1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Clinton và thành tựu hợp tác Việt-Mỹ

(Dân trí) - Chiều 30/10 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định Mỹ cam kết mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với VN. Bà cho biết trong những năm qua hợp tác Việt - Mỹ đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, kinh tế, thương mại, y tế…

 
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Clinton và thành tựu hợp tác Việt-Mỹ - 1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc họp báo chiều 30/10 tại Hà Nội.
 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chủ trì cuộc họp báo thông báo kết quả trong các cuộc gặp song phương giữa Ngoại trưởng Clinton với các nhà lãnh đạo Việt Nam về thúc đẩy quan hệ hợp tác khu vực và song phương.

 

Mở đầu buổi họp báo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thông báo: “Tôi và bà ngoại trưởng vừa có cuộc hội đàm rất thiết thực trên tinh thần hiểu biết, hữu nghị. Chúng tôi nhất trí nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trong tương lai và cùng bàn các vấn đề trong khu vực và thế giới có liên quan”.

 

Phó Thủ tướng cho biết, hai nước đã trải qua quá khứ đau thương và ngày nay đang xây dựng mối quan hệ tốt đẹp dựa trên tình hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau và cùng chia sẻ sự ổn định, thịnh vượng trong khu vực.

 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Clinton khẳng định Mỹ cam kết mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với Việt Nam, một đối tác ngày càng có mối quan hệ chặt chẽ hơn của Hoa Kỳ và một khu vực đang nổi lên.

Bà Clinton cho biết “đây là chuyến thăm thứ hai của tôi tới Hà Nội trong năm nay, là dấu hiệu quan trọng cho thấy Mỹ coi trọng mối quan hệ với Việt Nam, với Đông Nam Á và với toàn bộ vùng châu Á Thái Bình Dương.”

Đây là lần đầu tiên Mỹ tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) và bà cảm ơn Thủ tướng Tấn Dũng đã mời bà tham gia với tư cách là khách mời của chủ tịch hội nghị. Bà cho biết Tổng thống Obama mong đợi được tham gia EAS vào năm sau tại Indonesia.

Bà nhấn mạnh: “Mỹ cam kết tham gia vào EAS trong thời gian dài phía trước, bởi chúng tôi tin tưởng Hội nghị là một diễn đàn lớn về chính trị và an ninh châu Á Thái Bình Dương. EAS cũng là nơi tạo cơ hội thảo luận trực tiếp với các nhà lãnh đạo khắp khu vực.”

Bà cho biết, khi Tổng thống Obama lên nắm quyền, một trong những ưu tiên cao nhất của chính phủ Mỹ là tái khẳng định cam kết với khu vực châu Á Thái Bình Dương. Mỹ có vị trí đặc biệt trên thế giới, khi là cả cường quốc ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. “Chúng tôi không những muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương, như với Việt Nam, và các nước khác trong khu vực, mà còn muốn tham gia tích cực hơn nữa vào các tổ chức khu vực như ASEAN”.

“Chúng tôi tin rằng EAS là một diễn đàn rất quan trọng để Mỹ trở thành một thành viên” 

Về quan hệ với Việt Nam, bà Clinton nói: “Rõ ràng là hai nước chúng ta đã đạt tới một cấp hợp tác khó có thể tưởng tượng chỉ vài năm trước đây. Chúng ta đã vượt qua quá khứ đau buồn và xây dựng một mối quan hệ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị, và lợi ích chung trong một khu vực châu Á Thái Bình Dương ổn định, an ninh và thịnh vượng.

Trong các cuộc thảo luận, chúng ta đã tái khẳng định mong muốn chung trong việc đưa mối quan hệ tiến tới quan hệ đối tác chiến lược”.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Clinton và thành tựu hợp tác Việt-Mỹ - 2

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Ngoại giao H. Clinton đã chứng kiến Lễ ký kết Hợp đồng chuyển đổi máy bay 787-9 giữa Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Hãng Boeing.

Về thương mại, hai nước đã đạt được những bước tiến lớn. Trong 15 năm trước, thương mại song phương đạt khoảng 450 triệu USD. Nhưng vào năm ngoái, con số này là hơn 15 tỷ USD. Bà Clinton cho biết tại Việt Nam, bà đã thảo luận mở rộng mối quan hệ thương mại này, thông qua Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mỹ, Việt Nam và 7 nước khác đã kết thúc vòng đàm phán thứ ba về TPP trong tháng này và Mỹ hi vọng Việt Nam có thể kết thúc tiến trình nội bộ cuối cùng để trở thành thành viên chính thức của TPP.

Về y tế, bà Clinton cho biết Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam củng cố hệ thống y tế, chống HIV/AIDS, Cúm gia cầm, và các đe dọa bệnh dịch mới nổi khác. Năm ngoái, Mỹ và Việt Nam đã bắt đầu dự án 34 triệu USD nhằm làm sạch dioxin trong đất tại sân bay Đà Nẵng, dấu tích của quá khứ đau buồn, và bà khẳng định đây là “dấu hiệu cho một tương lai nhiều hi vọng hơn nữa chúng ta đang cùng nhau xây dựng”.

Về giáo dục, trong 3 năm qua, Việt Nam và Mỹ đã tích cực thảo luận về thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực này, một trong những lĩnh vực quan trọng nhất trong quan hệ hai nước. Trong thời gian này, số sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ tăng lên gần gấp 3, lên tới hơn 13.000. Mỹ cũng cam kết mạnh mẽ hỗ trợ trao đổi trong giáo dục, thông qua các chương trình Fulbright và tiếng Anh. Ngoài ra, Mỹ cũng cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam khi Việt Nam cải cách hệ thống giáo dục.

Về vấn đề hợp tác hạt nhân, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết Việt Nam và Mỹ đang tiến hành đối thoại và Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác này. Trong khi đó, bà Clinton cho biết Mỹ và Việt Nam đã ký một Biên bản ghi nhớ về hợp tác nguyên tử dân sự. Tuy nhiên, hiện hai nước vẫn chưa đàm phán chính thức về hợp tác nguyên tử dân sự, nhưng hy vọng sẽ sớm thực hiện điều đó. Bà cho rằng việc Tổng thống Obama mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự hội nghị về năng lượng nguyên tử tại Washington hồi tháng 4 là một bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của hợp tác nguyên tử Mỹ - Việt Nam đối với Chính phủ Mỹ.  

 

Cũng tại cuộc họp báo chiều 30/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đã chứng kiến Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác nhà nước và doanh nghiệp giữa Bộ Thông tin - Truyền thông và Tập đoàn Microsoft, Hợp đồng chuyển đổi máy bay 787-9 giữa Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Hãng Boeing, và Bản ghi nhớ hợp tác kỹ thuật giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về phương pháp tiếp cận và xử lý những vấn đề liên quan đến Công ước Chống tra tấn của Liên hiệp quốc.

 

Phan Anh