1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Hoàng Sa và Trường Sa không nhiều dầu khí”

(Dân trí) - Theo báo cáo ngày 3/4 của cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ, trong Biển Đông, hai khu vực bị tranh chấp nhiều nhất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa được chứng thực có nguồn dầu lửa hay khí đốt dồi dào.

 
Bản đồ dầu khí Biển Đông của EIA.
Bản đồ dầu khí Biển Đông của EIA.
 

Trong thời gian qua, rất nhiều nguồn tin, nhất là từ Trung Quốc, thường khẳng định rằng Biển Đông là một nơi có trữ lượng dầu khí rất lớn, chẳng khác Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, một bản nghiên cứu công bố ngày 03/04/2013, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ EIA (Energy Information Agency) đã đặc biệt xác định lại là trong vùng Biển Đông, hai khu vực bị tranh chấp nhiều nhất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa hề được chứng thực là có nguồn dầu lửa và khí đốt dồi dào.

 

Trong bản nghiên cứu mang tựa đề "Các khu vực tranh chấp tại Biển Đông nhiều khả năng có ít tài nguyên dầu hỏa và khí đốt truyền thống", EIA thẩm định : "Không giống như các nơi khác của Biển Đông, các khu vực này (Hoàng Sa và Trường Sa) chưa được chứng thực là có trữ lượng dầu khí (thông thường) dồi dào".

 

Đối với cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ thì các phân tích của họ đều cho thấy là đa số các mỏ mà trữ lượng đã được chứng thực đều tập trung ở những khu vực không thể tranh chấp ở Biển Đông, gần bờ biển của các quốc gia duyên hải, không gần các hòn đảo đang tranh chấp.

 

Một cách cụ thể, EIA trích dẫn các nguồn tin công nghiệp cho biết là tại các mỏ gần quần đảo Trường Sa, phía tây của miền Nam Philippines, trữ lượng được chứng thực hay được coi là có thể có, hầu như là không có đối với dầu lửa, còn khí đốt thì chỉ bằng không đầy 100 tỷ feet khối mà thôi.

 

Tại vùng quần đảo Hoàng Sa, ở phía đông nam đảo Hải Nam của Trung Quốc và gần bờ biển phía Đông Việt Nam, tình hình còn tệ hại hơn: dầu lửa hoàn toàn không thấy, trong lúc khí đốt lại ít hơn rất nhiều.

 

Tính chung, theo EIA, cả vùng Biển Đông có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 ngàn tỷ feet khối khí đốt (tương đương với 33 tỷ thùng dầu) nằm trong diện đã được chứng thực hay được xem là có thể có. Mức này tương tự với trữ lượng dầu lửa đã được chứng thực của Mexico và bằng khoảng hai phần ba trữ lượng khí đốt đã được xác minh ở châu Âu (không tính đến Nga).

 

Ước lượng trên đây của cơ quan EIA thấp hơn rất nhiều so với tính toán của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc CNOOC. Theo số liệu do tập đoàn này công bố vào tháng 11 năm 2012, trữ lượng dầu của toàn vùng Biển Đông nằm bên trong đường lưỡi bò mà họ tự vạch ra để đòi chủ quyền, lên đến 125 tỷ thùng. Về khí đốt thì khối lượng quy thành thùng dầu cũng lên đến 93 tỷ thùng.

 

Vấn đề là cái lưỡi bò đó cũng liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước láng giềng, cụ thể là ăn vào bồn trũng Phú Khánh, Bãi Cỏ Rong của Việt Nam, hay khu mỏ khí đốt Natuna của Indonesia.

 

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm