1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Học giả Trung Quốc phân tích sự đuối lý của “Đường lưỡi bò”

9 lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc thông báo mời thầu nằm ở phía Đông "đường 9 đoạn", tuy nhiên nó lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

 
Đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ (Ảnh: KT)

"Đường lưỡi bò" do Trung Quốc vẽ (Ảnh: KT) 

Ông Tiết Lý Thái - học giả, nhà bình luận nổi tiếng của trang báo mạng Phượng Hoàng (Hồng Kông, Trung Quốc) trong bài viết đăng trên tờ báo mạng trên ngày 20/7 cho rằng, tranh chấp chủ quyền tại Nam Hải (Biển Đông) giữa Trung Quốc và Việt Nam có dấu hiệu ngày càng căng thẳng trong thời gian qua, trong đó việc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo mời thầu quốc tế vào cuối tháng 6 vừa qua khiến tình hình càng thêm phức tạp.

 

9 lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc thông báo mời thầu nằm ở phía Đông đường 9 đoạn, tuy nhiên nó lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

 

Ông Tiết Lý Thái cho rằng: Nếu Trung Quốc giải thích và muốn cộng đồng quốc tế công nhận đường 9 đoạn là đường biên giới quốc gia thì khó khăn sẽ không hề nhỏ, ít nhất sẽ gặp phải những thách thức sau:

 

Thứ nhất, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc mới đầu chỉ vẽ ra 11 đoạn trên bản đồ nước mình, mà không hề tiến hành phân định biên giới trên biển với các nước láng giềng xung quanh, cũng chưa từng có động thái hòng nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Về bình diện luật pháp quốc tế cũng chưa có sự giải thích rõ ràng, chi tiết nào. Nói một cách nghiêm túc thì đây mới chỉ là “tự nói lời của mình”.

 

Thứ hai, cho đến hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa nói rõ, đường 9 đoạn là đường biên giới quốc gia đứt khúc hay là đường giới tuyến trên biển truyền thống. Đến một định nghĩa cũng không có, hơn nữa cũng chưa ghi rõ kinh độ, vĩ độ trên vị trí địa lý, mà đơn thuần chỉ là vẽ ra các đường đứt đoạn trên bản đồ của mình, thì làm sao mà thuyết phục được người khác?

 

Tiếp theo, nếu như Bắc Kinh nhấn mạnh đường 11 đoạn mà Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đưa ra ban đầu là đường biên giới quốc gia không thể xâm phạm, thì thử hỏi tại sao sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, để thể hiện “tình cảm” của mình với Việt Nam, Trung Quốc lại tự xóa đi 2 đoạn trên bản đồ trong khu vực vịnh Bắc Bộ? Phải chăng Trung Quốc coi việc sửa đường biên giới quốc gia như trò đùa?

 

Thêm nữa theo học giả này, nếu như Bắc Kinh khẳng định đường 9 đoạn là đường biên giới quốc gia, sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, trong thời gian 30 năm, Việt Nam đã chiếm hữu đến 30 hòn đảo lớn nhỏ một cách liên tục, mà Bắc Kinh trong các lần phản đối ngoại giao lại không hề có lần nào nêu ra vấn đề trên?. Điều này là hoàn toàn không bình thường.

 

Cuối cùng, Biển Đông là tuyến vận tải của hơn 80% hàng hóa chiến lược của khu vực Đông Bắc Á, trong đó bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, của hơn 40 % hàng hóa chiến lược của hầu hết các quốc gia phương Tây. Nếu như nói tuyến đường vận tải trên Biển Đông là tuyến đường sinh mạng của các quốc gia phương Tây cũng không có gì là quá.

 

Nếu "đường 9 đoạn" được tuyên bố là đường biên giới quốc gia của Trung Quốc, khi Mỹ và các đồng minh chuyển dịch lực lượng quân sự giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, bất cứ lúc nào, họ  đều có thể bị coi là ở vị trí phi pháp và sẽ bị cản trở mạnh mẽ. Như vậy liệu cộng đồng quốc tế có chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc?

 

Học giả Tiêt Lý Thái cho rằng: ngày nay, cư dân mạng Trung Quốc không ngừng hô hào những luận điệu hiếu chiến trong thế giới ảo. Tuy nhiên sau khi thoát khỏi thế giới ảo, chúng ta phải trở về thế giới thực tại./.

 

Theo Xuân Dần/từ Bắc Kinh

Tiền phong

Dòng sự kiện: Căng thẳng Biển Đông