1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Học giả Mỹ: “Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông”

(Dân trí) - Những lập luận của giới chức Trung Quốc, cũng như một số tờ báo ủng hộ Bắc Kinh rằng nước này chỉ đang bắt chước các nước khác trong việc xây đảo nhân tạo, bồi lấn trái phép trên Biển Đông là hoàn toàn sai, một học giả Mỹ vừa có bài viết chứng minh.

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang rầm rộ xây dựng trái phép trên bãi đá Chữ Thập (Ảnh: Philstar)
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang rầm rộ xây dựng trái phép trên bãi đá Chữ Thập (Ảnh: Philstar)

Bài viết được học giả Gregory B. Poling, đến từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ đăng tải trên website của cơ quan này, và được một số tờ báo Mỹ, trong đó có National Interest trích dẫn.

Vị chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương, và các nước thành viên ASEAN khẳng định, những lập luận của giới chức Trung Quốc gần đây để bao biện cho hoạt động xây đảo nhân tạo, bồi lấn trái phép trên Biển Đông là sai.

“Theo lập luận này, mỗi bên tuyên bố chủ quyền trên biển đều mắc lỗi giống Bắc Kinh trong việc thay đổi hiện trạng các công trình trên Biển Đông, đi ngược lại luật pháp quốc tế và làm gia tăng căng thẳng. Nhưng lập luận này là sai”, ông Poling khẳng định, và cho rằng việc Washington đưa ra những thông điệp được lựa chọn kém chỉ giúp củng cố thêm những lí lẽ sai trái đó.

“Lập luận của Trung Quốc chống lại Philippines là dễ bác bỏ nhất. Không hề có bằng chứng nào được đưa ra để chứng minh Manila tham gia vào các hoạt động nạo vét hoặc bồi đắp quy mô lớn, ngoài việc mở rộng một dải cát hẹp ngoài khơi đảo Thị Tứ vài năm trước, để cho phép việc xây dựng một đường băng”, tác giả viết.

Malaysia cũng tiến hành hoạt động bồi lấn tại bãi đá Hoa Lau, và xây dựng một đường băng, một khu lặn biển, và một căn cứ hải quân nhỏ từ những năm 1980. Bãi đá tự nhiên hoặc đảo được mở rộng từ khoảng 101.171 m2 lên 343.983 m2. “Con số này là lớn”, tác giả viết, “nhưng cũng chỉ là một giọt nước trong thùng nước so với những gì Trung Quốc xây dựng trong hai năm qua”.

Và điều quan trọng cần nhận ra, tương tự như với đảo Thị Tứ, Malaysia không tìm cách thay đổi hiện trạng địa lý hoặc địa vị pháp lý của bãi đá Hoa Lau.

“Trong số các bên tuyên bố chủ quyền khác, Việt Nam là mục tiêu hấp dẫn nhất của chiến dịch làm sai lệch thông tin”, bài viết khẳng định, và dẫn ra một số yếu tố như Việt Nam đang kiểm soát nhiều công trình nhất và ít công bố chi tiết về hoạt động trên quần đảo Trường Sa hơn so với Philippines.

“Nhưng một lần nữa, sự khác biệt then chốt cần được chỉ ra đó là - hoạt động cải tạo của Hà Nội đến nay cũng chỉ là một giọt nước trong thùng nước khi so với những gì Bắc Kinh đã làm. Và đến nay, không có tài liệu nào cho thấy Việt Nam tôn tạo hoặc bồi đắp các kết cấu chìm dưới nước để biến nó thành một bãi đá hay hòn đảo”, vị chuyên gia Mỹ nhấn mạnh.

“Nói cách khác, cũng giống như Philippines và Malaysia, Việt Nam có những hoạt động cải tạo hoặc mở rộng, nhưng không phải dưới dạng xây đảo nhân tạo như Trung Quốc”, ông Poling nhấn mạnh.

Tác giả cũng phản bác lập luận của Trung Quốc và một số tờ báo về cáo buộc Việt Nam đã tăng gấp đôi số công trình trên Biển Đông, từ con số 24 năm 1996 lên 48 hiện nay.

Thông tin này xuất phát từ báo cáo của trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ David Shear trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện hôm 13/5 vừa qua. Ông Shear khi đó đã nói: “Việt Nam có 48 điểm đóng quân, Philippines có 8, Trung Quốc có 8, Malaysia có 5 và Đài Loan có 1”.

Con số này sau đó được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter lặp lại trong phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Và cũng dựa vào đây Trung Quốc cùng những người vào hùa với Bắc Kinh đã lấy con số này để cáo buộc Việt Nam mới là “kẻ gây hấn thực sự”.

Theo ông Poling, thông điệp không rõ ràng của giới chức Mỹ đã khiến tình hình thêm phức tạp và thông tin bị bóp méo.

“Điều mà mhững lập luận trên (của Trung Quốc) và các tranh luận tương tự đã bỏ qua đó là ông Shear và Carter không hề nói Việt Nam chiếm đóng 48 cấu trúc, họ nói rằng Việt Nam có 48 “điểm đóng quân”.

Vì lí do nào đó, Washington đã quyết định đếm từng cấu trúc có thể nhìn thấy bằng mắt thường mà Việt Nam đã xây trên các khu vực mực triều thấp - điều mà họ không hề làm với các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng trước khi chiến dịch xây đảo diễn ra”, vị chuyên gia phân tích.

“Điều này có nghĩa là, ví dụ như ở Bãi Đá Lớn, chính phủ Mỹ đang đếm tới 3 lần, bởi Việt Nam có 3 công sự tại các vị trí khác nhau trên bãi đá này. Tổng cộng lại, các cấu trúc này chỉ có diện tích xấp xỉ 14.164 m2, với hai điểm xa nhất cách nhau khoảng 5 hải lý, hai điểm gần nhất cách nhau chưa đầy 1 hải lý”, bài viết chỉ rõ.

So với Trung Quốc, công trường của họ trên Đá Chữ Thập kéo dài khoảng 2 hải lý, trên diện tích hơn 323 ha, với vô số công trình. Phương pháp tính điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa như trên mà không giải thích gây nhầm lẫn nghiêm trọng. Và vô hình chung, “Washington đã giúp thổi bùng lập luận sai trái của Trung Quốc”, ông Poling nói.

Thanh Tùng
Theo National Interest