1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Hội con nhà giàu" lập mạng lưới để thay đổi thế giới

(Dân trí) - Một nhóm "cậu ấm, cô chiêu" đã thành lập một mạng lưới nhằm đầu tư một phần khối tài sản khổng lồ theo cách có thể thay đổi thế giới và mang lại lợi ích cho những người khác.


Abigail Noble, giám đốc điều hành của Impact (Ảnh: Getty)

Abigail Noble, giám đốc điều hành của Impact (Ảnh: Getty)

Theo News.com.au, một "hội con nhà giàu" đang chứng minh rằng những người giàu có cũng biết nghĩ tới mọi người chứ không ích kỷ, và đang phối hợp để đầu tư tiền nhằm cải thiện cuộc sống của những người khác. Cùng nhau, họ có hàng tỷ USD để thay đổi thế giới.

Nhóm cũng đang mời những gia đình quyền lực khác tham gia dự án mang tên The ImPact.

ImPact là mạng lưới gồm những người trẻ có phong cách sống hiện đại và cởi mở. Một số trong các thành viên sáng lập của nhóm nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới, đáng chú ý có Justin Rockefeller (cháu trai đời thứ 4 của tỉ phú John D. Rockefeller) và Jason Ingle (cháu nội của tỉ phú Henry Ford).

Họ nằm trong số nhiều người đang chuyển tài sản của gia đình thành một việc có ích.

ImPact giống quỹ The Giving Pledge của tỷ phú Bill Gates, một cam kết mà các cá nhân giàu có nhằm đầu tư phần lớn tài sản để trợ giúp người khác. ImPact khuyến khích các thành viên gia đình trẻ tuổi tiếp tục công việc từ nhiện mà cha mẹ hoặc ông bà họ đã khởi xướng.

"Thế giới đang phải đối mặt với các vấn đề mà những khoản từ thiện hay viện trợ nước ngoài không thể giải quyết được. Doanh nghiệp và thị trường vốn mới là thứ chúng ta cần", giám đốc điều hành ImPact Abigail Noble cho biết với CNN. Cô đang tập trung làm việc với "những gia đình có ảnh hưởng nhất thế giới", đặc biệt là giới trẻ, những người muốn tiếp nối hoạt động từ thiện mà những thế hệ trước của họ đã bắt đầu.

“Cam kết đạo đức” khi đầu tư


Justin Rockefeller là người đồng sáng lập mạng lưới The ImPact và muốn tiếp tục truyền thống làm từ thiện của gia đình (Ảnh: Getty)

Justin Rockefeller là người đồng sáng lập mạng lưới The ImPact và muốn tiếp tục truyền thống làm từ thiện của gia đình (Ảnh: Getty)

Trên phạm vi toàn cầu, ImPact đã xây dựng một mạng lưới gồm 125 thành viên kể từ khi hình thành năm 2015, và mới tham gia gần đây là các thành viên quốc tịch Brazil và Hàn Quốc.

Paolo Fresia sống tại Hong Kong và đã bắt đầu dự án từ thiện nhằm giải quyết những vấn đề lớn nhất của thế giới.

"Thừa kế tài sản được truyền lại qua 3 thế hệ là một đặc ân lớn. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm với tránh nhiệm đầu tư vốn để tiền có thể được sử dụng để giải quyết các thách thức cấp bách của thế giới - từ biến đổi khí hậu, mất cân bằng thu nhập, thúc đẩy tôn trọng quyền lao động và quyền con người", Fresia viết.

ImPact là một "cam kết đạo đức" nhưng không có giá trị ràng buộc pháp lý. Mạng lưới không tiết lộ số tiền các thành viên đã bỏ ra, chỉ cho biết không có giới hạn nào về vốn đầu tư. Theo giám đốc điều hành Noble, họ gửi lời mời tới các thành viên tiềm năng và giá trị tài sản trung bình của các gia đình trong mạng lưới hiện là 700 triệu USD.

Mỗi gia đình đầu tư vào dự án từ hiện của riêng họ và so sánh việc đầu tư với các thành viên khác của ImPact để xem chúng hiệu quả ra sao.

ImPact theo dõi hiệu suất tài chính và ảnh hưởng xã hội từ quá trình đầu tư của mỗi thành viên và chia sẻ thông tin với nhau. giám đốc điều hành ImPact Abigail Noble cho biết: "Các thành viên có thể theo dõi và so sánh lượng vốn và danh mục đầu tư của mình với thành viên khác, để cân nhắc về kênh đầu tư hiệu quả hơn”.

Jean Case, một thành viên sáng lập chủ chốt, hỗ trợ ImPact thông qua tổ chức Case mà bà và chồng mình - đồng sáng lập tập đoàn AOL Steve - thành lập năm 1997. Bà cho biết: “Việc kết nối với các thành viên khác và hợp tác cùng nhau ngay cả khi không cùng lĩnh vực là một sức mạnh to lớn, tôi tin tưởng sâu sắc như vậy”.

Theo Case, giới trẻ trong những gia đình siêu giàu đang dần chuyển đổi cách thức đầu tư, thay vì dùng phương pháp truyền thống là thông qua các công ty quản lý tài sản gia đình. "Họ từ chối cách làm cũ chỉ nhắm đến lợi nhuận, và nhìn thấy một hướng đi khác về chủ nghĩa tư bản trong tương lai, khi dòng vốn tư nhân được sử dụng vì lợi ích công cộng”, bà nói.

Theo giám đốc điều hành Noble, việc xây dựng những quy tắc chung về môi trường và tác động xã hội khi đầu tư là mục tiêu mà nhóm hướng đến.

Tỷ lệ giới siêu giàu sở hữu hoặc quan tâm đến việc sở hữu các khoản đầu tư vì mục tiêu xã hội đã tăng từ 32% năm 2015 lên 45% vào năm 2017, theo khảo sát của US Trust, tổ chức quản lý tài sản cá nhân của Ngân hàng Hoa Kỳ (BAC).

Hành động vì cộng đồng đang là xu hướng chung được nhiều doanh nhân giàu có trên thế giới hướng tới. Khi họ đã đạt đến một mức độ giàu có nào đó, việc kiếm tiền không còn trở nên quá quan trọng nữa, mà quan trọng hơn là đóng góp cho cộng đồng và giúp đỡ những người khác.

Đỗ Anh

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm