt vời của nước Pháp”.
Đánh giá về kết quả Hội nghị G7 lần này, tờ Fox News của Mỹ đưa ra 3 “cái được” lớn nhất. Trước tiên là vấn đề Iran. Đây là vấn đề lo ngại lớn cho Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, làm lu mờ cả việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Với các đột phá vào ngày cuối cùng, nếu không có gì trở ngại, lãnh đạo Mỹ và Iran có thể có thể gặp nhau trong vài tuần nữa.
Thành công thứ hai của G7 đó là cuộc tranh luận về việc Nga có nên quay lại G7 hay không. Mặc dù không đạt được sự đồng thuận, nhưng theo Fox News, G7 là nơi các bất đồng có thể được tranh luận, nhưng các nước đã cố gắng kiểm soát để tránh biến thành thảm họa. Và thành công thứ 3 đó là các nước đã có chung quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong căng thẳng thương mại.
Theo tác giả Barbara Wesel của Hãng tin DW, Đức, với các bước tiến đạt được, đặc biệt là vấn đề Iran, Tổng thống Pháp Macron đã chứng tỏ mình là một “bậc thầy về ngoại giao”. Điều này cho thấy Tổng thống Pháp sẽ tiếp tục là người đi đầu trong các chính sách đối ngoại của châu Âu.
Mặc dù vậy, cũng có nhiều tờ báo cho rằng G7 tại Pháp lần này chưa thực sự đạt được kết quả như mong đợi. Hãng tin Reuters cho rằng ngoài bước tiến về Iran, Hội nghị kết thúc với Tuyên bố chung không có kết quả cụ thể lớn nào, do vẫn còn quá nhiều chia rẽ giữa Mỹ và đồng minh. Thế giới đang đối mặt với hàng loạt các thách thức như Triều Tiên khởi động lại các vụ thử tên lửa, quan hệ căng thẳng Nhật-Hàn, nhiều nền kinh tế châu Âu đứng trước nguy cơ suy thoái hay viễn cảnh Anh ra khỏi EU không thỏa thuận. Đây là những vấn đề đều được đề cập trong các cuộc thảo luận tại G7 nhưng không điều gì được giải quyết. Thay vào đó, Tuyên bố cuối hội nghị đề cập về Iran, Libya, Ukraine và Hong Kong (Trung Quốc).
Tờ Bưu điện Washington còn cho rằng, thậm chí cả bước tiến về Iran tại G7 lần này với việc Tổng thống Trump sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Iran, nhưng với các điều khoản rất chặt chẽ. Tổng thống Mỹ hôm qua (26/8) cũng bỏ phiên họp về biến đổi khí hậu- nơi các nước cam kết hỗ trợ 20 triệu USD tài chính và kĩ thuật giúp Brazil và các nước láng giềng đối phó với cháy rừng Amazon. Ông Brian Klaas- chuyên gia phân tích chính trị trường đại học London cho rằng, so với các Thông cáo chung thông thường, Tuyên bố chung cuối cùng G7, chỉ có độ dài 1 trang với hơn 250 từ, cũng cho thấy rõ nhất việc G7 không đạt được nhiều những kết quả lớn tại Hội nghị lần này.
Theo Phạm Hà
VOV