1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Học giả Mỹ: 4 bài học từ cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên

(Dân trí) - Ông Zhiqun Zhu, Giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bucknell của Mỹ, đã rút ra 4 bài học từ cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, xét từ quan hệ giữa các cường quốc và tình hình an ninh khu vực Đông Á, trang mạng Diplomat đưa tin ngày hôm nay 22/2.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Brecorder)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Brecorder)

Mỹ và Trung Quốc đều thua cuộc

Với tình hình an ninh tại khu vực Đông Bắc Á xấu đi, Giáo sư Zhiqun phân tích không một cường quốc nào giành thắng lợi từ cuộc khủng hoảng này. Cả Mỹ và Trung Quốc đề là những nước thua cuộc.

Dưới con mắt của các nhà quan sát, Bắc Kinh đã thua cuộc bởi nước này không thể hiện được vai trò như mong đợi với tư cách một cường quốc trên thế giới có trách nhiệm. Trung Quốc đã đặt lợi ích của chính nước này lên trên lợi ích quốc tế của việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Các nhà quan sát cho rằng nếu Trung Quốc gây áp lực lên Triều Tiên, theo học giả Zhiqun, chế độ Bình Nhưỡng có thể sẽ sụp đổ nhanh chóng. Điều này sẽ dẫn đến làn sóng di cư ồ ạt sang Trung Quốc và thổi bùng vấn đề Triều Tiên dưới sự ảnh hưởng từ Mỹ. Đó là lý tại sao Trung Quốc không gây áp lực nhiều lên Triều Tiên.

Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ phải trả giá cho việc tiếp tục là lá chắn cho Triều Tiên. Nếu hệ thống phòng chống tên lửa THAAD của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc, “tuần trăng mật” giữa Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ chấm dứt. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tận dụng cơ hội thuận lợi này để thúc đẩy việc thay đổi hiến pháp và áp dụng một chính sách quốc phòng chủ động hơn nhằm đối phó với Trung Quốc. Rõ ràng trong ngắn hạn, theo Giáo sư Zhiqun, Trung Quốc gặp phải các thách thức chiến lược về ngoại giao và đạo đức.

Đối với Mỹ thì sao? Những tiến bộ về lĩnh vực hạt nhân của Triều Tiên đồng nghĩa sự thất bại của chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Obama đã chuyển “quả bóng giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên” sang phía Trung Quốc. Cho rằng Bắc Kinh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, Washington đã chuyển toàn bộ trách nhiệm cho phía Trung Quốc. Với tư cách là một cường quốc trên thế giới, Mỹ sẽ chú trọng đến vấn đề an ninh toàn cầu. Sẽ là vô trách nhiệm nếu kỳ vọng Trung Quốc giải quyết vấn đề Triều Tiên nếu không tính đến các lo ngại của Trung Quốc. Phe hiếu chiến tại Washington có thể sẽ ăn mừng bởi cuộc khủng hoảng Triều Tiên tạo thêm cớ cho việc xoay trục sang châu Á của chính quyền Mỹ vốn gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, dù Mỹ có hưởng lợi như thế nào thì vấn đề nghi kỵ và gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lại gia tăng.

Trung Quốc và Triều Tiên không còn là đồng minh

Học giả Mỹ phân tích rõ ràng không còn nghi ngờ gì nữa Trung Quốc và Triều Tiên không còn là đồng minh của nhau. Các nhà quan sát phương Tây và các nhà báo thường phác họa Trung Quốc bấy lâu là đồng minh “duy nhất” của Triều Tiên. Trên thực tế, Triều Tiên không còn là nước có quan hệ thân thiết với Bắc Kinh và Triều Tiên cũng không quan tâm Trung Quốc nghĩ gì. Nhiều người còn cho rằng Bình Nhưỡng chỉ là gánh nặng cho Bắc Kinh và là người hàng xóm thường gây vấn đề cho Bắc Kinh, thay vì một quốc gia láng giềng anh em. Hơn nữa, Bình Nhưỡng cũng không muốn bị Bắc Kinh lên lớp. Bình Nhưỡng đã thách thức cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, và đã phóng vệ tinh lên quỹ đạo ngay trước thềm năm mới của người Trung Quốc. Rạn nứt giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục gia tăng.

Trả lời phỏng vấn tờ New York Times của Mỹ, học giả Yan Xuetong thuộc Đại học hàng đầu Trung Quốc Thanh Hoa, cho rằng Trung Quốc và Triều Tiên không còn là đồng minh của nhau. Học giả Yan phân tích rằng từ năm 2013, Trung Quốc chỉ coi quan hệ với Triều Tiên như các quốc gia bình thường khác. Học giả Yan không phải là người đầu tiên đưa ra bình luận này. Thực tế, không một quan chức hay nhà ngoại giao nào của Trung Quốc coi Triều Tiên là đồng minh. Phải thừa nhận thực tế rằng Trung Quốc và Triều Tiên không còn xem nhau là đồng minh và đây là lý do tại sao Trung Quốc không hậu thuẫn nhiều cho Triều Tiên.

Quan hệ Mỹ-Trung

Vấn đề Triều Tiên không còn quan trọng bằng vấn đề quan hệ Mỹ-Trung. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc chia sẻ mục tiêu về một bán đảo Triều Tiên phi vũ khí hạt nhân, nhưng cách tiếp cận vấn đề quá khác nhau và tầm nhìn giữa Washington và Bắc Kinh về tương lai của khu vực Bắc Á lại không đồng nhất. Từ Triều Tiên cho tới Đài Loan, từ Hoa Đông tới Biển Đông, hai cường quốc không thể và không muốn thỏa hiệp. Nguyên nhân cốt lõi đằng sau cuộc khủng hoảng gần đây là sự thiếu lòng tin chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc đã đánh mất thêm một cơ hội nữa để đạt được một hiệp định nhằm xây dựng lòng tin và tăng cường hòa bình tại khu vực Đông Á.

Xem nhẹ tài năng nhà lãnh đạo Triều Tiên

Thoạt đầu, ít ai thừa nhận ông Kim, một nhà lãnh đạo trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm của Triều Tiên, có khả năng lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế với hơn 4 năm trên cương vị lãnh đạo, ông Kim đã tỏ ra vững vàng. Nhận thức đầy đủ về sự chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Kim thể hiện con người có khả năng tiên liệu và quyết định đẩy mạnh chương trình hạt nhân. Trong khi Tổng thống Obama còn đang phải “kiên nhẫn chiến lược” và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn đang chú trọng “sự ổn định” khu vực Đông Bắc Á, ông Kim đã đẩy mạnh công nghệ hạt nhân và củng cố quyền lực trong nước. Còn có ý kiến cho rằng với thành công trong việc thử vũ khí hạt nhân và phóng vệ tinh, ông Kim có thể sẽ chuyển trọng tâm sang vực dậy nền kinh tế. Việc thực thi chính sách 2 mục tiêu của ông Kim (phát triển kinh tế song hành với chương trình hạt nhân) có thể sớm được thực thi. Tuy nhiên, chúng ta còn chưa biết những gì ông Kim đang toan tính. Có một điều duy nhất có thể dự báo về Triều Tiên đó là khả năng không thể dự báo.

Vũ Duy

Theo The Diplomat