1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hội nghị cấp cao ASEAN 17: Hoạt động đỉnh cao với ý nghĩa quan trọng

(Dân trí) - ASEAN đang đặc biệt trở thành tâm điểm của khu vực và thế giới trong những ngày này, khi mọi con mắt đổ dồn về Hà Nội - nơi sẽ diễn ra dồn dập các cuộc gặp quan trọng giữa các nhà lãnh đạo trong khối và lãnh đạo các nước đối tác.

 

Hội nghị cấp cao ASEAN 17: Hoạt động đỉnh cao với ý nghĩa quan trọng  - 1


Quốc kỳ các nước thành viên ASEAN tung bay tại địa điểm diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 ở Hà Nội

Hoạt động đỉnh cao

Chỉ trong 3 ngày từ 28 đến 30/10, tại Hà Nội sẽ diễn ra 11 Hội nghị cấp cao chính bao gồm Cấp cao ASEAN 17 giữa các nhà lãnh đạo ASEAN; các cấp cao ASEAN+1 thường kỳ với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng như với Nga, Australia, New Zealand và Liên Hợp Quốc; Cấp cao ASEAN+3 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; và Cấp cao Đông Á lần 5.

Theo lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, đây là hội nghị cấp cao cuối cùng của ASEAN trong năm, là dịp để ASEAN đánh giá một cách tổng thể những kết quả hợp tác trong năm cả trong nội khối cũng như với các đối tác và đề ra định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là dịp duy nhất trong năm lãnh đạo ASEAN họp với lãnh đạo hầu hết các đối tác quan trọng của ASEAN. ASEAN và các Đối tác sẽ trao đổi, đề ra các phương hướng và biện pháp nhằm đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định, cùng phát triển ở khu vực.

Dư luận quốc tế đánh giá cao thành tựu phát triển của Việt Nam trong những năm qua, tin rằng trong bối cảnh Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2010, Hội nghị cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị cấp cao liên quan sẽ là thành công lớn của Việt Nam. Hội nghị cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị cấp cao liên quan lần này có ý nghĩa rất quan trọng và là đợt hoạt động đỉnh cao trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam. Ngoài ra, còn có sự kiện lần đầu tiên hai Ngoại trưởng Nga và Mỹ sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) với tư cách là Khách mời đặc biệt của Hội nghị.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, có mặt tại Hà Nội nhân dịp này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ chính thức khởi động sự tham gia của Mỹ vào EAS- động thái này nhằm mở đường cho Tổng thống Barack Obama đến dự phiên thượng đỉnh năm sau. Còn trong thông báo về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ hai giữa Nga và các thành viên ASEAN, Cơ quan thông tin báo chí điện Kremlin gọi sự kiện sắp tới tại Hà Nội là cơ hội đóng góp cho sự phát triển hợp tác về kinh tế, xã hội và văn hóa giữa các nước thành viên, cũng như củng cố hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Trung Quốc-ASEAN lần thứ 13, Hội nghị cấp cao ASEAN với các nước đối thoại gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần thứ 13, EAS lần thứ 5 và Hội nghị cấp cao Trung-Nhật-Hàn. Theo báo chí Trung Quốc, đây là một hoạt động ngoại giao quan trọng nữa với các nước chung quanh của các nhà Lãnh đạo Trung Quốc trong năm nay. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồ Chính Dược cho biết Thủ tướng Ôn Gia Bảo tham dự các hội nghị lần này sẽ tiếp tục củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Trung Quốc với các nước xung quanh, mở rộng và sâu sắc hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy hoà bình và phát triển của khu vực.

Thủ tướng Australia Julia Gillard sẽ có mặt tại Hà Nội trong hai ngày 29 và 30/10 để dự EAS. “Mục tiêu của hội nghị sẽ tập trung vào việc thiết lập sự hợp tác về chính trị, an ninh và kinh tế trong khu vực cũng như tăng cường liên kết về giáo dục, môi trường và năng lượng”, bà Julia cho biết.

Trong khi đó, cuộc gặp gỡ song phương giữa Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan bên lề hội nghị đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Á này đang cố gắng xây dựng lại mối quan hệ vốn đã căng thẳng từ sau khi Nhật bắt giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá của Trung Quốc ở khu vực gần các hòn đảo tranh chấp giữa hai nước.

Hội nghị cấp cao Đông Á

Một sự kiện được dư luận quốc tế rất quan tâm nhân chuỗi sự kiện lần này là Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Lãnh đạo các nước tham gia EAS dự kiến sẽ chính thức đưa ra quyết định mời Nga và Mỹ tham dự EAS kể từ năm 2011. Do đó, ngoại trưởng Nga và Mỹ sẽ dự Hội nghị EAS năm nay như là bước chuẩn bị quan trọng cho việc tham gia của lãnh đạo 2 nước vào năm sau. Đồng thời, Hội nghị EAS lần này cũng sẽ thông qua một tuyên bố quan trọng nhằm củng cố định hướng phát triển tương lai cho tiến trình EAS nhân kỷ niệm 5 năm thành lập tổ chức này.

Được thành lập năm 2005, EAS tập hợp lãnh đạo cao nhất của 16 quốc gia vùng châu Á-Thái Bình Dương, với 10 nước Đông Nam Á (ASEAN) là hạt nhân, 3 nước Đông Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng với Ấn Độ và hai quốc gia châu Đại Dương là Australia và New Zealand. Từ Hội nghị Cấp cao ASEAN 16, ASEAN đã chủ động mời Nga và Mỹ tham gia sâu rộng vào một cấu trúc khu vực đang định hình. Đây là một quyết sách có ý nghĩa chiến lược của ASEAN trong việc đưa EAS trở thành một diễn đàn hợp tác có tầm mức cao hơn và quy mô rộng lớn hơn ở khu vực, trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo và là hạt nhân gắn kết và hài hòa các lợi ích và nhu cầu hợp tác đan xen ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hợp tác cùng phát triển vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Theo mạng tin Nga Voice of Russia, mục tiêu hoạt động chính của diễn đàn toàn châu Á này được xác định là củng cố thúc đẩy hòa bình, ổn định và kinh tế phồn vinh tại Đông Á. Sự góp mặt của Mỹ và Nga trong EAS sẽ đem lại cho tổ chức những khả năng to lớn hơn để giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực. Là đất nước có phần lãnh thổ đáng kể nằm ở châu Á, Nga xem cộng đồng Đông Á như một trong những động lực thúc đẩy xu thế hội nhập tích cực trên châu lục rộng lớn này. Còn theo hãng AP, Mỹ - nước không bao giờ là một quốc gia châu Á về mặt địa lý, muốn gia nhập EAS vào năm 2011. Giới ngoại giao Mỹ đã nói bóng gió rằng Tổng thống Obama sẽ tham dự hội nghị EAS 2011. Nga cũng có khả năng được kết nạp vào năm 2011.

Nhật báo Nikkei của Nhật Bản nhận định: ASEAN đã bắt đầu đi vào giai đoạn hai trong chính sách mở rộng quan hệ với bên ngoài: tìm cách tiến hành đối thoại với Mỹ và Nga khi đã tiến hành các cuộc đối thoại tương tự với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Mục đích chủ yếu của ASEAN trong kế hoạch này là tăng cường ảnh hưởng, thu hút vốn đầu tư đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và Nga.

ASEAN là một gia đình cực kỳ quan trọng đối với các thành viên và những nước láng giềng - Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, Ernest Z Bower, kết luận. Hiệp hội này có khả năng đóng một vai trò trung tâm trong bất kỳ cơ cấu khu vực châu Á nào, từ thương mại, kinh tế cho đến an ninh và quốc phòng. Việc có một cơ sở vững chắc trong ASEAN là chìa khóa cho sự quản lý lâu dài đối với các quan hệ với những đối tác lớn toàn cầu như Trung Quốc và Ấn Độ. Mỹ có những lợi ích lớn trong những quan hệ với ASEAN và việc giúp ASEAN trở nên vững mạnh là một khoản đầu tư vì lợi ích quốc gia của Mỹ.

Nguyễn Viết