1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hội nghị ASEAN nói gì về biển Đông?

Nhật-ASEAN sẽ nâng cao hợp tác để tạo môi trường an ninh ổn định hơn.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25 sẽ diễn ra tại Nay Pyi Taw (Myanmar) từ ngày 9 đến 13-11.

Tuy nhiên, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, ngày 5-11 (giờ địa phương) tiết lộ một nguồn tin chính phủ của một nước thành viên ASEAN đã cung cấp dự thảo tuyên bố của chủ tịch hội nghị ASEAN.

Dự thảo lần này có đoạn: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại trước những diễn biến gần đây ở biển Đông làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của hợp tác trong khu vực để duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy an ninh và an toàn hàng hải, tự do đi lại bao gồm quyền bay qua trên biển Đông”.

Tiếp theo đó, dự thảo nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định cam kết tập thể của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải cũng như thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Chúng tôi ghi nhận tiến bộ về đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) và nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì động lực đàm phán và làm việc nhanh chóng hướng đến hoàn tất sớm COC”.

Hội nghị ASEAN nói gì về biển Đông?

Ngày 5-11, Tổng thống Myanmar Thein Sein (giữa) kiểm tra công tác chuẩn bị hội nghị cấp cao ASEAN (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Myanmar)

Bên cạnh vấn đề biển Đông, dự thảo tuyên bố của chủ tịch ASEAN cũng nhấn mạnh ASEAN lên án hành động của phiến quân Nhà nước Hồi giáo và chỉ trích các vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên vi phạm các nghị quyết LHQ.

Trong khi đó, hãng tin Kyodo (Nhật) ngày 6-11 dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết hội nghị cấp cao Nhật-ASEAN thường niên trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN ở Myanmar sẽ ra tuyên bố chung.

Dự thảo tuyên bố chung khẳng định hai bên nhất trí nâng cao hợp tác để tạo môi trường an ninh ổn định và hòa bình hơn trong khu vực. Nguồn tin cho biết nội dung trên có ẩn ý đề cập đến vấn đề tranh chấp ở biển Đông.

Dự thảo ghi nhận hai bên cũng khẳng định lập trường chung trong các thách thức toàn cầu và khu vực bao gồm an ninh hàng hải.

Dự thảo nhấn mạnh hai bên chia sẻ lập trường chung rằng các tranh chấp trong khu vực phải được giải quyết bằng phương thức hòa bình, không sử dụng vũ lực, kiềm chế và tránh hành động làm phức tạp thêm tình hình.
Báo Yomiuri Shimbun (Nhật) ngày 5-11 đã đăng bài xã luận ghi nhận một mặt Trung Quốc đàm phán COC với ASEAN nhưng mặt khác Trung Quốc đơn phương thay đổi nguyên trạng ở biển Đông. Báo nhận định thái độ bất nhất của Trung Quốc chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng và ngờ vực giữa hai bên. Báo lưu ý Trung Quốc đã vi phạm DOC khi tiến hành xây dựng đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Bài xã luận kết luận Trung Quốc sử dụng các cuộc đàm phán COC để câu giờ cho đến khi hoàn tất xong “những sự đã rồi” ở biển Đông.
______

Điều quan trọng nhất đối với ASEAN và Trung Quốc là phải tạo bầu không khí thuận lợi cho đàm phán COC.

Thư ký thứ nhất Đại sứ quán Indonesia tại Mỹ
Achmad Rizal Purnama


Đài Tiếng nói Hoa Kỳ dẫn lời TS Chheang Vannarith ở ĐH Leeds (Anh) nhận định vài năm đến, ASEAN và Trung Quốc vẫn chưa thể hoàn tất COC.

Ông ghi nhận vấn đề biển Đông vẫn mang tính chất nhạy cảm và phức tạp đối với một số nước trong khu vực vì họ không muốn làm tổn hại quan hệ với một đối tác thương mại quan trọng như Trung Quốc.

Thư ký thứ nhất của Đại sứ quán Indonesia tại Mỹ Achmad Rizal Purnama nhận xét Trung Quốc và ASEAN cần đặt mục tiêu hoàn tất COC sớm vì COC sẽ mở đường cho vấn đề biển Đông được giải quyết theo cách thức thích hợp.

TS Sok Touch, Hiệu trưởng ĐH Khemarak (Campuchia), nhận định chỉ riêng ASEAN không thể giải quyết vấn đề biển Đông vì các nước thành viên ASEAN có thể chế và ưu tiên về ngoại giao khác nhau.

Đây chính là rào cản khiến các nước ASEAN khó tìm được tiếng nói chung để giải quyết vấn đề biển Đông.

Theo Lê Linh
Pháp luật TPHCM



Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm